Bỏ văn bằng, chứng chỉ không cần thiết: Giảm tiêu cực cho xã hội
Chính thức tới ngày 20/3 này, các tiêu chí giáo viên có trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học và trình độ ngoại ngữ thứ 2 của tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng, được bãi bỏ.
Các trường học từ mầm non tới TH, THCS và THPT thở phào nhẹ nhõm, như trút bỏ được gánh nặng. Một quy định thật không nên - khi áp dụng đồng loạt với tất cả các giáo viên.
Giáo viên được hưởng lợi
Việc yêu cầu một thứ không gắn trực tiếp với chuyên môn, công việc thường nhật của giáo viên, chỉ có tác dụng “làm đẹp hồ sơ” liệu có cần thiết? Quy định về chứng chỉ nếu áp đặt một cách máy móc, cào bằng sẽ khiến đội ngũ công chức, viên chức khổ sở bổ sung hoàn thiện. Thực tế, những “giấy phép con” này cũng đã từng tạo ra những hành vi tiêu cực để “đạt chuẩn” theo yêu cầu. Đồng thời, cũng tạo nên những kẽ hở, vùng đất màu mỡ cho các đối tượng “cò bằng cấp”, “cò chứng chỉ” sống gửi, gây tốn kém và lãng phí cho người dân và cả xã hội.
Tuy nhiên, yêu cầu về năng lực sử dụng ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin không “đoạn tuyệt” với nhà giáo mà tiếp tục được đưa vào tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trong tất cả các hạng nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Đây lại điểm mừng cho giáo viên, bởi vì nó là kỹ năng không thể thiếu của mỗi người viên chức trong xu hướng hội nhập và thời đại CN 4.0.
Giải lương của giáo viên được mở rộng và có hệ số cao hơn, ở cả hai phía tối thiểu và tối đa trong mỗi hạng. Thay vì hưởng mức lương khởi điểm 1,86 (MN và TH) và 2,10 (THCS) như trước đây, nay được hưởng mức lương khởi điểm tương ứng là 2,10 và 2,34. Qua khảo sát sơ bộ ở một số cơ sở giáo dục, cho thấy số giáo viên có thâm niên dưới 12 năm được hưởng lợi nhiều hơn so với giáo viên có thâm niên dưới 24 năm. Riêng số giáo viên lớn tuổi, sắp nghỉ chế độ hưởng lợi về lương theo Thông tư mới là không đáng kể.
Ngoài ra những quy định về trách nhiệm, danh hiệu thi đua, khen thưởng thể hiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên được thống nhất chung và mở rộng để giáo viên ở mọi cấp học, môn học đều thuân lợi phấn đấu, thực hiện.
Những bất cập cần tiếp tục tháo gỡ
Giáo viên phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn nghề của hạng hiện giữ thì mới được bổ nhiệm vào hạng tương ứng. Cuộc đua “chạy” chứng chỉ lại tiếp tục diễn ra. Nhiều trung tâm, cơ sở giáo dục đã và đang đưa ra những lời mời chào đi học với mức giá khác nhau, rồi rầm rộ tuyển sinh. Thậm chí, mỗi nơi đưa ra một chỉ dẫn, kèm theo những thông tin như không đi học sẽ không được thăng hạng, thậm chí bị tụt hạng, bị giảm lương. Thực tế, quy định giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã có từ trước và cũng đã có nhiều giáo viên trên toàn quốc đăng ký học. Tuy nhiên, có thể Thông tư mới này ghi “hiệu lực từ 20/3/2021” nên giáo viên lo lắng vì thời gian còn quá ngắn.
“Nạn” mang tên “chứng chỉ” vẫn tiếp tục được duy trì, ít nhất là 16 lần xuất hiện trong tiêu chuẩn về quy định trình độ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở các bậc học và cấp học. Thực tế rất chớ trêu là người cần chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ lại tự nguyện bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để cốt có chứng chỉ (giảm nhẹ thời gian, chương trình học, thậm chí không phải học). Thực tế giáo viên không phải chịu áp lực là phải đi học để có chứng chỉ mà phần nhiều chịu áp lực là phải có tiền để đi “mua” chứng chỉ. Bức xúc hơn là 100% giáo viên (trừ cấp THPT) tiền học phí do họ tự lo chi trả. Một sự gian dối của nhiều thày cô đã làm cho bức tranh học đường ảm đạm và đáng buồn.
Ước ao, giáo dục lại được quay về thời kỳ giáo viên được nhận phụ cấp đứng lớp 30% tới 35 % và trợ cấp thâm niên 1% mỗi năm (xuất phát từ 5%). Có vậy, tổng lương thực tế của giáo viên được lĩnh mới cao hơn giải lương mới hiện hành.
Vấn đề đặt ra là chúng ta cần xây dựng một số trường Sư phạm khu vực đủ mạnh để có thể đào tạo giáo viên có trình độ chuyên môn chuẩn cho tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước, tránh được các bất cập mà giáo dục chúng ta đang đương đầu tới mức đau đầu như hiện nay.