Lên phương án ‘cứu’ sông Tô Lịch
Với mong muốn làm sạch và khôi phục lại vẻ đẹp vốn có của sông Tô Lịch, nhiều năm qua, các dự án về cải tạo sông này đã được đặt ra, thế nhưng gây chú ý nhất đến nay vẫn là ý tưởng lấy nước từ sông Hồng, Hồ Tây tạo dòng chảy để rửa trôi và làm sạch sông Tô Lịch.
Ám ảnh dòng sông
Mỗi ngày sông Tô Lịch đang hứng chịu khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý cho chiều dài 14 km với hơn 280 cửa xả. Từ một dòng sông thơ mộng, đẹp đẽ là vậy, giờ nó biến thành nỗi ám ảnh không chỉ của những người sống ở ven hai dòng sông mà bất cứ ai đi qua đây.
Rất nhiều phương án làm sạch dòng sông đã được đặt ra. Như năm 2018, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng từng thử nghiệm xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch. Cụ thể, Công ty xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây vào dòng sông này. Ngay lập tức đoạn sông đầu nguồn cạnh đường Hoàng Quốc Việt và Quan Hoa đã có những dấu hiệu tích cực: nước chuyển từ màu đen sang màu xanh, mùi hôi thối giảm đi. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi ngừng xả nước, nước sông Tô Lịch lại trở về tình trạng ô nhiễm ban đầu.
Và gần nhất, tháng 4/2019, khi mức ô nhiễm ở sông Tô Lịch ngày càng trầm trọng, TP Hà Nội bắt tay vào thử nghiệm công nghệ làm sạch nước Nano Bioreactor của Nhật Bản trên đoạn sông gần ngã tư Hoàng Quốc Việt - Bưởi và một góc hồ Tây. Theo đó, công nghệ Nano Bioreactor được giới thiệu là sự kết hợp giữa vật liệu xử lý nước thiên nhiên Bioreactor và máy sục khí Nano công nghệ Nhật.
Đến năm 2020, rất nhiều các cuộc họp, hội nghị, hội thảo,… đã được tổ chức để tìm ra những giải pháp hồi sinh dòng sông này. Như giữa tháng 9/2020, Công ty cổ phần tập đoàn Nhật Việt (JVE) gửi công văn tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” hoàn toàn miễn phí…
Tuy nhiên, tất cả các phương án này đều không đạt được như kỳ vọng. Sông Tô Lịch vẫn đang là nỗi ám ảnh của tất cả người dân sống ở khu vực gần đó.
Cần nghiên cứu kỹ các phương án
Hiện Hà Nội đang gấp rút hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hạng mục cống ngầm chạy dọc sông Tô Lịch để gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, sau đó một phần nước thải đã qua xử lý sẽ được bổ cập lại cho dòng sông này. Tuy nhiên, hiện nay các sở, ngành của Hà Nội và nhà khoa học đang tính toán bổ cập nước cho sông Tô Lịch bằng 2 phương án là qua hồ Tây hoặc qua cống Liên Mạc.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BQL dự án Cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội, đơn vị đang phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Qui hoạch Kiến trúc rà soát các phương án phù hợp. Trong đó, việc tạo dòng chảy cho Tô Lịch bằng nước sông Hồng là hợp lý hơn và đang được nghiên cứu theo 2 cách.
Cách thứ nhất là bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua Hồ Tây. Qua các bước xử lý, nước Hồ Tây xả qua các cửa điều tiết A và B để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch và tạo dòng chảy cho con sông.
Cách thứ 2, các đơn vị liên quan đang báo cáo TP bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc. Theo ông Hùng, phương án này đem lại nhiều lợi ích do hệ thống đã được quy hoạch sẵn một số đoạn tuyến nên tiết kiệm được thời gian, kinh phí đầu tư.
Một số chuyên gia, nhà khoa học đã bày tỏ sự đồng tình về việc lấy nước sông Hồng để “cứu” sông Tô Lịch song vẫn khuyến cáo cần nghiên cứu kỹ, tính toán nhu cầu nước là bao nhiêu, lấy vào thời điểm nào và phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp của sông Hồng.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng phương án này là khả thi, tuy nhiên phải kết hợp nhiều giải pháp và quan trọng nhất là thu gom, xử lý nước thải. “Hà Nội đặt trong mục tiêu ngắn xử lý làm sạch sông Tô Lịch rất đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, phải tính toán thật cụ thể, tác động của xã hội của phương án này như thế nào” - bà An nói.
TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cũng ủng hộ việc lấy nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch. “Nếu sông Hồng mùa mưa có nước vì có rừng đầu nguồn, có sông nhánh đồ vào thì sông Tô Lịch chỉ có nước thải đổ vào. Khi tách nước thải ra không còn có dòng chảy. Vì vậy, để tạo ra dòng sông biện pháp buộc phải làm là bổ cập nước”- theo ông Tứ.
Về lo ngại lấy nước sông Hồng để “cứu” sông Tô Lịch ảnh hưởng đến lượng nước cho sản xuất nông nghiệp, TS Đào Trọng Tứ cho rằng việc đó không ảnh hưởng vì lượng nước lấy cho sông Tô Lịch chiếm rất ít. Ngoài ra, sông Hồng luôn có lượng nước bổ sung. Ví như đợt đổ ải vừa rồi, sông Đà (Hòa Bình) đã đổ vào 3 đợt với khoảng 4,5 tỉ mét khối nước nên chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm.