Trái phiếu bất động sản không đảm bảo lên tới 63 nghìn tỷ đồng, rủi ro thế nào?
Tổng lượng trái phiếu bất động sản không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành năm 2020 là gần 63 nghìn tỷ đồng. Với nhà đầu tư, rủi ro thế nào?
Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo tổng quan về thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2020. Theo báo cáo này, trong năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 182,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng phát hành toàn thị trường – tăng so với tỷ trọng 39,6% năm 2019 và là nhóm phát hành nhiều nhất trong 2 năm gần đây.
Tuy nhiên, những dữ liệu về trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cho thấy lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành trong năm 2020 ở lĩnh vực này khá lớn, tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng lo ngại về rủi ro.
Cụ thể, có 35,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành mới không có tài sản đảm bảo, chiếm 19,6% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành.
Trong đó, các tổ chức phát hành nhiều nhất là Công ty CP BĐS HANO-VID; Công ty CP BĐS Mỹ; Công ty CP TM-QC-XD Địa ốc Việt Hân; TNR holdings…
"Con số thực tế có thể lớn hơn do có khoảng 57 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản thiếu thông tin về tài sản đảm bảo trong bản công bố thông tin", SSI Research, nhận định.Chưa kể, trong năm 2020, toàn thị trường có gần 37 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành được đảm bảo bằng cổ phiếu thì riêng nhóm bất động sản có 27,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 73,2%).
Như vậy, tổng lượng trái phiếu bất động sản không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành năm 2020 là gần 63 nghìn tỷ đồng.
Cảnh báo về rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường trái phiếu bất động sản đang đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng sau khoảng thời gian dài tăng trưởng nóng và xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Nếu thị trường trái phiếu bất động sản không có động thái kiểm soát tốt có thể sẽ dẫn tới vỡ bong bóng.
Phân tích về nguy cơ này, ông Hiếu chỉ ra nguyên nhân thứ nhất là thị trường trái phiếu BĐS tăng trưởng nóng trong thời gian ngắn, chu kỳ phát hành trái phiếu với tốc độ vừa nhanh vừa dày. Thứ hai, doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất đống ản với lãi suất cao gần gấp đôi lãi suất tiết kiệm.
“Nguy cơ bong bóng trái phiếu có thể xảy ra vì xuất hiện dấu hiệu bất thường như doanh nghiệp phải đảo nợ. Nhiều doanh nghiệp đang phải đảo nợ khi không thể thanh khoản cho trái chủ.”, ông Hiếu nhận định.