Giảm kẹt xe cho nội đô TP Hồ Chí Minh: Tiếp tục đề xuất sử dụng xe buýt mini
Để giảm kẹt xe cho khu vực trung tâm TP HCM, nhiều kiến nghị đã được UBND TP đề xuất với Trung ương. Mới đây, các phương án từng bị bác bỏ như xin sử dụng xe buýt mini (từ 12 đến dưới 17 chỗ) để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân ở nội đô thành phố cũng được đề xuất lại.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục ký văn bản đề xuất với Chính phủ xin cho phép TP HCM áp dụng sử dụng loại hình xe buýt cỡ nhỏ (từ 12 đến dưới 17 chỗ) để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhất là khu vực trung tâm thành phố. Mặc dù đề xuất này từng bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bác do chưa có cơ chế, nhưng chính quyền thành phố tiếp tục kiên trì đeo bám cho đến nay.
Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP HCM), hiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng vẫn chưa tiếp cận được nhu cầu thực tế của người dân. Bởi từ thực trạng xe buýt (đa số khổ lớn) và chưa thể len lỏi vào các tuyến đường nhỏ hẹp, vốn chiếm trên 50% tại TP HCM.
Bên cạnh đó, việc chỉ có thể di chuyển trên các tuyến đường có bề rộng từ trên 7m (44% trên toàn thành phố) cũng là hạn chế của loại hình xe buýt hiện hành. Ông Hải cũng chỉ ra các khó khăn trong việc tiếp cận xe buýt hiện nay, bởi vì phương tiện giao thông cá nhân vẫn tăng nhanh, mật độ giao thông cao dẫn đến ùn ứ giao thông, trong khi mạng lười xe buýt lại chưa thu hút được nhu cầu đi lại của người dân.
Ghi nhận của PV, tại nhiều tuyến xe buýt theo trục Bến xe Bến Thành đến Bến xe Miền Đông và Bến xe Đại học Quốc gia TP HCM (Linh Trung, Thủ Đức), lượng hành khách sử dụng phương tiện này đa phần là sinh viên, học sinh và số ít còn lại là cán bộ, công chức, công nhân viên.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội kỹ sư Ôtô Việt Nam (VSAE), do chỉ tập trung vào lượng hành khách sẵn có (điểm đón và điểm dừng là các trường ĐH, CĐ) dẫn đến lâu nay ngành xe buýt quên đi khái niệm về đối tượng hành khách chiến lược sử dụng phương tiện công cộng là đại bộ phận người dân thành phố.
Để thu hút được đối tượng hành khách chiến lược kể trên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng ngành vận tải hành khách công cộng cần đổi mới cả về mẫu mã, loại hình phương tiện; vừa phải xây dựng văn hóa đi xe buýt trong đại chúng.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, mục tiêu của ngành giao thông vận tải thành phố là đến năm 2025 có thể đáp ứng 15% nhu cầu của người dân, muốn vậy thành phố đã và đang kiên trì thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có loại hình xe buýt điện và xe buýt mini (dưới 17 chỗ).
Dù vậy, kế hoạch mở mới 20 tuyến xe buýt mini để kết nối dọc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên). Đồng thời, có các tuyến kết nối với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 và kết nối với các khu đô thị mới (trong đó có TP Thủ Đức) vẫn còn là thách thức trước mắt của TP HCM khi chưa có hành lang pháp lý cụ thể.