Chớp cơ hội xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp (DN) Việt vẫn chưa chú trọng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử dù đây là thị trường tiềm năng, chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến thương mại trực tiếp nhưng hiệu quả cao gấp nhiều lần.
Giảm nhiều chi phí
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc xúc tiến xuất khẩu bằng hình thức trực tuyến thay thế cách làm truyền thống được coi là giải pháp hiệu quả giúp DN tiêu thụ hàng hóa cũng như tăng trưởng doanh thu.
Xuất khẩu trực tuyến, hình thức xúc tiến thương mại qua sàn điện tử có ưu điểm vượt trội là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và DN. DN có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), xúc tiến thương mại trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với cách làm trực tiếp nhưng hiệu quả mang lại lớn gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, thực tế nhiều DN Việt chưa chú trọng với hình thức giao dịch thương mại này. Con số thống kê chỉ rõ, khoảng hơn 1.000 DN, cá nhân kinh doanh trong số hơn 700.000 DN đang hoạt động trên cả nước hiện nay, tham gia hình thức xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử trên thế giới. Xuất khẩu qua các kênh online được coi là mảnh đất màu mỡ song phần lớn các DN hiện nay vẫn chưa thể khai phá.
Nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nhóm hàng nông sản, thủy sản, các sản phẩm thủ công nghiệp hoàn toàn có nhiều cơ hội bước chân ra thị trường thế giới bằng cách xúc tiến thương mại trực tuyến. Nhưng đến thời điểm này mới chỉ có một số mặt hàng của chúng ta được đưa lên thương mại điên tử xuyên biên giới như cá tra, hàng dệt may...
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nếu biết tận dụng cơ hội cũng như tập trung khai thác kênh thương mại này, các DN nhỏ và vừa kể hộ kinh doanh cá thể cũng có thể đạt được doanh thu cao, cũng như có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới mà không phải tốn nhiều chi phí cũng như thời gian, công sức đi lại, vận chuyển.
Hiện đã có một số mặt hàng bình dân của Việt Nam như chổi đót, nón lá, cao Sao Vàng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như mây tre đan… được rao bán trên một số sàn thương mại điện tử thế giới nhận được sự chú ý của người tiêu dùng thế giới và đạt được giá trị cao hơn nhiều lần, song đây chỉ là số ít câu chuyện thành công. Tiềm năng của chúng ta còn rất lớn, có rất nhiều sản phẩm có thể xuất khẩu online mà DN chưa biết chớp cơ hội.
Nắm bắt cơ hội
Trong năm 2020, Bộ Công thương tổ chức hơn 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Kết quả, có hơn 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn DN Việt Nam được hỗ trợ xúc tiến thương mại với các đối tác nước ngoài. Hình thức xúc tiến thương mại này giúp DN xuất khẩu tiết kiệm chi phí mà vẫn phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài, bao gồm 55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hiện các hình thức xúc tiến hiện đại còn hạn chế; quy mô hoạt động còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa có sự liên kết thành một hệ sinh thái giữa DN xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại với nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành...
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hiện nay, việc giao dịch thương mại trực tiếp bị hạn chế, vai trò của việc xúc tiến thương mại trực tuyến càng thể hiện rõ nét hơn.
Việc gia nhập những nền tảng thương mại điện tử B2B giúp DN xuất khẩu tiếp cận được với khách hàng trên toàn thế giới, bất kể khoảng cách, không gian và thời gian, giúp giảm nhiều loại chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, chi phí đi lại...
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện các hình thức xúc tiến hiện đại còn hạn chế; quy mô hoạt động còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa có sự liên kết thành một hệ sinh thái giữa DN xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại với nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành...