Sau Tết, giúp việc ‘biến động’, các gia đình mỏi mắt tìm người
Thời gian sau Tết là khoảng thời gian nhiều gia đình bị “xáo trộn”, ảnh hưởng ít nhiều công việc do người giúp việc, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ. Muôn vàn lý do được người giúp việc đưa ra để xin nghỉ thêm vài ngày, thậm chí là nghỉ hẳn không một lời báo trước, không có thời gian để gia đình cân đối, sắp xếp công việc.
Qua “rằm” mới đi làm
Như một thông lệ “bất thành văn”, người giúp việc đi làm tại các gia đình ở nhiều thành phố lớn khi về Tết thường xin nghỉ thời gian dài. Đa phần đều xin nghỉ từ ngày 25 Tết đến khoảng mùng 10 Tết, thậm chí qua Rằm tháng Giêng mới lên làm việc.
Chỉ số ít người giúp việc nghỉ theo nghỉ Tết của Nhà nước, nhưng những người này đều được gia đình lì xì thêm vào ngày đầu năm mới để họ lên sớm, hỗ trợ công việc nhà.
Còn những gia đình đầu năm mới đi tìm người giúp việc mới thì thông thường phải qua rằm mới có thể dễ dàng tìm người. Các trung tâm giúp việc cũng thông báo, người mới đều lên vào thời gian đó nên cũng khó có thể tìm người sớm hơn.
Chị P.T.H. (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cận đến ngày nghỉ Tết, gia đình chị cũng có xích mích với người giúp việc bởi thời gian nghỉ. Họ yêu cầu nghỉ dài ngày, gia đình chị không đáp ứng được.
Nhà chị H. thuê giúp việc để hỗ trợ hai ông bà trong sinh hoạt hàng ngày, vợ chồng chị và hai vợ chồng người em cũng đi làm công ty và không thể nghỉ dài ngày như vậy được nên đành quyết định cho người giúp việc nghỉ hẳn, tìm người mới.
“Bài ca” tăng lương vào thời điểm sau Tết
Không chỉ xin nghỉ dài ngày, với thời điểm này, một số người giúp việc cũng thường đề đạt tăng lương. Bởi đây là thời điểm khó tìm người, nếu muốn “giữ chân” người giúp việc thì gia đình thuê người thường “chiều” theo nguyện vọng của họ.
Tuy nhiên, những người giúp việc ít khi đề đạt thẳng về vấn đề này. Thông thường, họ sẽ so sánh với mức lương một số nơi. Từ đó, khéo léo xin tăng lương, mức tăng thường không nhiều, thông thường dao động từ 500.000đ đến 1 triệu đồng/tháng.
Chị T.K.H. (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, nhà con gái chị thuê người giúp việc trông trẻ nhỏ. Mức lương ban đầu từ năm 2017 là 4.500.000đ/ tháng. Sau đó, mỗi năm người giúp việc đều đưa ra mức giá lương của một số gia đình khác và “đòi” tăng dần. Đến đầu năm nay, mức lương con gái chị gửi cho người giúp việc là 6.000.000 đ/tháng, chưa kể tiền thưởng các dịp lễ, Tết.
Chị H. nói thêm, trong thời gian này, người giúp việc nhà con gái chị cũng đang có ý định xin tăng lương thêm, cho rằng, mức lương hiện tại cần phải chi trả lên 7.000.000đ/tháng mới phù hợp với giá cả thị trường hiện nay. Trong khi đó, nhà con gái chị là nhà chung cư, hai cháu nhỏ đều đi học thường ngày.
Với mức “đòi hỏi” này, chị H. cũng khuyên con gái nên tìm người khác bởi mức lương tăng ngày càng cao, so với thu nhập bị ảnh hưởng trong thời điểm dịch Covid-19 tác động là không phù hợp.
Nhiều gia đình “mỏi mắt” tìm người mới
Vô vàn các câu chuyện về người giúp việc trong thời điểm sau Tết khiến các gia đình phải xáo trộn, đi tìm người mới khi nhu cầu hỗ trợ việc nhà vẫn cần thiết.
Chị P.T.H. đã đăng ký với Trung tâm môi giới giúp việc từ ngày mùng 6 Tết và mong muốn được hỗ trợ tìm người sớm nhất có thể. Trung tâm cũng cố gắng gọi người sớm cho chị nhưng chưa ai phù hợp, tính đến hiện nay, chị đã đổi 3 người. “Công cuộc tìm người mới thật là gian nan”, chị H. thờ dài chia sẻ.
Còn con gái của chị T.K.H. quyết định cho người giúp việc nghỉ, không đồng ý việc tăng lương lên 7.000.000đ/tháng. Bởi sau khi cân đối và trao đổi với hai bên ông bà, gia đình đều thấy mức lương trên là không phù hợp. Việc tăng lương theo thời gian cũng cần dựa trên tình hình kinh tế chung cũng như công việc trong gia đình. Vì vậy, con gái chị H. quyết định cho nghỉ, tìm người mới với mức lương phù hợp hơn dù biết tìm người cũng rất khó.
Câu chuyện về giúp việc là một câu chuyện dài “muôn thủa”. Trước Tết nhiều gia đình “đau đầu” với tìm người làm Tết, còn sau Tết là những câu chuyện “nghỉ làm”, “tăng lương”,… Các gia đình chỉ còn cách cố gắng “lựa” theo người giúp việc, cùng thoả thuận thống nhất sớm về các việc tăng lương hoặc thời gian nghỉ để tránh bị trường hợp như trên.