Quảng Nam: Rừng xanh, mái ngói đỏ, cuộc sống dần hồi sinh ở vùng sạt lở
Những làng tái định cư của bà con đồng bào vùng sạt lở đã hình thành, rừng cũng đã bắt đầu xanh trở lại, cuộc sống mới đã bắt đầu với bà con vùng sạt lở miền núi Quảng Nam…
Chúng tôi có dịp trở lại vùng sạt lở Trà Leng, huyện Nam Trà My và xã Phước Thành, Phước Lộc, huyện Phước Sơn trong những ngày Tết Tân Sửu 2021 để chứng kiến những đổi thay cuộc sống của bà con sau những cơn lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng vào tháng 10/2020.
Con đường từ quốc lộ 40B vào đến trung tâm xã Trà Leng, nơi xảy ra sạt lở kinh hoàng năm ngoái chỉ 16km nhưng xe ô tô, xe máy cũng phải bò 45 phút mới đến nơi. Như vậy cũng là nhanh hơn rất nhiều so với lúc mới xảy ra sạt lở. Cả mấy ngày sau khi bị lũ quét, con đường này mới được thông và cũng chỉ có xe ô tô "2 cầu" mới "bò" vào được, còn những loại xe khác thì không thể.
Sau trận lũ quét đó, tôi đã có 4 chuyến tháp tùng cùng đoàn của Sở LĐ-TB&XH tỉnh và Bộ, cùng đoàn của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ bà con đồng bào ổn định cuộc sống sau thiên tai.
2 chữ Trà Leng lúc đó là "vùng tang thương" với cơn lũ quét và sạt lở đất làm hàng chục người chết và bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị thiệt hại từ nhẹ đến trôi hoàn toàn; và hiện nay vẫn còn 13 người mất tích, trong đó có Bí thư xã Trà Leng.
Sau lũ dữ, một chiến dịch "thần tốc" xây nhà tái định cư cho bà con được ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch Quảng Nam lên tận nơi thị sát và đặt ra cho lãnh đạo địa phương, để bà con bị trôi nhà cửa có nhà mới đón Tết Tân Sửu.
Và trên mảnh đất bằng phẳng hiếm hoi rộng 6ha nằm gần UBND xã Trà Leng đã được xe ủi, xe múc thi công rầm rộ ngày đêm để đến ngày cận Tết Tân Sửu, 13 hộ đầu tiên đã được nhận nhà mới trong những ngày xuân về.
Già làng Hồ Văn Đề, một trong những gia đình mất mát nhiều nhất của vụ sạt lở cũng được nhận nhà mới trong dịp này. Ông có tới 8 người thân bị lũ cuốn trôi, trong đó 5 người vẫn chưa tìm được thi thể; trong ngày nhận nhà mới ông cũng đã kịp lập bàn thờ, thắp nén nhang báo cáo với người thân đã khuất rằng ông đã được nhận nhà mới, có nơi thờ tự những người con, cháu xấu số.
Hôm nhận nhà mới, dù nỗi buồn chưa nguôi ngoai, ông Hồ Văn Đề cũng phấn khởi bởi ông được sự quan tâm đặc biệt của cả xã hội. "Có nhà mới, già mừng lắm. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và mạnh thường quân già có được ngôi nhà kiên cố để thờ con cháu. Không biết nói gì hơn, già chỉ biết nói cảm ơn thôi", già làng Hồ Văn Đề nói.
Và sau khi 13 hộ dân đầu tiên ở vùng sạt lở Trà Leng có nhà mới, đến nay nhiều hộ dân khác cũng được nhận nhà mới kiên cố. Những ngôi nhà mới này là kết tinh của tinh thần lá lành đùm lá rách, của mạnh thường quân cả nước hỗ trợ và kinh phí tỉnh Quảng Nam trích từ ngân sách.
