‘Mùa Xuân nho nhỏ’
Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, đồng bộ, vừa sẵn sàng tổ chức các hoạt động phù hợp với đối tượng và chủ đề tháng 3 hướng về các ngày kỷ niệm Quốc tế phụ nữ 8-3, Quốc tế hạnh phúc 20/3, thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26/3, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức các hoạt động với chủ đề “Mùa Xuân nho nhỏ” từ ngày 1- 31/3.
Các hoạt động với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 14 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng). Huy động khoảng 15 nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La ngày 6,7/3/2021. Khoảng 30 học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc.
Thực hiện các văn bản của cấp thẩm quyền về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra, quy mô các hoạt động tháng 3 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam xác định theo hai phương án. Phương án 1, các hoạt động với quy mô phù hợp tình hình dịch Covid-19. Nếu thời điểm tháng 3/2021 tổ chức các hoạt động dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn (Hà Nội) nhưng vẫn được kiểm soát thì tăng cường các hoạt động của nhóm đồng bào hàng ngày hạn chế tập trung đông người, đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch Covid-19.
Phương án 2, nếu đến thời điểm tổ chức các hoạt động tháng 3/2021, tình hình dịch Covid-19 được khống chế đảm bảo an toàn, các hoạt động đông người được cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức hoạt động bình thường thì triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung hoạt động theo kế hoạch, tăng cường các hoạt động điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Trong đó, có chương trình ca múa nhạc “Tình ca từ biển”. “Đây là một chương trình ca múa nhạc tổng hợp, là câu chuyện kể về biển đảo quê hương của những con người nơi đầu sóng ngọn gió; Là biểu hiện cho sức trẻ, cho lòng khâm phục, kính trọng, yêu thương những người con của biển đang sống, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu hi sinh bảo vệ từng tấc đảo, từng sải biển máu thịt của quê hương đang gửi gắm các anh. Bằng sự cảm nhận về âm nhạc và tình yêu biển đảo quê hương mỗi chúng ta sẽ thêm hiểu, thêm yêu cuộc đời và chính đó sẽ tiếp thêm cho chúng ta nghị lực, khát khao cho bản thân. Từ những trải nghiệm mỗi chúng ta nhất là các bạn trẻ biết “sống đẹp”, chia sẻ, động viên cùng vươn lên trong cuộc sống để mỗi người tự ý thức, trách nhiệm tạo nên một “mùa xuân nho nhỏ” của riêng mình”- Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giới thiệu.
Bên cạnh đó là các hoạt động chuyên đề “Xuân trên bản Mường”, chương trình giao lưu “Tiếng hát mùa Ban”; Hoạt động cuối tuần với chương trình “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang”; Hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng… Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.