Ngộ độc bóng cười
Mới đây, đến khám Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, một cô gái bị cảm giác tê bì bàn chân lan lên cổ chân và hai bàn tay trong suốt 2 tháng đã được bác sĩ xác định tổn thương não và tuỷ sống do ngộ độc khí N2O.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng Bộ môn Thần kinh, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội cho biết ban đầu người bệnh tưởng chỉ chóng mặt, rối loạn tiền đình, đến khi tay chân yếu dần, thị lực giảm mới đi khám. Đây là trường hợp điển hình của ngộ độc khí NO2 dẫn tới tổn thương thần kinh.
Tại bệnh viện, cô nói đã hít bóng cười nhưng không cho biết rõ dùng bao lâu, liều lượng sử dụng nhiều hay ít. Do tổn thương nặng, bệnh nhân phải điều trị thời gian dài, ít nhất là một tháng, truyền vitamin B12 kết hợp phục hồi chức năng. Cùng đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ khác, 31 tuổi, cũng xuất hiện rối loạn tương tự, tiên lượng nặng hơn, khả năng hồi phục chậm do triệu chứng kéo dài hơn 4 tháng. Bệnh nhân này được chuyển sang Trung tâm chống độc Bạch Mai điều trị tiếp.
Gây ngộ độc nếu dùng thường xuyên và quá liều
Bóng cười đang được coi là thú chơi, công cụ xả stress của một bộ phận giới trẻ. Theo các chuyên gia hóa học, bóng cười hay còn gọi là funky ball, thực chất là quả bóng bay được bơm khí Nitrous oxide (N2O). Ở một số nước châu Âu, đây là chất kích thích được bán hợp pháp tại các bar, hộp đêm.
Bóng cười du nhập vào Việt Nam khoảng năm 2010, trò hít “bóng cười” được giới trẻ rỉ tai nhau sử dụng tại các quán cà phê, quán bar. Giá 1 quả “bóng cười” chỉ từ 70.000 - 150.000 đồng/quả. Vì thế hiện nay rất nhiều bạn trẻ đua nhau sử dụng.
Theo các chuyên gia y tế, hầu hết người trẻ hít bóng cười vì tò mò, thích cảm giác hưng phấn ảo, lâng lâng và cho rằng không nguy hiểm như thuốc lắc hay ma túy. Song, đây là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện và ngộ độc nếu dùng thường xuyên và dùng quá liều.
BSCKI Nguyễn Đình Tuấn, Chuyên khoa Thần kinh, BVĐK Medlatec cho biết, khi ngộ độc khí NO2, biến chứng thần kinh xuất hiện đầu tiên sau đó đến các cơ quan khác, cảm giác ban đầu bệnh nhân nhận rõ đó là tê bì tứ chi. Với những tổn thương thần kinh xuất hiện sau 6 tháng sẽ không còn khả năng hồi phục.
Loại khí N2O được bơm vào bóng cười bằng những dụng cụ vô cùng đơn giản, chỉ cần một bình khí nén nhỏ, hai chiếc hộp nhựa đựng bóng và một ống sắt là có thể tạo nên một quả bóng cười. Chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng hít khí trong đó rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên. Cứ như vậy lặp lại khoảng 4 - 5 lần chất khí Nitrous oxide trong quả bóng sẽ khiến người hút vào có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười. Và dù đang vui hay buồn đều sẽ cười thả phanh.
Hiện không khó để tìm mua loại bóng cười này trên các tuyến phố Hà Nội như Mã Mây, Hàng Thùng... Càng đáng lo hơn khi lướt qua các trang web là có thể thấy ngay những thông tin hấp dẫn về bóng cười, mặt hàng này được rao bán công khai và không hề có sự kiểm duyệt nào của các cơ quan chức năng.
Dễ mất kiểm soát
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, khí cười hay còn gọi là N2O là một hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi có giả thuyết cho rằng, nó tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười.
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, người ta thường dùng khí N2O như một dạng thuốc gây mê, giảm đau với một liều lượng cực thấp để phẫu thuật. Trong nha khoa, N2O cũng được dùng để gây mê nhưng được giám sát chặt chẽ. Còn hiện giờ hầu như khí này không được dùng.
TS Trần Hồng Côn cũng khẳng định, sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Nếu hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê pha ma túy. Sử dụng nhiều có thể sẽ gây nghiện. dù chưa có bất cứ một trường hợp nào tử vong liên quan đến việc sử dụng khí cười một cách quá độ, nhưng TS Trần Hồng Côn cũng khuyến cáo không nên lạm dụng khí cười.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Văn Hưởng, sau khi dùng bóng cười, khí N2O sẽ làm cho cơ thể choáng váng, không tự chủ bản thân, miệng nhíu lại nói năng không rõ. Nhiều khi họ cười phá lên mà không rõ nguyên nhân. Việc hít phải khí này trong một thời gian dài chắc chắn sẽ gây thương tổn đến não bộ. Tuy nhiên, người lạm dụng sẽ gây thiếu oxy cục bộ, ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh, có thể gây co giật hoặc ngất.
“Khi hít phải một lượng nhỏ, N2O có thể gây phấn khích, kích động nhẹ, gây cười vô cớ. Tuy nhiên tác dụng này chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn khiến người chơi phải tiếp tục hít thêm nữa để tăng độ “phê”. Việc tích tụ nhiều khí N2O sẽ kích thích thần kinh, thần kinh không hoạt động bình thường, thậm chí gây hôn mê sâu. Về lâu dài nó sẽ dẫn tới rối loạn thần kinh, trong đó có chứng mất trí nhớ” - BS Nguyễn Văn Hưởng phân tích.
Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác.
Khi ngộ độc khí N2O, biến chứng thần kinh xuất hiện đầu tiên, sau đó đến các cơ quan khác. Cảm giác ban đầu là tê bì tứ chi, mất thăng bằng, đi lại không vững. Ngộ độc kéo dài làm giảm khả năng tập trung trí nhớ, lo lắng, trầm cảm, thậm chí gây đột quỵ, co giật. Khí N2O còn làm tổn thương vùng tủy cổ dẫn đến yếu tứ chi, tàn phế, thậm chí hôn mê và tử vong. Năm 2019, Bộ Y tế cấm sử dụng bóng cười trong giải trí. Khí N2O chỉ được phép sản xuất với mục đích công nghiệp, không được sử dụng cho người trừ khi được bác sĩ chỉ định dùng trong y tế.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma tuý Thanh Đa, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), rất nhiều phụ huynh đã liên hệ với trung tâm để đăng ký cho các cháu vào cai nghiện khi các cháu sử dụng “bóng cười” quá nhiều song trung tâm không dám nhận vì hiện nay, N2O vẫn là một loại chất không nằm trong danh mục cấm như một số loại chất kích thích khác.
Khí Nitrous oxide (N2O) là một hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi có giả thuyết cho rằng, nó tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười. Người ta thường dùng khí N2O như một dạng thuốc gây mê, giảm đau với một liều lượng cực thấp để phẫu thuật. Trong nha khoa, N2O cũng được dùng để gây mê nhưng được giám sát chặt chẽ.