Vật dụng trong nhà cần thay thế định kỳ để bảo đảm sức khỏe
Không phải vật dụng nào trong gia đình cũng có thể sử dụng được lâu. Một số thứ cần phải thay mới thường xuyên nếu không muốn bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Gối và ga giường
Vỏ gối và ga giường chứa rất nhiều dầu, các tế bào chết ở da và tóc, mang theo rất nhiều tế bào chết, mồ hôi và nấm mốc. Vì vậy, chúng ta cần thường xuyên giặt chúng và thay thế bằng những chiếc vỏ gối và ga giường sạch. Bạn nên giặt và thay ga giường ít nhất 2 tuần/lần hoặc 1 lần/tuần nếu bạn ra nhiều mồ hôi vào ban đêm để tránh vi khuẩn và vết bẩn có thể gây mụn trên da.
Khoảng 2 năm 1 lần, bạn nên thay mới hoàn toàn vỏ gối. Nếu bị ốm hoặc bị cúm, hãy giặt ga giường ngay lập tức để tránh virus cúm lây lan.
Đối với ruột gối, để kéo dài "tuổi thọ" của chúng, bạn hãy giặt 6 tháng 1 lần. Trung bình 1-2 năm gối sẽ giảm độ phồng, sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây mỏi cổ lưng. Đây là thời điểm thích hợp để bạn thay một đôi ruột gối mới để nâng cao chất lượng giấc ngủ cũng như tránh các bệnh da liễu và hô hấp cho các thành viên trong gia đình.
Bàn chải đánh răng
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), bàn chải đánh răng có thể bị bẩn bởi cao răng, vi khuẩn, máu, nước bọt có nhiều vi khuẩn khác sau mỗi lần đánh răng. Vì vậy, cần thay mới bàn chải đáng răng định kỳ để đảm bảo sức khỏe răng miệng.
Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), nên thay mới bàn chải đánh răng hoặc đầu bàn chải điện sau 3-4 tháng sử dụng để đảm bảo sức khỏe.
Trên thực tế, thời gian thay bàn chải hoặc đầu bàn chải còn phụ thuộc vào tần suất sử dụng và vệ sinh của mỗi người. Nếu bạn đánh răng thường xuyên, đều đặn thì bàn chải sẽ nhanh tòe lông, cong vẹo và cần được thay thế sớm.
Sau khi đánh răng xong, nên để bàn chải ở nơi khô ráo để tránh vi khuẩn tấn công cũng sẽ giúp bảo quản bàn chải được tốt hơn. Ngoài ra, sau một đợt ốm, bạn cũng nên dùng bàn chải mới để tránh việc lây nhiễm vi khuẩn cho các bàn chải khác ở bên cạnh.
Khăn tắm, khăn lau mặt
Khăn tắm và khăn mặt cần được giặt sạch hàng ngày nếu không muốn vi khuẩn phát triển. Thêm vào đó, bạn cũng phải thay mới 2 loại khăn này định kỳ, có thể là 1 năm/lần hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy khăn giảm chất lượng, để đảm bảo độ thấm hút nước của khăn, giữ sức khỏe cho chính mình. Đặc biệt, khi bị ốm, cúm hay cảm lạnh, bạn nên thay cái mới để tránh nhiễm lại virut gây bệnh.
Bông tắm
Một cuộc nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Clinical Microbiology đã phát hiện ra rằng, bông tắm chứa rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau và đặc biệt phát triển nhiều vào ban đêm. Bông tắm có rất nhiều vi khuẩn, đặc biệt là ở không khí ẩm.
Các tế bào da chết có thể bám vào các bông tắm và nó ít khi khô hoàn toàn bởi nó thường xuyên được treo trong nhà tắm và tiếp xúc với không khí ẩm.
Theo các chuyên gia, nếu bạn sử dụng bông tắm tự nhiên, hãy thay đổi 3-4 tuần/lần. Nếu sử dụng bông tắm nhựa, bạn có thể thay đổi 2 tháng 1 lần.
Lược chải tóc
Không nhiều người để ý để thay lược chải tóc thường xuyên, trừ khi chúng hư hỏng không thể sử dụng được nữa. Nếu sử dụng thời gian dài mà không vệ sinh hoặc thay thế sẽ khiến da dầu bị ngứa, đỏ, đóng vảy, kích ứng do tàn dư hóa chất.
Theo thời gian sử dụng, lược sẽ tích nhiều tóc vụn, bụi bẩn và hóa chất từ sản phẩm chăm sóc tóc. Đó là lý do sau một thời gian, chúng ta thường thấy các mảng đen ở răng cưa lược. Vì vậy, chị em cần để ý thay lược đều đặn; nhất là khi chúng có dấu hiệu bị gãy, các đầu lược bị nứt. Theo trang Women's Health, lược chải đầu cần phải thay đổi 6 tháng - 1 năm/1 lần.
Miếng bọt biển, giẻ rửa bát
Một cuộc nghiên cứu năm 2017 ở Đức đã phát hiện ra rằng, vi khuẩn ở miếng bọt biển có thể gây ngộ độc thực phẩm ngay cả khi bát, đũa được rửa sạch sẽ. Thay đổi miếng bọt biển 1 lần/tuần là điều mà các nhà khoa học khuyên để loại bỏ vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
Khăn lau chén, bát
Theo viện Nghiên cứu Nông nghiệp và Tài nguyên Thiên nhiên trường Đại học Nebraska’s, khăn lau bát khi không được vệ sinh hoặc thay đổi định kỳ sẽ khiến vi khuẩn có thể phát triển nhanh chóng.
Thớt
Các vết chặt tạo thành các rãnh sâu trên thớt sẽ là nơi tuyệt vời cho vi khuẩn trú ngụ mà ta rất khó để rửa sạch. Việc sử dụng thớt để cắt lẫn thức ăn chín và sống còn biến thớt thành vật lây nhiễm trung gian rất nguy hiểm. Đặc biệt, thớt nhựa có hại hơn thớt gỗ vì nó có thể có nhiều vi khuẩn hơn. Vi khuẩn có thể vận chuyển từ thớt, bám vào dao và tăng khả năng bị ngộ độc thực phẩm.
Để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo, bạn nên có ba cái thớt riêng biệt để cắt đồ tươi sống, thức ăn đã nấu chín và rau quả tươi ăn liền. Sau khi dùng xong thì rửa kỹ với xà phòng pha nước ấm và rửa lại bằng nước sạch và để nơi thoáng khí cho khô ráo.