Rau xanh được mùa, nông dân vẫn khóc
Sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, giá rau xanh tại tỉnh Thừa Thiên-Huế bất ngờ giảm mạnh, khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình đành phải vứt bỏ cả tạ rau vì bán không ai mua.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế rất thuận lợi, tiết trời nắng ấm là điều kiện lý tưởng để các loại cây trồng phát triển tốt, nhờ đó mà sản lượng rau xanh tăng mạnh.
Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, khi các loại rau xanh được mùa thì người nông dân lại đối mặt với việc giá thành giảm mạnh. Chưa kể, những mặt hàng nông sản của người dân địa phương đang phải cạnh tranh với nguồn hàng từ các tỉnh, thành khác đổ về khiến người trồng rau gặp khó.
Tại xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) nơi được xem là vựa rau xanh lớn nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế hàng năm đưa vào sản xuất hơn 30 ha, với khoảng 500 hộ dân tham gia canh tác. Riêng HTX nông nghiệp Kim Thành có hơn 16 ha rau sản xuất theo mô hình VietGAP với sản lượng khoảng 60 tấn/ha, mang lại thu nhập 600 triệu đồng/ha/năm.
Đến thời điểm sau Tết, khi nguồn cung dồi dào vượt quá nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng đã khiến giá rau xanh tại tỉnh này giảm xuống từ 70-80%.
Theo các hộ dân trồng rau, từ trước đến nay, thị trường tiêu thụ rau xanh chủ yếu là tại các chợ trên địa bàn tỉnh thông qua thương lái về mua ngay tại chân ruộng nên khi giá rau xuống thấp, người nông dân gặp nhiều khó khăn, bởi khó tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tại thôn Thanh Trung (xã Quảng Thành) những ngày này người nông dân vẫn ra đồng để chăm sóc, đồng thời thu hoạch rau ở mức cầm chừng, bởi với giá thành hiện tại, việc bán rau không đủ trang trải các chi phí như công thu hoạch, phân bón…
Ông Trần Cư (trú tại xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) cho biết, từ trong Tết đến nay đã xuống giống và thu hoạch 2 lứa rau. Thời điểm hiện tại, mỗi kg rau (tùy loại) chỉ dao động từ 2-5 nghìn đồng, không đủ công xuống đồng thu hoạch.
“Vụ này gia đình tôi trồng 2,2 sào tần ô, cải, xà lách, lứa trước tết bán còn được, đến lứa này giá thấp quá đành cắt cho cá ăn. Thương lái vẫn về chân ruộng mua nhưng giá quá thấp. Bà con giờ chỉ thu hoạch cầm chừng chờ giá lên để kiếm được đồng nào hay đồng đó” - ông Cư than thở.
Bà Võ Thị Duyên (trú tại xã Hương Chữ, thị xã Hương Trà) cho biết, sau đợt mưa bão cuối năm 2020, nhiều hộ dân ở đây đã bắt tay vào việc xuống giống để kịp cung ứng ra thị trường. Trước Tết hành lá, kiệu có giá bán ra từ 30-40 nghìn đồng/kg. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại giá hành lá chỉ còn khoảng từ 10-25 nghìn đồng/kg. Thậm chí có nhưng loại rau xanh như ngò bán chẳng ai mua.
“Gia đình tôi đành phải vứt bỏ cả tạ rau. Nhìn thấy cảnh tượng ấy là tôi không kìm được nước mắt vì xót của, tiếc công chăm bẵm những ngày qua” - bà Duyên chua chát nói.
Theo ông Nguyễn Đình Loan - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Kim Thành cho rằng, sau Tết thời tiết có nắng nhiều cộng với nguồn giống hỗ trợ lụt bão của Nhà nước, các tổ chức sau các đợt lũ cuối năm dồi dào, khi bà con đồng loạt xuống giống, gặp tiết trời thuận lợi rau phát triển nhanh, cho năng suất cao khi thu hoạch đồng loạt làm giá cả rớt xuống thấp.
Ngoài ra, nhiều loại rau ở Thừa Thiên-Huế hiện chưa có mặt tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh, mà đa số bán cho các tiểu thương ở các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn. Mặt khác, dịch bệnh Covid-19 khiến người trồng rau tại địa phương mất đi các thị trường tiêu thụ rau lớn như Hà Nội và TPHCM. Bên cạnh đó, các loại rau xanh từ các địa phương khác nhập về, cung vượt cầu khiến giá thành giảm mạnh.
Ông Nguyễn Tấn Trí - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết, để khắc phục, các HTX, hộ cá thể cần tham gia vào mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra của sản phẩm và tránh tình trạng giá cả bấp bênh, thị trường thiếu ổn định.