Giờ đây, nỗi lo nhà ở không còn thường trực, bà con chuẩn bị cuộc sống mới, tìm kế sinh nhai, ổn định kinh tế…
Con đường vào Trà Leng giờ bằng phẳng hơn, xe dễ dàng di chuyển hơn. Những con suối hiền hòa trở lại, những vạt rừng bị sạt lở thì nay cây rừng bắt đầu xanh phủ kín những vết lở lói, cảnh tượng tan hoang dần lùi vào dĩ vãng…
Chúng tôi cũng đã trở lại vùng sạt lở huyện Phước Sơn 3 lần kể từ khi vụ sạt lở kinh hoàng trưa ngày 28/10/2020. Lúc vừa xảy ra sạt lở, từ đường Hồ Chí Minh vào xã Phước Thành, Phước Lộc - trung tâm của vụ sạt lở - dài hơn 40 cây số nhưng phải di chuyển gần 2 giờ đồng hồ.
Đường sá tan hoang, đồi núi thẳng đứng bị sạt lở lòi ra những phiến đá. Cảnh tượng như người khổng lồ lấy tay cào vào những ngọn núi thành những đường răng cưa, đất đá đổ xuống lấp đầy những con suối vốn hiền hòa.
Sau lũ quét, một chiến dịch "thần tốc" xây dựng lại nhà cửa cho bà con bị trôi nhà cũng được tiến hành. Và 17 ngôi nhà kiên cố đầu tiên cũng đã hoàn thành trước Tết ở thôn Trà Vân A, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn.
Bà Hồ Thị Diên (69 tuổi) trong ngày đầu dọn đến ngôi nhà mới rất bỡ ngỡ vì cũng như nhiều bà con M'Nông khác ở huyện Phước Sơn này, trước nay bà chỉ quen sống trong ngôi nhà sàn truyền thống.
Rửa tay dưới vòi nước mát lạnh dẫn từ suối về, bà nói về nhà mới này bà chưa quen nhưng thấy rất vui. "Mình dọn về ở được vài ngày nhưng chưa quen lắm, nhưng cái bụng vui lắm. Nhà cũ dưới kia bị lũ cuốn đi hết rồi, giờ nhận được nhà mới yên tâm rồi", bà Diên nói.
Dù Tết năm nay không đủ đầy như những năm trước nhưng với bà con, được ăn Tết trong ngôi nhà kiên cố và được sự quan tâm, hỗ trợ của cả xã hội là niềm hạnh phúc lớn lao.
Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc - cho hay, toàn xã có 32 hộ bị trôi nhà hoàn toàn đã được xã bố trí đất tái định cư và được nhận 140 triệu đồng để xây dựng lại nhà kiên cố với diện tích gần 50m2.
Cùng với các nguồn hỗ trợ khác, bà con sẽ có thêm một khoản để xây nhà vệ sinh. Điện, nước đang được khắc phục, bước đầu đủ cho nhu cầu sinh hoạt của bà con. Về kế sinh nhai cho bà con, Chủ tịch xã Phước Lộc cho hay, xã sẽ hỗ trợ bà con khôi phục lại những ruộng lúa nước để bà con tự túc lương thực, còn tập trung sản xuất lúa rẫy, trồng cây lâu năm, phát triển chăn nuôi…
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, đến nay đã có 70% số nhà dân ở Trà Leng đã được bàn giao, phục hồi. Còn ở Phước Sơn mặt bằng bố trí tái định cư khó khăn thì ưu tiên bố trí xen kẽ vào những nơi người dân đang sống ổn định.
"Phước Sơn đang vận động bà con hiến đất, chính quyền hỗ trợ kinh phí để bà con dựng lại nhà cửa. Ở các xã Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim bà con đã từng bước xây dựng lại nhà cửa. Sau Tết, tranh thủ mùa khô, chúng tôi đã chỉ đạo các thủ tục phải làm nhanh, rút gọn, các địa phương phải đồng loạt vừa khắc phục hạ tầng, vừa bố trí dân cư điểm mới phù hợp đặc điểm địa hình. Phải làm khẩn trương, đảm bảo về nước, điện cho bà con. Phấn đấu đến trước mùa mưa lũ năm 202, về mặt cơ bản các mặt bằng bố trí cho xây dựng nhà tương đối hoàn chỉnh", ông Lê Trí Thanh nói.