Cầu thủ Việt Nam đã sẵn sàng xuất ngoại?
Trần Danh Trung và Cao Văn Triền trở thành các trường hợp thứ 9, thứ 10 của Việt Nam sang nước ngoài chơi bóng trong vòng một thập kỷ đã qua. Câu hỏi được đặt ra rằng, họ đã sẵn sàng cho việc xuất ngoại? Và cấp độ nào là đủ phù hợp để tuyển thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu?
Thi đấu hay du học?
Vài ngày trước, Sài Gòn FC vui mừng thông báo hai cầu thủ của Việt Nam sẽ lên đường sang Nhật Bản vào tháng 7 tới đây. Ryukyu, đội bóng trung bình tại J.League 2 sẽ là nơi mà Cao Văn Triền (Sài Gòn FC) và Trần Danh Trung (Viettel) sang thi đấu. Nhưng chưa nói đến những khó khăn từ phía Nhật Bản nói chung và FC Ryukyu nói riêng sẽ chờ đợi họ như thế nào, câu chuyện của hai cầu thủ này trong mối quan hệ với Sài Gòn FC và Viettel cũng khiến người ta không thật sự kỳ vọng nhiều vào một chuyến xuất ngoại đem đến hiệu quả cao.
Danh Trung không phải là cầu thủ trụ cột của Viettel. Trong rừng sao của đội bóng áo lính, tiền đạo sinh năm 2000 không có nhiều cơ hội để có thể chen chân vào danh sách đăng ký thi đấu, chứ đừng nói là cơ hội vào sân thi đấu thường xuyên. 4 trận đấu với chỉ vỏn vẹn 19 phút cho Viettel mùa vừa rồi là minh chứng rõ nét cho việc Danh Trung có quá ít chỗ đứng ở đội hình nhà đương kim vô địch V.League.
Việc anh được Viettel tạo điều kiện sang nước ngoài thi đấu có thể xem là một vinh dự. Nhưng ở một góc độ khác, điều ấy cũng khẳng định cho việc chân sút thuộc thế hệ 10x vẫn không thể nằm trong kế hoạch ở mùa giải tới đây của Viettel.
Khác với Danh Trung, Văn Triền là cầu thủ số 1 của Sài Gòn. Ngay trong thời điểm thông báo cho anh sang Ryukyu thi đấu, đội bóng Sài thành cũng lập tức trói chân anh với một bản hợp đồng có thể xem là trọn đời cùng mức lương mà theo giới thạo tin có thể lên đến 80 triệu đồng/tháng. Trước hành động ấy của Sài Gòn, người ta ngầm hiểu rằng chuyến sang Nhật Bản của Văn Triền không phải là “xách ba lô lên và tìm kiếm kế sinh nhai”.
Câu chuyện của Danh Trung và Văn Triền đơn thuần dừng ở một vấn đề cơ bản. Một CLB cần tìm bến đỗ cho cầu thủ mà mình chưa dùng đến. Và một CLB cũng chỉ muốn cầu thủ con cưng của mình đi trong một giai đoạn nhất thời.
Bản ngã của chuyện xuất ngoại Việt Nam lại đi về một câu chuyện muôn thưở. Đó là du học chứ không phải xuất ngoại đích thực để khẳng định mình đã vượt ra khỏi ranh giới của V.League.
Bài học Công Vinh, Văn Lâm
Trong 10 trường hợp xuất ngoại trong 1 thập kỷ trở lại đây, người ta chỉ thấy được hai trường hợp thật sự quyết tâm khi sang nước ngoài chơi bóng. Đó là Đặng Văn Lâm và Lê Công Vinh. Trường hợp của Công Vinh vẫn chỉ là một bản hợp đồng mang tính thời điểm, tức là có đi và có về. Nhưng chí ít, trong 5 tháng ở Consadole Sapporo, Công Vinh vẫn thể hiện được một dấu ấn đậm nét.
14 trận đấu, 5 bàn thắng và 2 đường kiến tạo tại đội bóng top đầu của J.League 2 là những con số không tồi mà Công Vinh đã làm được chỉ trong một giai đoạn ngắn sang xứ sở hoa anh đào chơi bóng. Và thành công nhất, ghi nhận rõ ràng nhất đối với quyết tâm của cầu thủ người Nghệ An chính là lời đề nghị 2 năm hợp đồng rất nghiêm túc đến từ Consadole Sapporo, sau 5 tháng mà Công Vinh chơi quá ấn tượng và tạo ra tầm ảnh hưởng thật sự lên đội bóng.
Với Đặng Văn Lâm, đây thật sự là trường hợp hiếm hoi có thể tự mình bươn trải ở nước ngoài. Không có một bản hợp đồng cho mượn như 9 cầu thủ còn lại, với Văn Lâm, đó là những thương vụ mua đứt bán ngọn rõ ràng ngay từ ban đầu. Muangthong United phải trả 500.000 USD để phá vỡ hợp đồng giữa Văn Lâm và Hải Phòng. Rồi chính Văn Lâm cũng được Cerezo Osaka có thương lượng đàng hoàng về hợp đồng trước khi sang Nhật Bản chơi bóng.
Chưa biết thử thách dành cho Văn Lâm khó khăn đến mức độ nào nhưng chí ít, những vụ đàm phán kể trên cũng đủ khẳng định cho tài năng, nghị lực và đẳng cấp của Văn Lâm. Thay vì chỉ là một mối quan hệ mang tính nhất thời giữa 2 CLB với nhau, Văn Lâm đã tạo ra một trường hợp hiếm có trong lịch sử Việt Nam khi tự mình khẳng định mình trên thị trường bóng đá quốc tế.