Thách thức dành cho tân Tổng Giám đốc WTO
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã chính thức lựa chọn cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala giữ chức Tổng Giám đốc, nhiệm kỳ kéo dài đến tháng 8/2025. Như vậy, bà Okonjo-Iweala đã trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người gốc Phi đầu tiên lãnh đạo WTO.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard và lấy bằng Tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), bà Okonjo-Iweala là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị người đứng đầu Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Nigeria. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên ứng cử vào chức Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), nơi bà đã làm việc trong 25 năm.
Để trở thành người đứng đầu WTO là điều không hề dễ dàng. Đặc biệt là việc bà Okonjo-Iweala phải vượt qua đối thủ rất nặng ký là bà Yoo Myung-hee, khi hai người vào tới vòng cuối cùng trong cuộc chạy đua trở thành tân Tổng Giám đốc WTO.
Vào thời điểm đó, bà Ngozi Okonjo-Iweala là cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, trong khi bà Yoo Myung-hee đang giữ chức Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc.
Trước đó, sau vòng tham vấn thứ hai, các ứng cử viên gồm Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox, Quốc vụ khanh phụ trách Thể thao, Văn hóa và Di sản Kenya Amina C. Mohamed và ông Mohammed Maziad Al-Tuwaijri của Saudi Arabia đã bị loại khỏi cuộc đua.
Quá trình lựa chọn tân Tổng Giám đốc WTO bắt đầu từ ngày 14/5/2020, khi ông Roberto Azevedo thông báo sẽ từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ một năm, kéo dài tới ngày 15/2/2021 mới chính thức khép lại bằng thành công của bà Okonjo-Iweala.
Phát biểu sau khi trúng cử, bà Okonjo-Iweala cho rằng một WTO vững mạnh có ý nghĩa sống còn nếu thế giới muốn phục hồi nhanh chóng và hoàn toàn từ sự tàn phá do đại dịch Covid-19. Bà Okonjo-Iweala mong muốn được hợp tác với các thành viên để định hình và thực hiện các chính sách để đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại, khiến WTO vững mạnh hơn, nhạy bén hơn và thích nghi tốt hơn đối với những thực tế ngày nay.
Theo giới quan sát, tân Tổng Giám đốc WTO sẽ phải đối diện với nhiều thách thức trước mắt, mà hầu như việc gì cũng cần sự ưu tiên. Vào ngày đầu tháng 3/2021, khi chính thức nhận nhiệm vụ Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala sẽ phải khởi động trở lại những cuộc đàm phán thương mại bị ngưng trệ và cuộc họp 2 năm một lần giữa các quốc gia thành viên liên tục bị trì hoãn. “Nhưng đó chỉ là một vài trong số “núi” thách thức đang chờ đón bà Ngozi Okonjo-Iweala trên cương vị mới”- nhân xét trên CNN.
Theo thông lệ, nhóm bộ trưởng các nước thành viên WTO (những người ra quyết định) họp mặt 2 năm một lần và thường tổ chức vào cuối năm. Nhiều quốc gia coi cuộc họp này là hạn chót để ra quyết định hoặc tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại.
Sau hội nghị tổ chức vào tháng 12/2017 ở Buenos Aires, cuộc họp tiếp theo đáng nhẽ nên được diễn ra tại Nur-Sultan vào tháng 6/2020 để tránh mùa Đông khắc nghiệt ở thủ đô Kazakhstan vào cuối năm. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến hội nghị này bị trì hoãn vô thời hạn.
Muốn họp lại thì phải nhận được xác nhận của 164 quốc gia thành viên WTO. Đó là điều không dễ dàng trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
“Tôi nghĩ rằng rất quan trọng nếu cho phép các đàm phán thương mại bị chậm lại, tê liệt và suy kiệt. Điều đó là không đúng”, nữ Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia còn đặt hy vọng vào người đứng đầu mới, rằng WTO có thể hòa giải các bên đang vướng vào xung đột thương mại, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU); điều mà người tiền nhiệm của bà Ngozi Okonjo-Iweala, ông Roberto Azevedo, không làm được.
Người ta cho rằng với kỹ năng giao tiếp thiên về chính trị thay vì nền tảng thương mại của bà Okonjo-Iweala, có thể góp phần củng cố chủ nghĩa đa phương.
Với cuộc khủng hoảng y tế Covid-19, bà Okonjo-Iweala cho biết bà sẽ giải quyết vấn đề một cách quyết liệt. Bà hy vọng WTO sẽ có vai trò mới trong cuộc chiến chống đại dịch, đặc biệt thông qua chính sách vay hỗ trợ COVAX - chương trình vaccine toàn cầu đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine đối với các nước nghèo hơn.
Ông Pablo Bentes, cựu quan chức pháp lý tại Ban thư ký Cơ quan phúc thẩm, cho biết nền tảng của bà Okonjo-Iweala “khiến bà ấy có vị trí đặc biệt trong việc chèo lái WTO vượt qua cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử”.