Quảng Ngãi: Ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Hiện nay, tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số (DTTS) tuy đã giảm nhưng vẫn đang còn ở mức cao. Tỷ lệ tảo hôn chung là 21,9%, giảm 4,7% so với năm 2014; bình quân mỗi năm giảm 0,94%.
Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số nước ta tuy đã giảm nhưng còn thấp so với mục tiêu đề ra. Thực trạng này đòi hỏi cần thêm nhiều nỗ lực để đảm bảo đến năm 2025, cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện nay, tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số (DTTS) tuy đã giảm nhưng vẫn đang còn ở mức cao. Tỷ lệ tảo hôn chung là 21,9%, giảm 4,7% so với năm 2014; bình quân mỗi năm giảm 0,94%.
Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống là 0,56%, giảm 1% so với năm 2014, tức là giảm bình quân mỗi năm 0,2%; phổ biến là kết hôn giữa con cô với con cậu, con dì, con chú với con bác. Một số DTTS có tỷ lệ kết hôn cận huyết cao vào thời điểm điều tra năm 2014 nhưng đến nay đã không còn tình trạng này như: Mạ, Mảng, Khơ Mú, Cơ Ho, Kháng, Chứt, Khmer.
Thông tin từ văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh vừa có Quyết định số 52/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Ngãi sẽ chi khoảng 9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện đề án.
Tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. UBND tỉnh giao Ban Dân tộc chủ trì phối hợp các địa phương thông qua các kênh thông tin, phương tiện truyền thông đại chúng tăng cường vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục lạc hậu nhằm khắc phục, ngăn ngừa, hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các địa phương phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, các già làng, trưởng thôn và người có uy tín trong công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nhất là tuyên truyền những tác hại, hệ lụy cho gia đình, dòng họ và xã hội.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục biên soạn, cung cấp tài liệu truyền thông, tập huấn kiến thức; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên tham gia đề án; đồng thời đánh giá sơ, tổng kết quá trình thực hiện.
Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2016 - 2019, huyện Sơn Tây có 156 trường hợp tảo hôn/470 trường hợp kết hôn, huyện Ba Tơ 403 tảo hôn/2.227 kết hôn, huyện Sơn Hà 207 tảo hôn/2.763 kết hôn...
Nhằm nâng cao chất lượng dân số, không còn tình trạng học sinh nghỉ học để kết hôn, các ban, ngành, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều hoạt động góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.