Hàng trăm con giun tóc 'ký sinh' trong tá tràng cụ ông 86 tuổi
Người bị nhiễm giun tóc sẽ gây tổn thương niêm mạc đường ruột, thiếu máu dẫn đến suy kiệt, nhiễm giun nặng có thể gây sa và loét trực tràng…
Bệnh nhân nam T.Đ. 86 tuổi, tiền sử suy tim, nhồi máu não, u xơ tuyền liệt tuyến. Trước 1 tuần đến viện, ông Đ. nôn liên tục, nôn ra dịch hồng lẫn máu, đau tức thượng vị ngực trái, tiểu không được. Ông Đ. khám nhiều nơi nhưng không đỡ, nên đến Bệnh viện 199 Đà Nẵng để điều trị.
Sau khi được thăm khám, ông Đ. đã được các bác sĩ tiến hành nọi soi đại tràng. Qua hình ảnh nội soi phát hiện hàng trăm con giun tóc.
Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc, và hiện tại ông Đ. đang điều trị tại Khoa Nội Tim mạch – Bệnh viện 199 với tình trạng ổn định.
Nguyên nhân cơ bản nhất khiến mọi người mắc phải bệnh nhiễm giun tóc là ăn phải những thực phẩm có chứa trứng giun tóc. Thực phẩm không được rửa kỹ và không được nấu chín. Người bị nhiễm giun tóc sẽ gây tổn thương niêm mạc đường ruột, thiếu máu dẫn đến suy kiệt, nhiễm giun nặng có thể gây sa và loét trực tràng…
Bác sĩ khuyến cáo tất cả mọi người, nhất là trẻ em nên tẩy giun định kỳ 2 lần/năm và thời gian tẩy giun có thể cách nhau khoảng từ 4 - 6 tháng và khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng để kịp thời điều trị tránh làm bệnh tình trở nên trầm trọng, song song đó cần ăn chín uống sôi để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Các loại giun phổ biến và triệu chứng thường gặp
Khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam được xem là điều kiện thuận lợi cho giun sán phát triển nhanh. Giun sán có nhiều loại, phổ biến và dễ mắc phải nhất là giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim. Mỗi loại đều có sức tàn phá cơ thể khác nhau. Thông thường, dựa vào các dấu hiệu, triệu chứng để phân biệt cơ thể đang nhiễm loại giun nào.
- Giun đũa: Trẻ bị nhiễm giun đũa thường rối loạn tiêu hoá như đau bụng quanh rốn, buồn ói, thậm chí nôn hoặc đi ngoài ra giun.
- Giun tóc: Nhiễm nhiều giun tóc cùng lúc trẻ thường bị đau bụng, buồn nôn, tiêu hóa bị rối loạn. Tình trạng nặng hơn sẽ tổn thương niêm mạc ruột già, đi ngoài có chất nhầy lẫn máu.
- Giun móc: Triệu chứng thường gặp nhất là chóng mặt, mệt mỏi, chán ăn, đau bụng âm ỉ, da xanh, thiếu máu.
- Giun kim: Loại giun này khiến trẻ ngứa ngáy vùng hậu môn, thường xuyên gãi nhiều dễ gây nhiễm trùng, quấy khóc ngủ không ngon giấc, đi ngoài lẫn máu và chất nhầy.
Các loại giun nói trên thường lây qua đường tiêu hóa khi trẻ ăn phải thức ăn kém vệ sinh có nhiễm giun, từ nguồn nước bị nhiễm trứng giun hoặc trẻ dùng tay bẩn bốc thức ăn, đi chân đất… khiến tình trạng phơi nhiễm càng cao.
Mối nguy hại khi trẻ nhiễm giun sán
- Chán ăn, kém hấp thu: Giun ký sinh lâu ngày làm giảm quá trình hấp thụ dưỡng chất cần thiết, khiến cơ thể thiếu hụt vitamin. Trẻ bị mất cảm giác thèm ăn, ăn mất ngon.
- Giảm tình trạng dinh dưỡng: Giun ký sinh sẽ hút hết các chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu protein.
- Kém phát triển thể chất, trí tuệ: Tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu hụt do bị giun tàn phá trong thời gian dài khiến trẻ bị kém tăng trưởng về thể chất (sức khỏe yếu, thấp còi hơn bạn bè cùng trang lứa) và trí tuệ (không tập trung, học hành sa sút).
- Tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm: Nhiễm giun nếu không được chữa sớm dễ dẫn đến một số bệnh lý nghiêm trọng khác như: viêm ruột thừa, tắc và thủng ruột, rối loạn tim mạch khi nhiễm nhiều giun đũa; Nhiễm giun kim trong thời gian dài ở bé gái dễ dẫn đến tình trạng viêm âm đạo, viêm vòi trứng, nhiễm trùng tiểu.
Chủ động phòng ngừa nhiễm giun cho trẻ
Việc phòng tránh nhiễm giun tương đối đơn giản và dễ thực hiện, chỉ cần gia đình tuân thủ các biện pháp:
- Vệ sinh cá nhân: Cần thường xuyên vệ sinh tay chân cho trẻ trước và sau khi ăn; rửa tay kỹ sau khi đi ngoài; không dùng tay bẩn bốc thức ăn; không để trẻ đi chân trần, nghịch đất.
- Ăn chín uống sôi: Thức ăn và nước uống phải được nấu chín kỹ. Nếu là trái cây, rau sống thì phải xử lý sạch trước khi cho trẻ ăn; thức ăn cần đậy kín tránh ruồi, nhặng; cho trẻ sử dụng nguồn nước sạch.
- Giữ sạch môi trường sống: Cần giữ vệ sinh nhà ở và không gian sinh hoạt sạch sẽ, tránh nước đọng, đất cát hoặc những yếu tố lý tưởng cho giun sán dễ phát triển.
- Xổ giun định kỳ 2 lần/năm: Cứ 6 tháng/lần cần cho trẻ trên 2 tuổi uống thuốc tẩy giun. Lưu ý cần kết hợp xổ giun cho cả nhà để tránh tình trạng lây nhiễm chéo và đạt hiệu quả cao hơn.