Biến chủng mới và nguy cơ ‘công cốc’
Đại dịch Covid-19 đang được khống chế, song sẽ là quá sớm để cho rằng đại dịch sắp được kiểm soát khi một làn sóng mới đang bao trùm khu vực Trung, Đông Âu và Mỹ.
Làn sóng dịch bệnh mới ở Trung và Đông Âu
Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực Trung và Đông Âu như Áo, Hungary, Ba Lan, Slovakia, và Séc đang phải đối mặt với làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid-19, đẩy những nước này lên các vị trí đứng đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm và tử vong.
Trước những diễn biến phức tạp, chính phủ các nước trong khu vực đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế mới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy định y tế và đoàn kết chống dịch bệnh.
Tại Ba Lan, nước này đã ghi nhận khoảng 12.000 ca nhiễm chỉ trong 2 ngày cuối tháng 2 vừa qua. Trước tình hình trên, Chính phủ Ba Lan áp dụng các quy định chặt chẽ hơn, theo đó nhà chức trách sẽ bắt buộc đeo khẩu trang tại khu vực công cộng kể từ ngày 27/2, thay vì các lựa chọn thay thế được phép trước đây như đeo khăn quàng cổ và khăn che mặt.
Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski nhận định, tình hình dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng bên ngoài biên giới Ba Lan, đặc biệt là ở phía Nam. Tại Séc và Slovakia, số liệu về dịch bệnh đang cao gấp 3-4 lần so với Ba Lan. Vì vậy, Ba Lan quyết định áp dụng biện pháp cách ly đối với những người đến từ những nước này.
Nước láng giềng Séc đã ghi nhận trung bình gần 1.000 ca nhiễm mới trên 1 triệu dân mỗi ngày. Thủ tướng Séc Andrej Babis đánh giá tình hình dịch bệnh tại nước này đang diễn biến “cực kỳ nghiêm trọng”, lưu ý rằng các biện pháp chống dịch hiện có phải được thắt chặt.
Trước tình hình đó, Chính phủ Séc tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp mới trong 30 ngày, kể từ ngày 27/2. Hạ viện Séc cũng đã thông qua Luật về đại dịch, cho phép Bộ Y tế và các cơ sở y tế có nhiều lựa chọn hơn trong việc áp đặt các hạn chế.
Liên quan vấn đề tiêm chủng ngừa Covid-19, Séc đã tiến hành tiêm chủng cho người dân, nhưng số lượng vaccine hiện không đủ đáp ứng nhu cầu. Cho đến nay, chỉ có gần 582.000 liều vaccine đã được tiêm, trong đó có khoảng 221.000 người đã được tiêm mũi thứ hai.
Tại Áo, Chính phủ nước này đã áp đặt hai đợt phong tỏa liên tiếp để kiềm chế đại dịch, người dân đã dần mất kiên nhẫn, trong khi thiệt hại về kinh tế và xã hội ngày càng trầm trọng. Dưới áp lực đó, Chính phủ Áo đã thận trọng thực hiện nới lỏng phong tỏa ở một số khu vực, trong khi vẫn duy trì các hạn chế ở những khu vực khác.
Trong khi đó, Hungary tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế hiện tại cho đến ngày 15/3. Các hạn chế bao gồm giới nghiêm từ 8h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau; bắt buộc đeo khẩu trang; đóng cửa các nhà hát, rạp chiếu phim và khách sạn,.. Các nhà hàng chỉ bán hàng qua cửa sổ phục vụ khách mang đi.
Hungary đã bắt đầu sử dụng vaccine của Tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc) để đối phó với làn sóng đại dịch mới. Tính đến ngày 25/2, hơn 508.000 người đã được tiêm vaccine ít nhất một mũi, trong khi khoảng 211.000 người đã được tiêm hai mũi.
Tại Slovakia, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo EU các ngày 25-26/2, Thủ tướng nước này Igor Matovic đã yêu cầu các nước thành viên khác hỗ trợ vaccine cũng như nhân viên y tế cho Slovakia. Ngày 28/2, Chính phủ Slovakia đã thông qua các biện pháp hạn chế mới đến ngày 21/3 nhằm kiềm chế sự lây lan của Covid-19.
Nguy cơ “công cốc” vì biến chủng mới
Ngày 1/3, phát biểu tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tiến sĩ Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cảnh báo: “Ở mức độ hiện tại với việc biến chủng đang lây lan rộng, chúng ta hoàn toàn có thể mất toàn bộ những thành tựu đạt được trong nỗ lực chống dịch”.
CDC Mỹ lo ngại rằng, các chủng SARS-CoV-2 mới, trong đó nhiều chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn, sẽ lây lan mạnh mẽ nếu người Mỹ bắt đầu lơ là với các biện pháp phòng dịch.
Bà Rochelle Walensky cũng cảnh báo, các bang không nên dỡ bỏ các hạn chế về virus SARS-CoV-2 và chỉ ra mối đe dọa của các biến thể và sự sụt giảm chậm lại gần đây trong các trường hợp nhiễm bệnh mới.
Bà Walensky lo ngại rằng, sự sụt giảm các ca nhiễm mới Covid-19 gần đây tại Mỹ dường như đang chững lại, ở mức hơn 70.000 trường hợp mỗi ngày sẽ khiến nhiều bang đang lùi lại các biện pháp y tế công cộng chính xác mà chính quyền đã khuyến nghị để bảo vệ mọi người khỏi Covid-19.
Các trường hợp nhiễm mới Covid-19 tại Mỹ đã giảm trong nhiều tuần, từ 250.000 mỗi ngày trong tháng 1/2021 xuống còn khoảng 70.000 mỗi ngày hiện tại. Nhưng sự sụt giảm đã chững lại và thậm chí còn có dấu hiệu tăng trở lại, khi mức 70.000 ca mỗi ngày vẫn trên cả mức đỉnh điểm của mùa Hè năm 2020.
Các chuyên gia cũng đánh giá, dù nguồn cung vaccine ngày càng tăng hứa hẹn sẽ tiêm chủng cho một phần lớn dân số nước Mỹ trong vòng vài tháng tới, nhưng việc tiêm chủng vẫn chưa đủ phổ biến để kiểm soát đại dịch, khiến các biện pháp phòng ngừa tiếp tục trở nên quan trọng.
Cùng với đó, ngày 1/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca Covid-19 toàn cầu tuần qua tăng trở lại sau 6 tuần giảm liên tiếp. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số ca Covid-19 có xu hướng tăng ở khắp nơi từ châu Phi đến Tây Thái Bình Dương.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá, điều này là do một số quốc gia có thể đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch, người dân bắt đầu lơ là phòng dịch trong khi các biến thể virus SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện.
Người đứng đầu WHO một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên chỉ dựa vào chương trình tiêm chủng vaccine bởi các quy tắc đảm bảo vệ sinh dịch tễ cơ bản mới là nền tảng để kiểm soát đại dịch.
Ông Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO nhận định, cuộc chiến toàn cầu đối phó đại dịch đã có nhiều tiến triển so với cách đây 10 tuần trước khi phân phối vaccine, nhưng hiện còn quá sớm để cho rằng đại dịch sắp được kiểm soát. “Còn quá sớm để khẳng định điều gì, tôi không nghĩ là chúng ta có thể đẩy lùi đại dịch vào cuối năm nay” - ông Ryan nói.
Ngày 1/3, Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan tuyên bố, đại dịch Covid-19 đang được khống chế, song sẽ là phi thực tế khi cho rằng thế giới sẽ vượt qua đại dịch vào cuối năm 2021. Ông Ryan cho rằng, nhận định lạc quan nhất lúc này là thế giới có thể khống chế đại dịch, và bằng việc giảm số bệnh nhân Covid-19 nhập viện điều trị và tử vong để giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng y tế này.