Người lính quân hàm xanh ở bản Buốc Pát
Vượt qua cung đường quanh co, dốc và núi chúng tôi đến bản Buốc Pát, xã Lóng Sập - một xã giáp biên của huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) - nơi từng được coi là chảo lửa ma túy.
Để ma túy không còn bủa vây bản nghèo
Ngay khi vừa đặt chân đến Lóng Sập, chúng tôi được các đồng chí chiến sĩ biên phòng đi thực tế ở một số xã nơi đã từng dính dáng đến ma túy.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là bản Buốc Pát, bản 100% hộ nghèo và cũng là bản 100% các hộ gia đình đều dính dáng đến ma túy. Vượt con đường lầy lội dốc thẳng đứng bằng xe máy mà chỉ có bộ đội biên phòng, dân bản và các cô giáo bản mới có thể chinh phục, chúng tôi đã đến với bản Buốc Pát mờ sương.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tềnh toàng, Trưởng bản Mùa A Rê kể, bản có 15 hộ thì 100% là hộ nghèo. Ở bản, chuyện người nghiện, người đi tù vì buôn bán ma túy khá nhiều. Có người đi cai nghiện vài năm trở về vẫn tái nghiện.
“Bản nghèo, làm nương rẫy không đủ ăn. Giáp bên kia là bản Pa Háng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào, đó là điểm nóng về ma túy. Bà con ở bản ngày ngày qua Lào làm thuê, rồi dính vào nghiện hút” - Trưởng bản Buốc Pát nhíu mày nói.
Với câu hỏi: Bản đã và sẽ làm gì để tuyên truyền cho người dân nói không với ma túy? Ông Rê cho biết: Chúng tôi sẽ cùng các cấp chính quyền vận động tuyên truyền cho bà con, những người đứng đầu bản làng luôn nhắc nhớ lại những câu chuyện về ma túy tàn phá bản làng cũng như tác hại của ma túy cho bà con hiểu. Đời ông, đời cha nghiện đã đành, bằng mọi cách không để thanh niên của bản sa chân vào ma túy, tù tội.
“Khi không còn sa chân vào tệ nạn ma túy, câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì mới tiếp tục được. Để thế hệ trẻ không sa và tệ nạn ma túy, công rất lớn là của các chiến sỹ Biên phòng” - ông Mùa A Rê nói.
“Bữa ăn cho em” và thế hệ công dân mới
Phải tạo sinh kế cho người dân, chính vì lẽ đó, thời gian qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đã bền bỉ là những việc làm ý nghĩa cho vùng đất khó này.
Trung tá Đào Mạnh Tưởng, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP Sơn La, người khởi xướng “Bữa ăn cho em” ở bản Buốc Pát từ 8 năm trước chi sẻ, cách đây 8 năm khi còn là Chính trị viên phó của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, trong một lần đi tuần tra, anh ghé thăm điểm Trường Mầm non Buốc Pát. Lớp học lèo tèo vài học sinh cùng nỗi buồn trĩu của cô giáo trong sự bất lực.
Chỉ cách lớp học vài chục mét là những đứa trẻ quần áo rách, gặm những bắp ngô cháy đen thui. Hình ảnh những đứa trẻ ấy ám ảnh anh mãi. Anh đã đưa vấn đề mình trăn trở ra cuộc họp của đơn vị để xin ý kiến giúp các cháu. Và “Bữa ăn cho em” ở Lóng Sập được hình thành từ đó.
Theo Trung tá Tưởng, có lúc bản chỉ thấy phụ nữ, người già và trẻ em sống lay lắt, buồn chán và không có tương lai. Bởi nhiều thanh niên, đàn ông và cả phụ nữ có sức khoẻ của bản đều bị bắt đi tù vì liên quan đến buôn bán hoặc nghiện ma tuý. Phải dồn sức chăm lo cho thế hệ trẻ, họ sẽ là chủ nhân tương lai của bản cùng đánh đuổi ma túy, cái đói, cái nghèo bủa vây bản bao đời nay.
Nhờ sự chăm sóc đặc biệt của những người lính Biên phòng Đồn Biên phòng Lóng Sập, những lứa học trò ăn cơm Biên phòng đã kiếm được con chữ, hiểu chuyện đời đúng sai, đã nhận thức được tri thức rất quan trọng và sự khủng khiếp của tệ nạn ma túy. Mưa dầm thấm lâu, từ ấy đã có một lớp thanh niên trẻ của bản Buốc Pát dần nhận ra sự nguy hại của ma túy và tu chí làm ăn, quyết không dính vào ma túy, tù tội.
Chia sẻ với chúng tôi về giải pháp thoát nghèo, nói không với tệ nạn ma túy Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập Lò Văn Nước cho biết, thế hệ công dân mới của bản Buốc Pát đã và đang trưởng thành, số người nghiện đã giảm đi rất nhiều đã mày mò tìm hướng sinh kế để bà con thoát nghèo và tránh xa tệ nạn.
“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch năm 2021-2025 xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là trồng chanh leo và chè, chúng tôi đã làm việc với một số doanh nghiệp, họ nói sẽ sẵn sàng thu mua sản phẩm cho toàn xã, người dân Buốc Pát có việc làm sẽ giúp bà con thoát nghèo và tránh xa tệ nạn” - ông Nước nói.