Khi nào thì Karaoke tự phát không còn là nỗi ám ảnh của người dân?
Thời gian qua, Karaoke vỉa hè, gia đình với hình thức tự phát đã gây ra nhiều phiền toái, gây ồn ào, mất trật tự xã hội. Đáng nói, việc làm này đã xảy ra những hệ lụy và hậu quả đáng tiếc, nhưng việc quản lý, xử lý các hình thức karaoke tự phát hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Được biết, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, khi Chính phủ ra các chỉ thị về việc cấm các dịch vụ tụ tập đông người (karaoke, quán bar, vũ trường, nhà hàng…) thì việc vui chơi, giải trí của người dân cũng hạn chế. Tuy nhiên, thay vào đó, việc hát karaoke của người dân không hề thuyên giảm, thậm chí còn trở thành nỗi ám ảnh của người dân bởi vấn nạn loa kéo, loa thùng.
Theo tìm hiểu, hiện nay loa kéo, loa thùng có giá rất phổ thông… do đó, ai cũng có thể mua được sản phẩm này để giải trí. Tuy nhiên, do người dân lạm dụng, sử dụng quá mức dẫn đến gây ra tiếng ồn và tạo nên một mớ âm thanh hỗn độn. Đây thực sự là loại ô nhiễm tiếng ồn trong đô thị cần phải được quản lý và xử lý một cách hợp lý.
Dễ dàng có thể tham khảo về giá của loại sản phẩm này trên một số trang mạng online hoặc những cửa hàng phụ kiện, loa kéo có giá rất rẻ. Điển hình như trên một trang mua sắm, loa karaoke bluetooth di động - vali kéo K108 bass 2.5 tấc, có giá chỉ 745.000 đồng. Giá này đã giảm 38%, lại còn “được tích hợp đầy đủ các chức năng của loa kéo chuyên nghiệp, nghe nhạc rất hay, có tặng kèm 1 micro không dây”.
Thậm chí, có loại còn rẻ hơn như loa karaoke bluetooth di động - vali kéo K108 thùng gỗ, bass 20 cm phiên bản 2019, có giá chỉ 645.000 đồng. Giá này cũng đã giảm 35%, dù vậy có công suất tới 150 w. Ngoài ra, còn được tặng kèm micro không dây. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, nên giá thành thường rẻ, âm thanh không đạt chuẩn, nghe hết sức nhức nhối, chủ yếu là vang xa.
Mặc dù đã xảy ra những hệ lụy nhưng việc quản lý, xử lý các hình thức karaoke tự phát này hiện đang gặp nhiều khó khăn. Bởi với công nghệ ngày nay, ngồi ở nhà hay bất cứ nơi đâu, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, micro kết nối bluetooth là có thể hát hò thoải mái.
Thực tế, thời gian nghỉ Tết Âm lịch vừa qua, người dân không có được điều kiện bình thường để đi du lịch, vui chơi, giải trí… nên thường xuyên ở nhà. Chính vì vậy, việc tụ tập ăn uống, hát hò thông qua loa kéo, loa thùng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Chị Kim Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Tôi rất bức xúc với tình trạng này, có những ngày họ hát từ sáng tới tận khuya, thậm chí có lúc hai, ba nhà cùng hát một thời điểm, rồi âm thanh từ các cơ sở kinh doanh… nên âm thanh nhồi đến nghẹn cả lồng ngực. Tôi gọi báo lên phường nhưng không biết họ có xuống xử lý hay không nhưng thấy họ vẫn hát bình thường.
Tuy vậy, việc xử lý karaoke tự phát với các hộ gia đình hiện gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí không thể giải quyết dứt điểm được, bởi thiếu phương tiện đo độ ồn âm thanh cũng như lực lượng giám sát, xử phạt hành vi này.
Cụ thể, mức phạt cho hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng là chưa đủ tính răn đe đối với người vi phạm.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xác minh mức độ gây ồn ào, tiếng động lớn, gây ô nhiễm tiếng ồn cũng gặp nhiều trở ngại, không dễ dàng. Nếu không có thiết bị đo chuyên dụng hoặc chỉ căn cứ vào phản ánh của người bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn đều rất khó xác định, làm rõ để xử phạt hành vi này, dẫn đến thực trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày càng tăng và cơ quan chức năng không kịp thời quản lý, xử phạt để đảm bảo cho người dân một chất lượng sống tốt nhất.
Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, để quản lý tiếng ồn nói chung và từ các loa hát karaoke tự phát nói riêng, ngoài việc đưa ra các quy định hiện hành thì cần phải tổ chức thực hiện một cách quy củ, đúng quy định của pháp luật để hạn chế tình trạng này.
Chúng ta cũng cần trang bị thêm các trang thiết bị cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, ở đây là cán bộ cấp xã/phường/khu phố để họ có căn cứ cơ sở để xử lý đối với những trường hợp ấp tạo ra tiếng ồn. Ví như là thiết bị đo được tiếng ồn, từ đó có căn cứ xử lý và phải xử lý hết sức quyết liệt thì dẹp được ngay.
Việc ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke tự phát không thể giải quyết một sớm một chiều. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật đã có chế tài đầy đủ và cụ thể đối với tiếng ồn từ karaoke. Do đó, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, khi hàng xóm có hành vi gây ồn vượt quá quy định người dân có thể làm đơn khiếu nại gửi đến công an, UBND phường, xã nơi cư trú để được giải quyết theo quy định pháp luật tránh tự giải quyết mà dẫn đến ẩu đả, vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn là gây ra hậu quả chết người như các vụ việc xảy ra trước đó.