Gỡ rào cản ngoại ngữ trong trường phổ thông
Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, cho rằng để ngoại ngữ không trở thành rào cản thì phải thay đổi từ thầy cô giáo, thay đổi từ chính phương pháp giáo dục truyền thống của họ sang các phương pháp hiện đại mà rất nhiều nước phát triển trên thế giới đang áp dụng.
Lấy ví dụ về việc thay đổi cách học truyền thống, thầy Nguyễn Quốc Hùng cho hay, thay vì học một từ “tea” (chè, trà), cuốn sách sẽ hướng dẫn học các cụm từ như: Pha chè (made tea); uống chè (drink tea)…Trong một tình huống, một lần học, người học sẽ biết thêm từ và dễ dàng vận dụng những cụm từ này trong các tình huống giao tiếp cụ thể, ghi nhớ tốt hơn.
Học nhiều, chất lượng được bao nhiêu?
Để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông, hiện nay kỳ thi vào lớp 10 ở nhiều địa phương đều quy định ngoại ngữ là môn thi bắt buộc cùng với Toán và Ngữ văn. Tương tự, nhiều trường chuyên, lớp chọn khi thi hay xét tuyển học sinh vào trường đều đưa môn Ngoại ngữ vào tiêu chí xét tuyển dù là lớp chọn khối xã hội hay khối tự nhiên.
Những năm gần đây, các trường ĐH, CĐ cũng có những phương án xét tuyển ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh như TOEFL, IELTS và TOEIC… đạt mốc nào đó tùy từng trường.
Phong trào học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sôi nổi không chỉ ở thành phố mà lan tỏa đến khắp mọi miền của đất nước. Mặc dù Bộ GDĐT quy định tới lớp 3, tiếng Anh mới là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông song trên thực tế, ngay từ lớp 1, lớp 2 các trường đã đưa tiếng Anh vào chương trình học tự chọn. Thậm chí ngay từ lớp mẫu giáo, trẻ em đã được làm quen với tiếng Anh thông qua các tiết học mà chơi…
Như vậy, đến khi học hết lớp 12, trung bình một học sinh có ít nhất 7 năm học tiếng Anh (nếu bắt đầu học từ lớp 6). Nhưng ngay cả với những học sinh có thời gian học dài hơn, tại sao kết quả đạt được lại rất hạn chế? Bằng chứng là tỷ lệ trượt/ điểm dưới trung bình ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng ở mức báo động. Đó là chưa tính đến kỹ năng nói, nghe của học sinh Việt chưa hề được kiểm tra trong kỳ thi này cũng rất đáng lo ngại.
Học ngoại ngữ gắn liền với thực tiễn
Một chuyên gia giáo dục phân tích, nếu nhìn một cách tổng thể thì ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh đang là môn được học thêm nhiều nhất ngoài nhà trường. Bằng chứng là những trung tâm ngoại ngữ mọc lên như nấm sau mưa và phủ sóng không chỉ ở các thành phố lớn mà đã về đến khắp các địa phương.
Thậm chí, trong một cuộc tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tổ chức tại TP HCM cách đây hơn 1 năm, đại diện Sở GDĐT TP HCM thông tin hầu hết học sinh nơi đây đều học thêm ngoại ngữ ngoài trường.
Học nhiều, tăng cường cả bằng học thêm nhưng trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là năng lực sử dụng ngoại ngữ của học sinh trên thực tế lại không cải thiện được là bao. Đi sâu vào phân tích nguyên nhân, hệ quả thì rất nhiều nhưng các chuyên gia đều thống nhất một điểm, đó là để đào tạo tiếng Anh có chất lượng, nguồn lực giáo viên cần tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Song song với đó là quản lý chất lượng đào tạo cần thống nhất và nghiêm ngặt, kỹ năng và phương pháp giảng dạy cần được cập nhật thường xuyên, giáo trình giảng dạy cần theo chuẩn quốc tế, ngoài ra cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tạo học liệu mở.
Không thể chậm trễ hơn nữa là những gì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nhìn nhận về việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Ngành giáo dục trên thực tế cũng đã có rất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ của thầy và trò trong nhà trường, điển hình là Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Một trong những ưu điểm lớn nhất theo các chuyên gia nhìn nhận đó là việc tập huấn giáo viên về phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ… Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn và kinh phí có hạn, chưa thể ngay lập tức tập huấn cho tất cả giáo viên dạy ngoại ngữ trên toàn quốc nên hiệu quả đạt được của Đề án vẫn còn những hạn chế.
Vì vậy, về lâu dài, cần hướng đến việc chuẩn hóa giáo viên một cách thực chất, không phải theo nguyên tắc nặng bằng cấp, nhẹ thực hành. Không chỉ trông chờ vào các dự án đào tạo, các khóa tập huấn mà hiện nay, tài liệu số rất đa dạng và phong phú, sách dạy về phương pháp dạy ngoại ngữ kiểu mới cũng rất nhiều và sẵn, giáo viên hoàn toàn có thể tự mình tìm đọc, nghiên cứu và áp dụng cho phù hợp với thực tiễn của bản thân. Bởi ngay cả khi có đủ kiến thức, năng lực nhưng phương pháp không đúng, không tạo được hứng thú học tập thì cũng khó mang lại hiệu quả tốt trong việc dạy và học.
Môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT theo Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT của Bộ GDĐT. Cụ thể, việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GDĐT. Bộ GDĐT sẽ giám sát quá trình thực hiện này, để đảm bảo tính hiệu quả và quyền lợi cho người học. Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ GDĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.