Trẻ ở nhà liệu có an toàn?

An Chi 01/03/2021 16:26

Ngôi nhà được gọi là an toàn phải đảm bảo trong năm không có trẻ em bị tai nạn thương tích tại đây và có 15 điều bắt buộc phải đạt được.

Trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, ngôi nhà tưởng chừng là nơi an toàn nhất đối với mỗi người đặc biệt là với trẻ nhỏ, bởi tại đây các con luôn nhận được sự quan tâm của người lớn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp vì sự lơ là của người lớn đã gây ra cho trẻ nhỏ những tổn thương nghiêm trọng ngay tại chính ngôi nhà của mình.

Sự việc bé gái 3 tuổi trèo qua lan can rồi rơi từ tầng 13 may mắn thoát chết khi được một thanh niên hứng đỡ xảy ra tại tòa nhà ở số 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra chiều 28/2 là hồi chuông cảnh tỉnh cho các gia đình về vấn đề xây dựng, đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ.

Theo số liệu thống kê, hơn 50% số vụ tai nạn thương tích của trẻ xảy ra ngay trong chính gia đình. Vì thế, các gia đình cần cải tạo lại ngôi nhà theo hướng an toàn cho trẻ. Đồng thời, căn cứ Bộ tiêu chí ngôi nhà an toàn do Bộ LĐ-TB&XH ban hành gồm 33 chỉ số.

Ngôi nhà được gọi là an toàn phải đảm bảo trong năm không có trẻ em bị tai nạn thương tích tại đây và có 15 điều bắt buộc phải đạt, ví dụ:

- Xung quanh ao, hồ chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở phải có hàng rào chắc chắn đảm bảo an toàn cho trẻ em;

- Giếng, bể nước (chum vại nước ăn) có nắp đậy chắc chắn, an toàn;

- Khu bếp phải riêng biệt, có cửa ngăn và có khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được với bếp lửa, bình ga;

- Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu đi bên ngoài;

- Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi và phải có hộp hay lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn;

- Phải sử dụng các loại đèn có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện tại các phòng trong nhà;

- Phích nước phải có hộp đựng hoặc dây đai giữ và để ở vị trí an toàn, ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi…

Theo Vụ pháp chế, Bộ Xây dựng, Quyết định 09/2008/QĐ-BXD quy định Quy chuẩn về xây dựng đối với "Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe" là một trong những căn cứ cho việc ban hành bộ tiêu chí về Ngôi nhà an toàn cho trẻ. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật phải đạt được đối với nhà ở và công trình công cộng nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng và sức khỏe cho người sử dụng.

An toàn sinh mạng và sức khỏe quy định trong Quy chuẩn này gồm: Phòng chống nước, hơi ẩm, các chất độc hại; bảo vệ khỏi ngã, xô và va đập; an toàn sử dụng kính; chiếu sáng; thông gió; chống ồn. An toàn sinh mạng và sức khỏe liên quan đến khả năng chịu lực của nhà ở và công trình công cộng; hệ thống thiết bị điện, thang máy; phòng chống cháy nổ; hệ thống cấp thoát nước; tiếp cận sử dụng cho người tàn tật trong nhà ở và công trình công cộng tham chiếu tại các quy chuẩn tương ứng khác.

Hình ảnh cháu bé trèo qua rồi bám vào lan can trước khi trượt tay rơi xuống đất khiến nhiều người rụng tim.

Các chuyên gia cảnh báo, việc tránh nguy hiểm cho trẻ nhỏ không chỉ cần sự trông nom hằng ngày của người thân mà ngôi nhà của gia đình còn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí.

Đối với các gia đình ở nông thôn, ngôi nhà an toàn cho trẻ em phải có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi của trẻ em. Nền nhà và sân không trơn trượt và có bậc thềm cho trẻ lên, xuống. Xung quanh ao, hố và những nơi chứa nước có thể tích lớn phải có hàng rào chắc chắn và có nắp đậy. Những dụng cụ, đồ dùng nguy hiểm hoặc vật chứa chất độc hại nguy hiểm phải để trong kho chứa đồ an toàn.

Đối với các gia đình ở thành thị, phía trong ngôi nhà, cửa sổ, lan can và ban công phải có chấn song đủ khít để trẻ không chui qua được.

Đặc biệt đối với nhà cao tầng, chung cư, các gia đình cần để ý khu vực cửa sổ, lan can ban công và cửa sổ ở các hành lang là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Trẻ nhỏ thường hiếu động thích leo trèo, vì thế những lan can ở ban công nếu không có chấn song đủ khít, không có song sắt kín trẻ rất có thể sẽ leo trèo ra ngoài ảnh hưởng đến tính mạng.

Các gia đình thường phải lắp thêm song sắt hoặc lưới ở lan can và cửa sổ. Cha mẹ cũng nên lưu ý các cánh cửa trong nhà phải có móc áp sát vào tường để trẻ khi chạy nhảy không va quẹt và có dụng cụ chặn khe cửa để trẻ không bị kẹp tay khi đóng, mở. Nền nhà, đặc biệt là nhà tắm nên được sử dụng gạch chống trơn.

Ở nhiều gia đình còn cho bé dùng dép chống trượt hoặc kính lắp đặt trong nhà phải chịu được lực tác động, nhằm tránh tình trạng trẻ ngã vào và bị mảnh kính đâm. Khu vực bếp phải được bố trí riêng biệt, có cửa ngăn và có khóa để trẻ không tiếp xúc được với bếp lửa, bình gas, dao kéo…

Khu vực cầu thang là nơi trẻ dễ bị té ngã nhất nên phải có tay vịn chắc chắn và bậc cầu thang có chiều cao hợp lý, bề mặt rộng đảm bảo an toàn cho trẻ em. Cha mẹ nên trang bị cửa chắn ở đầu hoặc cuối cầu thang để trẻ không tự lên xuống cầu thang khi không có người lớn.

Thiết bị điện là mối nguy hiểm bậc nhất cho trẻ nhỏ. Các bé có thể đút tay vào ổ cắm điện vì tò mò nên cha mẹ cần lưu ý các dây dẫn điện phải được lắp đặt ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu lắp bên ngoài. Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ và phải có hộp, lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn. Không đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, nhà tắm, nếu có phải đặt sau cầu chì và ở vị trí ngoài tầm với của trẻ.

Đối với các loại đèn, cần có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện. Bên cạnh việc trang bị nhà cửa cho trẻ em an toàn, phụ huynh cũng cần để ý trang bị hộp đựng cho phích nước nóng. Để các loại bình, nồi chảo vừa nấu xong, dao kéo, diêm và bật lửa ở nơi ngoài tầm với của trẻ.

Những quy tắc trên sẽ phần nào giúp các ông bố bà mẹ, những người chăm sóc trẻ nhận ra các nguy cơ tiềm ẩn để từ đó, loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ, đảm bảo quyền của trẻ được sống an toàn trong gia đình.

An Chi