Người quê ra tỉnh
Vào 20h40 ngày 7/3, trên kênh VTV1 sẽ phát sóng chương trình Quán thanh xuân tháng 3 với chủ đề “Người quê ra tỉnh”.
Sau năm 1975, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển. Được sự chắt chiu, khuyến khích của bố mẹ, thế hệ 6x,7x lên thành phố để học tập, sinh sống, làm việc, mang theo cả nét đặc trưng riêng có của vùng quê mình. Những nét đặc trưng ấy tạo nên nhiều câu chuyện khóc- cười, kỷ niệm, thói quen không thể hoặc không muốn từ bỏ. Trên tất cả là sự tự hào về nét văn hoá đặc trưng từng vùng miền, tô thêm những sắc màu rực rỡ cho nơi phố thị sôi động. Và sau này, nét “nhà quê” ấy vẫn được giữ gìn và trân trọng.
Đúng với tên gọi chủ đề, khách mời của Quán thanh xuân kỳ này 100% gốc quê. Họ mang đến chương trình những sản vật của quê hương mình. NSND Thanh Ngoan mang theo món bánh cáy Thái Bình; NSND Trọng Trinh mang kẹo cu-đơ đặc sản Nghệ An. MC Thảo Vân mang cải ngồng xứ Lạng; Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương mang măng đắng Thái Nguyên; Nhà báo Hồ Viết Thịnh mang cá khô Nghệ An; Ca sĩ Phương Thanh mang nem chua Thanh Hóa, đặc biệt nem có tên là nem Thanh - vốn là sản phẩm start-up của một ca sĩ xứ Thanh khác - Trọng Tấn.
Dĩ nhiên, lý do cơ bản nhất để đến với thành phố chính là giấc mơ thoát ly, mang theo hy vọng cuộc đời sẽ thay đổi. Nhưng mỗi người sẽ có một lý do cụ thể khác nhau và câu chuyện của những sự ra đi ấy bao gồm nhiều cảm xúc, xen lẫn kịch tính. Đó là điều khán giả sẽ được biết qua chia sẻ của những vị khách mời của Quán thanh xuân tháng 3.
NSND Trọng Trinh được gửi lên Hà Nội khi vừa 18 tháng. Sống từ nhỏ giữa đất thành phố thế nhưng anh vẫn ấn tượng với hình ảnh trai phố thời đó về làng - những chàng áo sơmi trắng, dép nhựa, cài bút kim tinh, bật đài oang oang đi từ đầu làng đến cuối làng. Màn “đấu khẩu” của “trai quê” Trọng Trinh và “trai phố” Trần Lực là một nét sinh động của phần giao lưu khách mời, qua đó khán giả hình dung được phần nào mối quan hệ trong giới nghệ sĩ. Họ đều là những người say nghề, gắn bó với nhau bởi tình yêu nghề nghiệp và những mối đồng cảm tuy rằng cũng rất hài hước.
MC Thảo Vân kể câu chuyện đã từng suýt đi theo con đường văn công nhưng rồi số phận xen vào, chị trở thành người duy nhất trong gia đình có 8 anh chị em lên thành phố học đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Quyết định đó lại là của người anh rể Thảo Vân, một người từng du học Nga.
Lần đầu tiên khán giả được biết đến câu chuyện của ca sĩ Phương Thanh, cô bé Núi Nưa năm nào mới 4 tuổi đã được cha thả lên một chuyến tàu vào Nam, qua… cửa sổ. Cuộc sinh tồn hình như đã bắt đầu từ khi đó, bởi vậy giọng hát của Phương Thanh sau này chất chứa những nỗi niềm dĩ vãng, cả sự căng mình bươn chải để có thể vươn lên giữa đất thành phố nhiều thử thách.
NSND Thanh Ngoan 13 tuổi lên Hà Nội lần đầu. Chị khi nào cũng đinh ninh lời dặn của bố mọi điều đều phải theo tổ chức. Còn với nhà báo Quỳnh Hương, Hà Nội đặc trưng ở mùi phố, cái mùi mà vừa qua cầu Long Biên chị đã có thể cảm nhận được. Trong đó bao gồm cả mùi bếp dầu, mùi tủ lạnh… những đồ vật mà ở quê thời đó còn lạ lẫm. Lên Hà Nội để học đại học, những ngày đầu tiên của thời sinh viên chính là những ngày bỏ học, tự đạp xe đi khắp nơi để khám phá, hít hà… mùi Hà Nội. MC Thảo Vân thì giữ nguyên ấn tượng về người Hà Nội khi lần đầu đến nhà thày cô giáo người Hà Nội ăn bữa cơm ngon chưa từng thấy, nhưng mà “cái gì cũng ít, đặc biệt là thịt. Người Lạng Sơn không bao giờ bày những đĩa thịt bé xíu như thế”. Nhà báo Hồ Viết Thịnh lần đầu tiên lên Hà Nội nhập học và vẫy xe buýt, tự hỏi tại sao xe không dừng lại, phải mất 2 năm anh mới làm quen được với mạng lưới giao thông của Thủ đô.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, là những bươn chải mưu sinh. Ca sĩ Phương Thanh dù gia đình đã mua được căn nhà giữa đất thành phố nhưng vẫn phải làm đủ nghề để bám trụ nơi thành phố: bố bơm xe ở đầu ngõ, mẹ may quần áo cho văn công. Bản thân Phương Thanh cũng từng làm quen với công việc bán báo, bơm xe.
