Được mùa rớt giá
Những ngày này, câu chuyện giải cứu nông sản cho vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được đề cập rất nhiều. Tất nhiên, dịch bệnh có ảnh hưởng nhất định đến tiêu thụ nông sản, nhưng điều đáng nói là nghịch lý được mùa mất giá vẫn cứ tồn tại nếu không tìm ra giải pháp căn cơ để gỡ khó cho tiêu thụ nông sản.
Nông sản không chỉ khó tiêu thụ ở vùng dịch
Bắp cải, su hào, cà rốt…và nhiều nông sản của Hải Dương đã được cộng đồng kêu gọi để được giải cứu, giá giải cứu rẻ như cho, thế nhưng dẫu có rẻ thì cũng phải cố bán để vớt vát được đồng nào hay đồng ấy.
Lâm vào cảnh tương tự, những ngày này nhiều mặt hàng nông sản của Hải Phòng cũng đang kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, nếu không vựa nông sản này cũng có nguy cơ đổ xuống sông xuống biển. Đáp lời kêu gọi của các cấp, người dân Thủ đô, người dân trong cả nước đã chìa tay ra giải cứu giúp người dân vùng dịch vượt qua cơn khốn khó.
Thế nhưng nông sản không chỉ ùn ứ ở nơi có dịch Covid-19, mấy ngày này vựa rau Mê Linh, hoa Tây Tựu cũng rơi vào cảnh ế, thừa, khiến người dân phải nhổ bỏ kịp trồng cho vụ mới. Thế là người Thủ đô tiếp tục giải cứu, nhưng lượng nông sản quá nhiều, nông dân cũng chỉ bán được chút ít.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, huyện Mê Linh Hà Nội Đàm Văn Đua cho biết, nếu như trước đây vựa rau cung ứng cho thị trường từ 200 - 300 tấn/ngày, thì nay sức tiêu thụ giảm còn khoảng trên dưới 80 tấn/ngày. Nguyên nhân theo ông Đua là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nông sản của địa phương tiêu thụ khó khăn. Cụ thể, với mặt hàng củ cải của địa phương này người dân đã phải nhổ bỏ để trồng vụ mới do củ cải quá lứa không tiêu thụ được.
Tương tự, ông Lại Hồng Chí, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái Đồi Sabi (xã Xuân Bắc, Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết, cả tháng qua, giá xoài Đài Loan bán tại vườn chỉ có 6 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức 25-30 ngàn đồng/kg khi xuất khẩu tốt. Giá rớt nhưng loại trái cây này vẫn khó tiêu thụ. Ông Chí lo lắng: “Ngay tại thị trường nội địa, trái xoài cũng chịu áp lực cạnh tranh rất lớn vì xoài keo ở Campuchia nhập về Việt Nam với giá rất rẻ.
Ông Vy Đức Hiền, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ chuối xuất khẩu Tân Thành (xã Thanh Bình, Trảng Bom, Đồng Nai) không khỏi lo ngại: “Từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, xuất khẩu chuối chậm hơn nhiều so với mọi năm. Với tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát đã ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ sản phẩm.
Không chỉ với các tỉnh miền xuôi, bà con miền núi làm ra nông sản cũng lo lắng trong việc tìm đầu ra cho nông sản. Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La Lò Văn Nước cho biết, chính quyền rất nỗ lực trong việc giúp đỡ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Người dân đã không chỉ trông chờ vào một vụ lúa, một vụ ngô như trước mà đã biết trồng cây ăn quả trên đất dốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, điều khó khăn cũng đã xảy ra đó là đầu ra cho nông sản không hề dễ tìm, nông dân đành phải chấp nhận bán nông sản với giá rất rẻ.
Manh mún tự phát
Câu chuyện giá nông sản rẻ như cho, được mùa rớt giá vẫn luôn là điệp khúc chưa tìm ra lời giải. Nguyên nhân của tình trạng trên là việc tổ chức sản xuất theo quy hoạch chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số địa phương tuy đã xác định được địa chỉ các vùng chuyên canh cho các sản phẩm thế mạnh nhưng quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đồng nhất, chưa thật sự có được vùng chuyên canh đúng nghĩa. Đặc biệt, trong liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng, miền hiện nay còn yếu...
Bên cạnh đó, chưa có hệ thống thông tin thị trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương; năng lực phân tích, dự báo, nắm bắt xu hướng thị trường còn hạn chế, kênh chia sẻ thông tin thị trường đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn yếu và thiếu.
Ngoài ra, công tác nghiên cứu thị trường chủ yếu mang tính đột xuất, thời điểm, thời vụ khi có yêu cầu, phần lớn tập trung vào thu thập thông tin giá cả hơn là các thông tin phục vụ phân tích, dự báo, chưa có phương án thực hiện dài lâu, có trọng tâm, trọng điểm cho các sản phẩm được xác định là chủ lực. Đặc biệt, việc tổ chức sản xuất chưa xuất phát từ dự báo cung cầu thị trường...
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt từ 5-7%. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 1,2 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7,5 ngàn doanh nghiệp gắn với xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 145 doanh nghiệp chế biến nông sản và phần lớn có quy mô vừa và nhỏ. Nhiều nhà máy chế biến hoạt động không hết công suất do tính chất mùa vụ. So với tổng sản lượng 25 triệu tấn rau, quả tươi/năm thì sản phẩm chế biến còn quá thấp.
Tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ nông sản
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, những năm gần đây Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Về tổng thể kinh tế nông nghiệp đang đi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, bất cập lớn nhất của chúng ta là khâu chế biến và tổ chức thương mại, nếu không cải thiện được thì không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá.
Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại, phát huy các ngành lợi thế của địa phương; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...
Để đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản cho bà con, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 194/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030... Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường (trong nước và quốc tế).
Theo đó, sẽ tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; gắn với đó là tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại. Củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ như là một trung gian cần thiết giữa người nuôi, trồng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và ngân hàng, để tổ chức cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông dân.
Xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường, bảo đảm nông sản được tiêu thụ trong chuỗi đáp ứng tiêu chuẩn không chỉ trong nước mà theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở để định hướng sản xuất nông sản theo yêu cầu của thị trường.
Để giải bài toán tiêu thụ nông sản, nhiều ý kiến cho rằng, phải tổ chức sản xuất theo quy hoạch, theo lợi thế từng vùng, từng địa phương một cách khoa học, bài bản và có tính thực tiễn cao. Sản xuất và tiêu thụ phải gắn liền thành một chuỗi chặt chẽ, có tính pháp lý, vừa quản lý được chất lượng hàng hóa, vừa chia sẻ được lợi ích một cách hài hòa trong chuỗi giá trị đó. Sản xuất nông sản vừa phải xây dựng được thương hiệu, tuân thủ nghiêm kỉ luật sản xuất và kỉ luật thị trường trong thu hoạch, chế biến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Làm được vậy, nông sản… mới không phải thường xuyên gặp cảnh “ế hàng”.