Biến thể virus mới và cuộc chiến vaccine
Mới đây, Cơ quan y tế vùng England của Anh xác nhận đã phát hiện ra 38 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, có tên B.1525. Tuy Giáo sư Yvonne Doyle - Giám đốc Cơ quan y tế vùng England cho biết không có bằng chứng cho thấy biến thể mới này khiến người bệnh bị nặng hơn hay làm tăng khả năng lây nhiễm, nhưng giới y tế thế giới vẫn cho rằng không thể chủ quan trong lúc biến thể mới của loại virus này đang được cho là xuất hiện nhiều hơn, với khả năng có thể vô hiệu hóa những loại vaccine đã có.
Không chỉ B.1525 có ở Anh, mà ít nhất người ta đã thấy chúng cũng có mặt tại Nigeria, Đan Mạch và Canada. B.1525 là biến thể mới của virus corona với bộ đột biến đáng lo ngại. Theo Guardian, càng mở rộng xét nghiệm đại trà thì người ta càng phát hiện thêm số người mắc từ biến thể mới này. Trước đó, biến thể mới B.1525 được nêu trong báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh (Anh). Họ phát hiện ra B.1525 bằng biện pháp giải trình tự gene với mẫu bệnh phẩm thu thập tại 10 quốc gia.
1.Theo các nhà nghiên cứu, bộ gene của B.1525 có nhiều điểm tương đồng với biến chủng B.117 (cũng được phát hiện tại Anh ngày 14/11/2020), còn được gọi là biến chủng Kent. B.1525 có nhiều đột biến khiến các nhà khoa học lo ngại vì chúng cho thấy mức độ nguy hiểm từ cơ chế xâm nhập tế bào cơ thể người.
Nó được coi là nguy hiểm hơn đột biến E.484K từng xuất hiện ở các biến chủng nổi lên tại Nam Phi và Brazil, khi chúng có nhiều khả năng tránh kháng thể vô hiệu hóa trong cơ thể người.
Simon Clarke - chuyên gia về vi sinh học tế bào tại Đại học Reading, cho rằng mức tác động của các đột biến đối với khả năng lây nhiễm và độc tính của chủng virus corona mới vẫn còn là ẩn số. Trước mắt, việc virus mang đột biến E.484K có thể giúp chủng B.1525 kháng lại một vài vaccine ở mức độ nhất định, tương tự như biến chủng Nam Phi.
“Chúng tôi chưa hiểu rõ biến chủng này sẽ lây lan như thế nào. Tuy nhiên, nếu nó đột biến thành công, có thể nói rằng mọi miễn dịch bằng vaccine hoặc đề kháng sau nhiễm sẽ thiếu hiệu quả”- vị chuyên gia cảnh báo và cho rằng cho đến khi chúng ta hiểu rõ hơn về các biến chủng này thì cũng rất có thể chúng đã tìm ra cách né tránh khi tự tiến hóa.
Suốt hơn 3 tháng qua, một số biến thể SARS-CoV-2 mới đã được mô tả là dễ lây truyền hơn, có thể thoát khỏi cả miễn dịch tự nhiên và miễn dịch do vaccine và có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19. Theo giới chuyên gia, còn quá sớm để khẳng định những biến thể này sẽ tạo ra một đại dịch mới trong đại dịch, tuy nhiên, ở các quốc gia như Anh, Nam Phi, Brazil, Ireland, Bồ Đào Nha và Israel, đã sửa đổi những động thái của các đợt bùng phát mới nhất trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến xấu hơn.
Ngày 25/2, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge đã kêu gọi nhà chức trách các quốc gia ưu tiên tìm hiểu những hậu quả lâu dài của bệnh nhân Covid-19 sau khi một số người từng mắc bệnh đã xuất hiện những triệu chứng đáng lo ngại vài tháng sau đó. Ông Kluge nhấn mạnh việc tìm hiểu những hậu quả lâu dài của người mắc bệnh Covid-19 là ưu tiên của WHO và cũng là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các cơ quan y tế của mỗi quốc gia.
Trong khi một số nghiên cứu đang được thực hiện nhằm tìm hiểu nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, hiện vẫn chưa biết lý do tại sao một số bệnh nhân tiếp tục xuất hiện những triệu chứng dù đã khỏi bệnh sau nhiều tháng, như mệt mỏi, hội chứng “sương mù não”, rối loạn nhịp tim hay rối loạn thần kinh. Theo ông Kluge, cứ mỗi 10 bệnh nhân Covid-19, có 1 người sức khỏe chưa thực sự ổn định sau 12 tuần, thậm chí nhiều trường hợp còn kéo dài hơn. Ông cho biết đã có nhiều báo cáo về những hậu quả lâu dài đó xuất hiện ngay sau khi phát hiện ra bệnh Covid-19, nhưng một số bệnh nhân đã không tin hoặc thiếu hiểu biết. Do đó, những bệnh nhân này cần được thông tin nếu nhà chức trách hiểu rõ về những hậu quả lâu dài và sự phục hồi sau khi mắc bệnh.
Bộ ba biến chủng được coi là nguy cơ nhất của virus SARS-CoV-2 tính tới thời điểm này là: (1) B.117 (được mô tả lần đầu ở Anh; (2) B.1351 (được mô tả lần đầu ở Nam Phi; và (3) P.1 (được mô tả lần đầu ở Brazil).
