ASEAN chung hành động vì Myanmar

Hà Anh 04/03/2021 06:30

Trước tình hình bất ổn chính trị tại Myanmar, 10 nước thành viên ASEAN tổ chức một cuộc họp đặc biệt nhằm lắng nghe từ phía Myanmar và thảo luận về cách xây dựng, đưa ra giải pháp hòa bình cho tình hình tại nước này vì lợi ích của người dân Myanmar.

Binh sĩ gác tại một điểm kiểm soát ở Mandalay, Myanmar, ngày 2/2/2021. Ảnh: AFP.

Tuyên bố chung

Ngày 2/3, cuộc họp đặc biệt của các Bộ trưởng Ngoại giao của 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar đã kết thúc với việc ra tuyên bố không chính thức của Chủ tịch về tình hình của quốc gia thành viên này.

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến do đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tham dự cuộc họp có toàn bộ Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, trong đó có ông Wunna Maung Lwin - người được quân đội Myanmar chỉ định làm Bộ trưởng Ngoại giao của nước này.

Cuộc họp do Brunei, quốc gia đang đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2021, chủ trì với sự hỗ trợ của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsdi và Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein.

Tuyên bố chung nêu rõ: “Chúng tôi luôn theo sát diễn biến tình hình của khu vực và nhất trí rằng sự ổn định chính trị của bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng là điều cần thiết để đạt được cộng đồng ASEAN hòa bình ổn định và thịnh vượng chung. Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động bạo lực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại và mang tính xây dựng và hòa giải vì lợi ích của người dân và kế sinh nhai của họ. ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng”.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi Myanmar cần tiếp tục hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN để tránh trở thành “một đường đứt gãy” có thể dẫn đến sự bất ổn ở khu vực. Ông Hishammuddin cho biết, sự ổn định của Myanmar là không thể thiếu đối với tiến trình hội nhập khu vực và thành công kinh tế của ASEAN.

Ông Hishammuddin cũng đề xuất, ASEAN lập ra một nhóm chuyên gia có kinh nghiệm về bầu cử giúp Myanmar thu hẹp bất đồng về cuộc tổng tuyển cử vừa qua và khẳng định: “Malaysia sẽ hỗ trợ bất kỳ nỗ lực nào để hòa giải sự khác biệt giữa các nhà lãnh đạo Myanmar”.

Đảm bảo nguyên tắc “không can thiệp nội bộ của nhau”

Cũng trong ngày 2/3, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã hối thúc Myanmar “mở cửa” với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này sau cuộc chính biến ngày 1/2 vừa qua.

Phát biểu với báo giới tại Jakarta sau cuộc họp đặc biệt trực tuyến với Ngoại trưởng các nước ASEAN, Ngoại trưởng Retno Marsudi cam kết, các nước ASEAN sẽ không vi phạm “nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ” của nhau.

Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng vừa ra thông cáo báo chí khẳng định, Thái Lan là nước láng giềng gần gũi và thân thiện của Myanmar và là một phần của đại gia đình ASEAN, Thái Lan đã và đang theo dõi những diễn biến ở Myanmar với sự quan tâm. Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng bày tỏ hy vọng tình hình ở Myanmar sẽ giảm căng thẳng.

Bộ Ngoại giao Thái Lan cho rằng, cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN là cơ hội tốt để lắng nghe từ phía Myanmar và để thảo luận giữa các thành viên trong ASEAN về tình hình mới nhất cũng như cách ASEAN có thể đóng vai trò xây dựng trong việc đưa ra giải pháp hòa bình cho tình hình tại Myanmar.

Cùng với đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan hối thúc các đối tác bên ngoài ASEAN không áp đặt trừng phạt kinh tế trên diện rộng gây tổn hại đến thường dân Myanmar. Ông Balakrishnan nêu rõ: “Trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Singapore, đang bắt đầu đánh giá lại các dự án đầu tư của họ vào nền kinh tế Myanmar”.

Ngoại trưởng Balakrishnan cũng nói thêm, Singapore kêu gọi giới chức quân sự ở Myanmar thực hiện kiềm chế tối đa, cũng như đảm bảo chắc chắn không có thêm bạo lực và đổ máu.

Trước đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhấn mạnh rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ gây tổn hại cho người dân Myanmar.

“Câu hỏi đặt ra là điều gì có thể tạo ra sự khác biệt cho Myanmar và nếu áp đặt các biện pháp trừng phạt thì ai sẽ là người chịu thiệt hại ? Sẽ không phải quân đội, hay các tướng lĩnh mà chính người dân Myanmar sẽ bị tổn thương. Các biện pháp trừng phạt sẽ tước đi thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm và cơ hội học hành của người dân nước này”- ông Lý Hiển Long nói.

Các nguồn tin ngoại giao ngày 2/3 cho biết, Anh đã đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín về tình hình tại Myanmar vào ngày 5/2 tới.

Trước đó, hôm 4/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố báo chí về tình hình Myanmar, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” cuộc chính biến ở Myanmar, và kêu gọi giới lãnh đạo quân sự “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi”.

Ngày 26/2 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng tổ chức phiên họp không chính thức thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Myanmar dưới sự chủ trì của Chủ tịch Volkan Bozkir.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ Christine Schraner Burgener, đại diện của hơn 50 nước thành viên LHQ và 8 tổ chức khu vực đã tham dự và phát biểu ý kiến. Bà Burgener kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay tháo gỡ căng thẳng tại quốc gia Đông Nam Á này.

Myanmar trở thành thành viên của ASEAN từ năm 1997. Quốc gia này rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử gần đây, cho dù Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này.

Tại cuộc họp đặc biệt của các Bộ trưởng Ngoại giao của 10 nước thành viên ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN sử dụng hiệu quả các công cụ, cơ chế hợp tác hiện có để giải quyết tình hình bất ổn tại Myanmar.

Hà Anh