Hãy xứng ‘đấng mày râu’
Vợ chồng là nghĩa tào khang nên mặc nhiên phải sống có tình, có nghĩa chứ không phải là những chiếc bè gá tạm.
Không những thế, theo quan niệm của người xưa, trong cuộc sống hàng ngày, vợ chồng còn phải “giữ lễ” với nhau, vừa tạo sự tin tưởng không có khoảng cách, nhưng đồng thời cũng khiến “đối phương” cảm thấy được tôn trọng.
Vậy mà ngày nay, có không ít đôi vợ chồng sống với nhau như đang thực hiện một bản “hợp đồng hôn nhân”, mạnh ai người nấy lo thân mình. Vợ có “vốn” riêng của vợ, chồng có “vốn” riêng của chồng, chỉ đơn giản là “góp gạo thổi cơm chung”. Vì thế, họ sinh ra lạnh lùng, tính toán thiệt hơn ngay cả khi chung sống, chưa nói lúc chia tay.
Có thể đưa ngay ra một ví dụ điển hình đang gây “bão mạng”, đó là việc một anh chồng (ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đòi tiền hết mọi thứ đã lo cho vợ khi ly hôn. Nào là tiền ăn hàng tháng của cô vợ trong quá trình chung sống, nào là tiền đã chi ra khám bệnh cho vợ, nào là chỉ vàng bà mẹ chồng tặng con dâu trong ngày cưới...
Cộng dồn các khoản vào, cô vợ phải trả anh chồng tổng cộng số tiền hơn 42 triệu đồng. Khi mới được xem tờ “giấy trả nợ” có xác nhận của đại diện thôn, hội phụ nữ thôn, công an viên... do cô vợ post lên facebook, tôi cứ tưởng đó chỉ là “hàng fake”. Hóa ra đó lại là chuyện hoàn toàn có thật, không phải chuyện đùa.
Lâu nay, chỉ nghe chuyện khi ly hôn, người ta “căn ke” chia chác với nhau từng đồng bạc hai vợ chồng cùng làm ra, hay đòi bằng được “tiền riêng” của vợ hoặc chồng. Chưa bao giờ nghe chuyện chồng đòi vợ tiền ăn, tiền khám bệnh khi ly hôn cả.
Đáng tiếc, xã hội lại không phải chỉ có anh chồng vừa kể trên đáng thất vọng như vậy. Hiện, có không ít những người được gọi là đấng mày râu nhưng tâm tính lại không được phóng khoáng lắm. Khi chinh phục phụ nữ, họ không ngại ngần buông ra những lời hoa mỹ có cánh, tặng quà này nọ, nhưng khi “giở mặt” họ đòi cho bằng hết.
Tôi từng được chứng kiến một đôi vợ chồng đều là giáo viên, mà anh chồng có tính cách tương tự như anh chàng vừa kể trên. Sau khi ly hôn, người vợ đưa hai con từ Thái Nguyên về Hà Nội sống, mang theo một vài vật dụng hai vợ chồng sắm khi sống chung. Anh chồng cất công đi xe máy từ Thái Nguyên mang theo ngáng về tận nhà vợ ở Hà Nội đòi lại chiếc tivi đã hỏng không còn sử dụng được.
Không những vậy, anh chồng giáo viên này khi mua tặng con gái chiếc dây chuyền thì không mua mặt dây chuyền mà nói với con gái bảo mẹ mày mua cho. Mua tặng con trai chiếc xe đạp, anh ta không mua giỏ xe mà để “phần” cho vợ mua nốt... Ai nghe chuyện cũng phải phì cười vì một ông chồng, ông bố có một không hai trên đời.
Cũng có thể, đây không hẳn là sự keo kiệt, bần tiện, mà chỉ đơn giản là sự “trả thù” bằng cách “chia phần việc” cho bõ ghét. Nhưng dù là động cơ gì thì hành vi trên của ông chồng là khó có thể chấp nhận được. Nó không chỉ cho thấy sự hẹp hòi trong tư duy, mà còn gieo vào trong đầu con trẻ những tư duy lệch lạc, bệnh hoạn.
Trở lại câu chuyện đôi vợ chồng ở huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) mà anh chồng khi ly hôn đòi tiền ăn, tiền khám bệnh cho vợ. Chưa cần biết người vợ trong quá trình chung sống với chồng có làm ra đồng tiền nào không, nhưng dù cho cô ấy có không làm ra tiền thì cũng có công lo việc nhà nên anh chồng không thể đòi tiền ăn được.
Khi đòi tiền khám chữa bệnh cho vợ, anh chồng có bao giờ nghĩ rằng nếu không lấy anh ta thì người phụ nữ đó chắc gì đã ốm?
Có lý nào sự bất công như vậy lại có thể diễn ra ở xã hội hiện đại ngày nay?
Ấy vậy mà thay vì ngăn cản hành vi phản cảm, nếu không muốn nói là trái pháp luật của anh chồng, đại diện thôn, hội phụ nữ thôn, công an viên của xã lại đến làm chứng cho cuộc “trả nợ” của người phụ nữ đáng thương. Việc làm của những người này không chỉ phản cảm, mà còn có dấu hiệu tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Theo một số luật sư, việc giữ giấy tờ tùy thân của vợ, ép phải trả tiền có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản. Nếu cô vợ làm đơn tố giác tội phạm tới cơ quan công an, nhiều khả năng anh chồng sẽ phải đối mặt với rắc rối pháp lý. Ngay cả khi không phạm pháp, anh chồng kia nói riêng và những người đàn ông khác nói chung hãy cư xử sao cho xứng đáng là những đấng mày râu, những bậc trượng phu!