Trọng Trinh vẫn còn nhớ cảm giác bị chê là “nhà quê” so với những bạn bè thành phố, ăn mặc tha thướt thời bấy giờ. Đơn giản vì anh là con cán bộ, thời đó ai nấy đều nghèo, không như con nhà buôn bán có điều kiện. Chính điều đó cũng là động lực thúc đẩy anh chăm chỉ học chuyên môn, là lớp trưởng.
Nhà báo Hồ Viết Thịnh cho biết thời sinh viên anh phải đối mặt nhiều nhất với cái đói. Tình huống thì nhiều. Chả hạn, có 3 người bạn đến chơi mà nhà chỉ còn 3 quả trứng và 1 gói mì, phải làm sao? Chỉ còn 2 mớ rau mùng tơi, đun sôi thật nhiều nước thả vào húp cho no bụng. Hoặc cách ăn một khúc cả kho cả tuần không hết...
NSND Thanh Ngoan từng bị cảm giác nhớ nhà phát khóc, mà phải khóc lén. 6 tháng mới được về, những cô bé nghệ sĩ tương lai sợ nhất là trời mưa, mỗi lần mưa đều khóc vì mưa không nhìn thấy trăng mà lúc nào nhìn trăng cũng nghĩ là bố mẹ đang cùng nhìn. Những gói quà của mẹ gửi lên thành phố gói bằng lá chuối khô, buộc sợi rơm thơm, dùng hết quà để rơm lại để đỡ nhớ mẹ. Những thói quen “nhà quê” không bỏ: khẩu vị, âm sắc giọng nói, thói quen "tụ tập", họp hội đồng hương… Thảo Vân giờ vẫn thích mùi bếp củi, than hoa mẹ dự trữ mùa đông. NSND Trọng Trinh, thành viên tích cực của Hội Nghệ nhân (người Nghệ An) gặp nhau là nói tiếng Nghệ. Anh kể, mùi quê lạ lắm, có lần chở cha về quê, cha anh đang ốm thế mà khi xe đỗ ở bên bờ sông Lam ông lại thấy khoẻ hẳn ra. Dường như quê hương cội nguồn có một sức mạnh bí ẩn nào đó, khó lý giải.
Dù ở thành phố bao nhiêu năm, ai cũng muốn quay về quê, muốn làm điều gì đó cho quê hương… Thành danh ở phố nhưng dự định tương lai của Thanh Ngoan là sau này chị sẽ về quê, dạy miễn phí các làn điệu chèo, xẩm… ở trên mảnh đất quê mình. Bao năm xa quê nhưng NDNS Trọng Trinh vẫn theo dõi tình hình ở quê, bão lũ dịch bệnh ở miền Trung… Với nhà báo Hồ Viết Thịnh thì cụm từ “đồ nhà quê” - trước kia có thể mang nghĩa chê bai, nhưng giờ là cụm từ để chỉ những đồ thơm ngon, tươi sống, rất chất lượng và đáng quý...
Những người thành công ở thành phố, vẫn có những ký ức quê. Và những người nghệ sỹ có nghĩa vụ lưu giữ ký ức ấy ở góc nhìn trang trọng nhất, đẹp nhất và được chia sẻ cho tất cả mọi người, thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Và đó chính là cội nguồn của những bộ phim, các ca khúc có đề tài và mang âm hưởng đồng quê/nhà quê.
Âm nhạc của Quán thanh xuân tháng 3 là những ca khúc hướng về tình yêu quê hương, nguồn cội. Ở đó thấm đẫm nỗi nhớ nhung với miền quê gắn bó thời thơ ấu trong "Quê hương tuổi thơ tôi", sự bỡ ngỡ rời làng quê đi tìm chân trời mới trong "Cô Tấm ngày nay", và luôn hướng về quê hương yêu dấu với "Về quê", "Chân quê", "Xẩm 36 phố phường"... Đặc biệt, chất liệu âm nhạc trải dài từ dân gian đến hiện đại cùng phần thể hiện của các ca sĩ được yêu mến: NSND Thanh Ngoan, ca sĩ Trọng Tấn, Phương Thanh, Ngọc Khuê, Dương Hoàng Yến, Tạ Quang Thắng, Nguyễn Hải Yến, góp phần tô điểm thêm chủ đề "Người quê ra tỉnh".