Sát cánh trong cuộc chiến chống Covid-19
Những ngày qua, trước diễn biến phức tạp dịch Covid-19 ở khu vực biên giới Tây Nam khiến cho nhiều địa phương giáp biên giới như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp đã nâng cấp độ phòng chống lên mức cao nhất.
Ở khu vực biên giới Tây Nam, điều khiến lực lượng chức năng đau đầu đó là tình trạng buôn lậu và vượt biên trái phép. Đây là việc đều có thể dẫn đến lây nhiễm dịch Covid-19 ra cộng đồng.
Cụ thể nhất ngày 23/2 vừa qua, người dân ĐBSCL giật mình khi tỉnh Đồng Tháp phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 là một nữ thanh niên (BN2424) đã vượt biên trái phép từ biên giới Campuchia qua thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng của tỉnh này. Lập tức Đồng Tháp vào cuộc truy vết thần tốc, cách ly hàng chục người là F1, F2 và F3... Không chỉ Đồng Tháp mà các địa phương lân cận như An Giang, Cần Thơ, Long An phải đẩy mạnh lên một cấp độ cao trong công tác kiểm soát phòng chống dịch.
Mới đây nhất, sáng 2/3, UBND tỉnh An Giang cho biết đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp các ngành liên quan, xem xét hồ sơ. Nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án hình sự theo quy định đối với trường hợp ông Nguyễn Hoàng Sang (38 tuổi), ngụ khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên đã trốn khỏi khu cách ly tại nhà khách ngoại giao Biên phòng huyện Tịnh Biên.
Trước đó ông Sang từ Campuchia vượt biên trái phép về Việt Nam qua đường biên giới thì bị Bộ đội Biên phòng bắt giữ và đưa vào khu cách ly. Tuy nhiên khi chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm thì người này đã bỏ trốn và vượt biên trái phép sang Campuchia. Thế nhưng khi sang đất Campuchia thì lực lượng chức năng nước này đã đưa trở lại Việt Nam. Vừa vượt biên trái phép quay trở lại thìđối tượng bị lực lượng Biên phòng bắt giữ và đưa đi cách ly.
An Giang là tỉnh có tuyến biên giới với Campuchia dài, giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo. Thời gian qua lực lượng Biên phòng tỉnh này đã duy trì tổ chức 177 điểm chốt các đường mòn, lối mở. Tuy nhiên tình trạng vượt biên trái phép diễn biến rất phức tạp. Tính từ ngày 1/5/2020 đến ngày 15/2/2021, Công an tỉnh An Giang đã phát hiện bắt giữ 74 vụ/ 371 đối tượng liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Đã khởi tố 28 vụ, 38 bị can về các hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.
Trong đó, nhận bàn giao và thụ lý 6 vụ “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” và 1 vụ “vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh” do lực lượng Biên phòng khởi tố vụ án chuyển qua. Chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh 9 vụ, 12 bị can và đã đưa ra xét xử 5 vụ/6 bị can. Xử phạt vi phạm hành chính 88 đối tượng với tổng số tiền trên 221 triệu đồng.
Năm 2020 lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã bắt 1.746 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm loại tội phạm này, qua đó khởi tố 47 vụ với 56 đối tượng, phạt hành chính trên 14 tỷ đồng. Chỉ trong hơn 2,5 tháng Công an đã bắt giữ 456 vụ buôn lậu trái phép cho thấy tình trạng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp… Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng.
Những ngày này ở biên giới Tây Nam cùng với lực lượng phòng chống dịch Covid-19 mới cảm nhận được những vất vả khó khăn của các lực lượng, nhất là biên phòng. Do đặc thù địa hình biên giới Tây Nam bằng phẳng, chủ yếu là đồng ruộng nên việc qua lại ở khu vực biên giới rất thuận tiện cho các đối tượng vượt biên và buôn lậu trái phép.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cùng với việc thực hiện nghiêm các giải pháp ứng phó thì ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình đặc biệt ở khu vực biên giới là rất quan trọng.
Thời gian qua lực lượng chức năng đã vận động cộng đồng nhất là khu vực biên giới, đẩy mạnh công tác giám sát, phòng, chống cũng như phát hiện dịch bệnh; nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến vùng dịch kịp thời báo cho cơ sở y tế gần nhất, tiến hành khoanh vùng khu vực nghi có dịch; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang, lo lắng…
Đối với Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, cũng như các đơn vị Biên phòng khác trong vùng, từ lâu quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới đã được xem như cánh tay nối dài của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong việc kiểm soát, mỗi người dân là một tai, mắt của BĐBP, giám sát mọi hoạt động trên địa bàn. Những nguồn tin cung cấp của nhân dân là nguồn tin quan trọng, tin cậy giúp Bộ đội Biên phòng và các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19.
Các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã triển khai và nhân rộng mô hình “Tiếng loa Biên phòng” ở khu vực biên giới, hàng ngày đi đến từng ấp, từng cụm cư dân để phát loa tuyên truyền phòng chống dịch cho bà con bằng 2 thứ tiếng Việt và tiếng Khmer. Triển khai cho cán bộ, chiến sĩ đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội… tạo các nhóm và mời người thân, quen, người dân trên địa bàn có tài khoản mạng xã hội tham gia truyền tải và thông tin kịp thời các trường hợp lạ xuất hiện trên địa bàn để kịp thời kiểm tra, kiểm soát…
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới Tây Nam những ngày qua càng đòi hỏi phải nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức của người dân. Chỉ có như vậy mới mau chóng vượt qua đại dịch và cũng chính là cách để chúng ta trả ơn những người phải thức thâu đêm đến mức phải ngất xỉu vì kiệt sức để khoanh vùng, dập dịch; những chiến sĩ Biên phòng tháng ngày xa gia đình dầm sương gió nơi biên giới để ngăn chặn người vượt biên trái phép...