Giữ tiến độ Dự án sản xuất, cấp và quản lý thẻ căn cước công dân
Để bảo đảm việc triển khai thực hiện dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đặt ra mục tiêu một nửa số dân cư trú ở 10 địa phương sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử trước ngày 30/4/2021.
Theo đó, lực lượng công an các cấp đã tiến hành hoàn thành việc thu thập, nhập liệu, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung thông tin dân cư; khắc phục thông tin dân cư còn thiếu hoặc sai lệch, đảm bảo 100% công dân thường trú trên địa bàn có thông tin đầy đủ, chính xác để phục vụ việc cấp thẻ CCCD có gắn chíp điện tử. Phát huy tối đa các lợi thế có sẵn về con người, kinh nghiệm, hạ tầng, thiết bị, hệ thống tàng thư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện ở từng bước tiếp nhận hồ sơ nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.
Chủ trì buổi họp giao ban trực tuyến với công an 10 tỉnh, thành phố về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân hôm 1/3, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc khai trương 2 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân mới đây chỉ là kết quả bước đầu và cần phải nhanh chóng đưa hai hệ thống hoạt động hiệu quả để phục vụ đời sống, mang lại sự thuận tiện cho người dân.
Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị các điều kiện cần thiết và tổ chức cấp thẻ CCCD lưu động cho số công dân diện cấp nhưng chưa được cấp CCCD, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an, đáp ứng yêu cầu chính đáng của công dân; đồng thời, phục vụ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Được biết, khối lượng công việc trước mắt của hai dự án còn lớn, đặc biệt mục tiêu đặt ra là đến trước ngày 1/7/2021 cấp 50 triệu thẻ Căn cước công dân mới đối với các trường hợp đủ điều kiện được cấp thẻ trên toàn quốc, ưu tiên cấp cho các cá nhân từ 14 tuổi trở lên và thường xuyên thực hiện các giao dịch.
10 tỉnh, thành phố cần phải được tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả hai dự án, nhất là hoàn thành việc cấp thẻ Căn cước công dân đúng tiến độ gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh.
Đây là những địa bàn tập trung đông dân cư, lượng người giao dịch lớn nên mốc thời gian đặt ra là trước ngày 30/4/2021, một nửa số dân cư trú tại 10 địa bàn này được cấp thẻ Căn cước công dân mới.
Tại cuộc họp, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết, trong quá trình triển khai dự án, một số công an địa phương như Hà Nội, TP HCM, Thanh Hóa đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Đáng chú ý, Công an quận Hà Đông, Công an quận Long Biên và Công an huyện Mỹ Đức (Công an thành phố Hà Nội) đã có những sáng kiến, cách làm hay giúp tăng hiệu quả, đẩy nhanh tốc độ triển khai thực hiện hai dự án.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đây là "chiến dịch" quan trọng và khó khăn, toàn lực lượng cần phải đồng lòng, chung sức, tìm cách làm hay để đảm bảo thời gian và tiết kiệm tối đa kinh phí cho Nhà nước.
Vì vậy ông yêu cầu công an các địa phương phải nghiên cứu những cách làm sáng tạo, hiệu quả phù hợp với từng nhóm đối tượng và đặc điểm tình hình của từng địa bàn và có kế hoạch khoa học, chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, phấn đấu hoàn thành càng sớm càng tốt để tăng cường hỗ trợ cho các địa bàn khác.
Giám đốc công an tỉnh, thành phố, trưởng công an quận, huyện phải quán triệt cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, tính cấp bách của "chiến dịch" để thống nhất thực hiện trong toàn lực lượng.
Những thông tin về CCCD gắn chip người dân cần biết:
Đối tượng phải đi đổi sang CCCD gắn chip?
Nhiều người hiểu lầm rằng, khi thẻ CCCD gắn chip được ban hành, tất cả mọi công dân (dù là đang dùng CMND hay CCCD có mã vạch) đều phải đồng loạt đi đổi sang CCCD có gắn chip. Điều này là không đúng! Thực tế chỉ có những người có CMND hoặc CCCD bị hết hạn, hoặc bị mất, hỏng mới phải đi đổi sang loại CCCD gắn chip.
Khi CCCD gắn chip được đưa vào sử dụng thì sẽ song song tồn tại các loại giấy tờ tùy thân sau: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip.
Người dân được lợi gì khi đổi sang CCCD gắn chip?
Đây là băn khoăn của đông đảo người dân khi có thông tin về việc sẽ có CCCD gắn chip. Được biết, CCCD gắn chip có nhiều ưu điểm so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay. Cụ thể như: Tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế…
Do đó công dân chỉ cần mang theo CCCD gắn chip mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước đây… Đồng thời, cũng không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây.
Đổi sang CCCD gắn chip, có cần làm lại các giấy tờ khác?
Theo đại diện Bộ Công an, việc đổi sang CCCD gắn chip không gây ảnh hưởng gì tới các loại giấy tờ đang dùng số CCCD mã vạch trước đó. Vì thực tế, số trên CCCD gắn chip với số trên CCCD mã vạch là giống nhau, do đó, công dân không phải đi đổi lại các giấy tờ.
Tương tự, sau khi được cấp CCCD gắn chip, công dân vẫn có thể thực hiện các giao dịch đã sử dụng số CCCD trước đây bình thường mà không hề có bất cứ phiền toái nào.
Nếu làm mất CCCD gắn chip có ảnh hưởng gì không?
Như phân tích ở trên, CCCD gắn chip tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân của công dân. Theo đó, nhiều công dân bày tỏ sự lo ngại nếu như đánh mất thẻ và rơi vào tay kẻ trộm, liệu có vấn đề gì không?
Cũng theo Bộ Công an, mức độ bảo mật của chip rất cao nên thông tin định danh của công dân trên thẻ là không thể thay đổi, không thể giả mạo được. Chỉ có chủ sở hữu thẻ mới sử dụng được, nếu có bị trộm cắp cũng không bị ảnh hưởng gì.