Đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch
Sau Tết Nguyên đán thường là cao điểm của du lịch gắn liền với lễ hội đầu năm và văn hóa tâm linh. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để giảm thiểu tối đa thiệt hại cũng như đảm bảo môi trường du lịch an toàn, ngành du lịch nhiều tỉnh, thành đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Ninh Bình là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và môi trường sinh thái tự nhiên, do đó dịp đầu năm là thời điểm lượng du khách đến tham quan, du lịch tại địa phương tăng rất cao. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng khách về tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 80% với cùng kỳ năm ngoái. Riêng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, toàn tỉnh Ninh Bình đón 62.300 lượt khách du lịch, giảm 86,1% so với dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tạm dừng các tour du lịch đến và đi từ vùng có dịch để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người lao động làm việc tại đơn vị và cộng đồng cho đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Theo ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình: Việc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu, điểm du lịch sẽ góp phần xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện. Bà Hoàng Thị Thu Hường- Phó Trưởng ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An cho biết, để đảm bảo môi trường du lịch an toàn, Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Tràng An đã tổ chức phun thuốc khử khuẩn hàng ngày và trang bị dung dịch sát khuẩn tại các khu vực công cộng.
Bên cạnh việc đo thân nhiệt cho khách du lịch, Ban Quản lý cũng tăng cường cán bộ, nhân viên trực, kiểm soát, nhắc nhở khách du lịch, người lái đò đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay bằng nước khử khuẩn và giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Ngoài ra, cán bộ, nhân viên khu du lịch cũng thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của khách du lịch và người lao động để thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng khi có dấu hiệu như ho, sốt, khó thở…
Không chỉ ở Khu du lịch sinh thái Tràng An, nhiều các khu, điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu hành khách thực hiện các quy định như kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn trong suốt quá trình tham quan.
Tại Hà Nội, trong cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Hà Nội mới đây, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Sở đang xem xét đề xuất mở cửa lại các di tích, cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố. Hiện tại, nhiều khu quản lý di tích, cơ sở tôn giáo đề nghị được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, để bảo đảm thật sự an toàn, Sở dự kiến đề xuất cho mở cửa trở lại các di tích từ ngày 8/3, khi đủ 21 ngày thành phố không ghi nhận ca mắc mới.
Trước đó, bà Đặng Hương Giang- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Năm 2020, lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2019, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, lưu trú, vận chuyển bị thiệt hại phải tạm dừng hoặc không hoạt động. Do đó, năm 2021, ngành Du lịch Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực vào thúc đẩy thị trường nội địa; trong đó chú trọng tuyên truyền quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông; xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch mới kích cầu du lịch nội địa; tập trung xây dựng, triển khai các chuỗi sự kiện lễ hội du lịch đặc sắc, nổi bật về ẩm thực, lễ hội áo dài.. Bên cạnh sự thay đổi đó, Hà Nội cũng tập trung tuyên truyền phổ biến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho các địa điểm văn hóa, du lịch; đảm bảo phát triển du lịch an toàn…
Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới, thời gian tới, trong ngắn hạn, thị trường nội địa vẫn sẽ là hướng khai thác chủ đạo. Tổng cục Du lịch tập trung vào công tác chống dịch, đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch, đặt an toàn của du khách, người dân, người lao động du lịch lên trên hết. Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch các địa phương, khai thác hiệu quả thị trường nội địa, chú ý phát triển các điểm đến mới đang có dư địa phát triển, có sản phẩm du lịch hấp dẫn, từ đó làm động lực lan tỏa ra các khu vực, địa phương khác. Ngành du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh; Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch; Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để kịp thời khai thác có hiệu quả thị trường khách quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu….
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch triển khai lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển trong tình hình mới.