Người ta cho rằng, quá trình tiến hóa hội tụ cho thấy rằng khi mà ngày càng có nhiều người đã có kháng thể chống lại SARS-CoV-2, thì những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã phát triển một cấu hình hoàn hảo hơn. Điều đó cũng có nghĩa là càng gia tăng mối lo ngại “vô hiệu hóa” các loại vaccine ngừa Covid-19 đang được nhiều quốc gia chích ngừa.
Theo chuyên gia y tế Simon Clarke, đột biến (hay còn gọi là phiên bản mới) hoàn toàn có khả năng tăng mức độ lây truyền và cũng có thể làm cho bệnh thêm nghiêm trọng. Mặt khác, con người cũng giảm thiểu khả năng bảo vệ khỏi sự lây nhiễm SARS-CoV-2. Còn với vaccine sẽ giảm phản ứng, có nhgĩa là tác dụng của vaccine mới sẽ “gặp vấn đề”.
Vị chuyên gia kêu gọi, sự gia tăng khả năng lây truyền của các biến thể mới có thể đòi hỏi phải thực hiện nghiêm ngặt hơn các biện pháp tiêm chủng và các giải pháp giảm thiểu sự lây lan (như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, vệ sinh tay…). “Những biện pháp này sẽ hiệu quả hơn nếu chúng được thiết lập sớm hơn, cùng với việc phải điều chỉnh lại thành phần của những vaccine hiện có”- theo TS Simon Clarke.
2.Tới thời điểm này, tiêm vaccine ngừa Covid-19 được cho là một trong số rất hiếm hoi chiến lược tiêm vaccine từ trước tới nay mà thế giới từng ghi nhận. Người ta cũng nhận thấy rằng, chưa bao giờ loài người điều chế được một loại vaccine nhanh như lần này. Thông thường, muốn có được vaccine, phải qua từ 5 năm đến 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm, trước khi được tiêm chủng đại trà, hay nói cách khác là vaccine đó trở thành hàng hóa.
Lần này, chỉ trong vòng chưa tới 1 năm, ít ra cũng đã có 7 loại vaccine được đưa ra tiêm cho người, trong đó các loại vaccine được bào chế từ Mỹ, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc là “thế hệ vaccine tiên phong”.
Hiện đã và đang xuất hiện ồ ạt các chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-129, ở các nước giàu cũng như một số quốc gia nghèo. Vì rằng, cùng với những biện pháp phòng ngừa, thì vaccine luôn được coi là vũ khí hữu hiệu nhất chống dịch lây lan từ virus.
Nhiều quốc gia giàu có đã sớm đặt hàng các hãng bào chế ngay từ khi họ còn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Từ đó nổi lên việc sẽ không công bằng trong vaccine trên phạm vi thế giới, khi các quốc gia giàu có trở thành “kho chứa vaccine” trong khi các nước nghèo vẫn phải vật vã áp dụng các biện pháp mang tính đề phòng.
Tại nước Đức, mới đây Bộ trưởng Y tế Spahn cho biết xét nghiệm kháng thể nhanh hiện có sẵn đủ trên thị trường để các trung tâm xét nghiệm địa phương và các hiệu thuốc có thể cung cấp miễn phí. Đó là giải pháp song hành với vaccine. Theo đó, kể từ ngày 1/3/2021 các bộ xét nghiệm sẽ phổ biến trên phạm vi toàn quốc. “Cách xét nghiệm này có thể góp phần tạo một cuộc sống hằng ngày an toàn, nhất là tại các trường học và các trung tâm chăm sóc y tế”, ông Spahn nói.
Tuyên bố của Bộ trưởng Y tế nước Đức lập tức được tập đoàn truyền thông Redaktions Netzwerk Deutschland (RND) dẫn lại, với những lời bình luận đánh giá cao động thái này, và rằng so với các hình thức chẩn đoán Covid-19 khác, xét nghiệm kháng nguyên nhanh được coi là một phương pháp quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch.
Còn tại nước Anh, chính quyền thông báo sẽ cung cấp chứng nhận tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho công dân nước này nếu loại giấy tờ trên được yêu cầu khi nhập cảnh nước khác. Tuy nhiên, Anh không có ý định đưa ra một yêu cầu tương tự đối với người nhập cảnh. Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Anh phụ trách vấn đề tiêm chủng vaccine, Nadhim Zahawi, cho biết: “Nếu các nước khác yêu cầu một chứng chỉ vaccine, tôi nghĩ là nên tạo điều kiện.”
Tuy nhiên, ông Zahawi nhấn mạnh, Anh không có ý định sử dụng các “hộ chiếu vaccine” trong nước. Ông cũng cho biết thêm rằng chiến lược của Anh là kết hợp chương trình tiêm chủng quốc gia với việc xét nghiệm nhanh. Mục tiêu của Anh là tập trung cho chiến dịch tiêm chủng rộng rãi kể từ đầu tháng 4 tới.
Cũng liên quan đến vaccine, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết sẽ đưa ra trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Ngoại trưởng Marcelo Ebrard nhấn mạnh tới sự bất bình đẳng khi các quốc gia Mỹ Latinh có tỷ lệ tiếp nhận số lượng vaccine Covid-19 thấp và Liên hợp quốc cần giải quyết vấn đề này một cách công bằng để mọi quốc gia đều có khả năng tiêm chủng cho người dân.
Tới nay, Mỹ Latinh vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với trên 20 triệu ca mắc bệnh, trong đó có tới 650.000 ca tử vong. Trong đó Brazil và Mexico là hai quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao thứ 2 và thứ 3 trên thế giới.