[ẢNH] Nam Định: Nông dân dầm bùn diệt ‘giặc’ ốc bươu vàng
Vừa bén rễ, khoe màu xanh nhiều diện tích lúa xuân ở Nam Định đã gặp “giặc” ốc bươu vàng.
Những ngày đầu năm Âm lịch 2021, trên những cánh đồng nằm dọc tỉnh lộ 490 (từ TP Nam Định qua địa bàn các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng về biển) ở tỉnh Nam Định lúa xuân đã bén rễ, khoe màu xanh…
Tuy nhiên, ở thời điểm này những cây lúa non đang gặp nguy hiểm bởi “giặc” ốc bươu vàng, khi chúng đang xuất hiện nhan nhản trên đồng ruộng.
Để bảo vệ lúa, nông dân địa phương dầm bùn ra đồng diệt “giặc”. Tuy nhiên chỉ bằng biện pháp thủ công là nhặt, bắt từng con, rất vất vả.
Ốc bươu vàng có tên khoa học là Pomacea canaliculata, như đã biết là sinh vật ngoại lai, có tốc độ sinh sôi nhanh “chóng mặt”; món ăn “khoái khẩu” của chúng là thực vật, đặc biệt là thân, lá lúa non. Chúng du nhập vào Việt Nam từ hơn 30 năm trước, kể từ đó đến nay nhiều lần gây hại, trở thành kẻ thù của đồng ruộng Việt Nam, nhất là với nông dân trồng lúa.
Ở Việt Nam, ốc bươu vàng bị cấm nuôi.
Các biện pháp tiêu diệt ốc bươu vàng đang được được ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân áp dụng gồm: bắt thủ công bằng tay; đào rãnh hai bên để làm khô nước, cắm cọc cho ốc bươu vàng leo lên đẻ trứng rồi bắt ốc, diệt trứng; phun thuốc hóa học…Riêng biện pháp phun thuốc được khuyến cáo phun trong những ngày nắng ấm, nếu phun trong những ngày rét không có tác dụng tiêu diệt vì khi đó ốc đã lặn sâu xuống bùn.
Một số hình ảnh nông dân Nam Định dầm bùn diệt “giặc” ốc bươu vàng Đại Đoàn Kết Online vừa ghi lại: