Làm theo cách mới để thoát nghèo

T. Giang 05/03/2021 09:00

Lâu nay, đồng bào dân tộc Chu Ru ở xã Tà Năng, Đa Quyn (Đức Trọng, Lâm Đồng) vẫn quen canh tác lúa theo cách cũ nên cho năng suất thấp.

Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2020, khi dự án khởi nghiệp “Liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ Tà Năng – Ma Bó” ra đời thì mọi chuyện đã khác.

Nhiều diện tích cà phê ở xã Tà Hine (huyện Đức Trọng) được bà con ghép cải tạo để nâng cao năng suất.

Dự án do Hội Nông dân huyện Đức Trọng làm chủ đầu tư với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng nhằm sản xuất lúa hữu cơ, liên kết nhân dân sản xuất lúa của hai xã Đa Quyn và Tà Năng để tạo vùng nguyên liệu ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo chia sẻ của bà Ma Thạnh, thành viên phát triển dự án, thì là người Chu Ru, sinh ra trên mảnh đất này, thấu được khó khăn của bà con nên bà luôn mong muốn phát triển kinh tế cho gia đình, nông dân địa phương từ chính mảnh đất và nghề trồng lúa từ bao đời của cha ông để lại. Từ nguyện vọng đó, bà cùng các hội viên Hội Nông dân xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ ngay tại quê hương.

Trong năm 2020, dự án đã thực hiện liên kết sản xuất 300 ha lúa hữu cơ với 300 hộ người Chu Ru tại hai xã Đa Quyn, Tà Năng. Khi tham gia dự án, các hộ tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững như trồng ở vùng đất sạch, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng nguồn nước tự nhiên dẫn về từ đồi núi, sông suối... Sau khi thu hoạch, 70% số thóc sẽ được vận chuyển tới công ty để xay sát và đưa đi tiêu thụ, 30% còn lại sẽ được xay sát tại chỗ và bán trực tiếp tại địa phương.

Từ mô hình này, dự kiến một năm sẽ canh tác được 2 vụ, mỗi vụ sản xuất được khoảng 1.500 tấn thóc. Như vậy, trung bình 1 ha trồng lúa hữu cơ thu hoạch đạt 35 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ, tăng gấp đôi so với sản xuất lúa thông thường.

Không chỉ ở Tà Năng, Đa Quyn, thời gian qua, một số địa phương nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã tập trung thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn lực đất đai, lao động của địa phương. Tại xã Tà Hine, nhiều người dân đã chuyển đổi diện tích trồng lúa một vụ, trồng bắp, cà phê già cỗi sang trồng rau, củ, quả và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường các lớp tập huấn hướng dẫn cho bà con cho bà con, cán bộ địa phương còn tận dụng và phát huy tối đa các nguồn vốn vay hỗ trợ cho nông dân. Đồng thời, các chương trình, đề án hỗ trợ và chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cũng được, chính quyền xã quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Theo bà Vương Nai Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hine, hiện xã đang tập trung phát triển kinh tế theo hướng bền vững, ổn định diện tích đất sản xuất, áp dụng khoa học và tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm các loại rau màu. Theo đó, địa phương này đã chuyển từ diện tích trồng lúa 1 vụ, hay diện tích trồng bắp, cà phê già cỗi sang trồng rau, củ, quả và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hiệu quả, bền vững. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường các lớp tập huấn để trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho bà con, địa phương này còn tận dụng và phát huy tối đa các nguồn vay hỗ trợ cho nông dân.

Như trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn xã đã hình thành các mô hình nuôi gà ta thả vườn, nuôi bò thịt cao sản, bò lai Sind... với tổng kinh phí hỗ trợ trên 500 triệu đồng. Trong đó, vốn đối ứng của người dân là 201 triệu đồng. Còn đối với lĩnh vực trồng trọt, Tà Hine đã có 154 hộ được hỗ trợ giống cây trồng để sản xuất trên 50ha, với tổng số tiền trên 650 triệu đồng. Trong đó người dân đối ứng trên 200 triệu đồng.

Những mô hình phát triển kinh tế mới như thế này đang giúp cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng ngày càng khởi sắc.

T. Giang