‘Vì nụ cười phụ nữ’
Hôm nay, ngày 8/3, thế giới kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021). Ngày Quốc tế phụ nữ năm nay diễn ra trong bối cảnh thật đặc biệt: Đại dịch Covid-19 diễn ra gay gắt trên phạm vi toàn cầu, trong đó phụ nữ lại là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất vì trên vai nặng gánh gia đình và công việc xã hội.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), do tác động của đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2020 là 12,1%, cao hơn mức thất nghiệp trung bình của khu vực (10,7%). Điều này đồng nghĩa với việc có thêm khoảng 1,1 triệu phụ nữ ở đây gia nhập đội quân thất nghiệp chỉ trong vòng 1 năm.
Nói như Giám đốc ILO khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Vinicius Pinheiro, thì cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội do đại dịch gây ra đã làm trầm trọng thêm khoảng cách giới trong thị trường lao động của khu vực, kéo hàng triệu phụ nữ ra khỏi lực lượng lao động và đảo ngược những tiến bộ trước đó đã đạt được từ rất nhiều cố gắng. Trên thực tế, đại dịch cũng đã làm gia tăng căng thẳng liên quan đến việc dung hòa giữa công việc và trách nhiệm gia đình đối với phụ nữ. Do quá tải với công việc nội trợ phụ nữ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn.
ILO cũng cho biết, năm 2020 đã chứng kiến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ sụt giảm nghiêm trọng: từ 54%, xuống chỉ còn 46,4%.
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ, mới đây Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đã đưa ra lời cảnh báo và kêu gọi các nước phải hành động để đại dịch Covid-19 không khiến thế giới rơi trở lại những khuôn mẫu giới tính cũ. Bà Merkel cho rằng cuộc khủng hoảng y tế này đã tác động tới phụ nữ một cách bất công. Trong khó khăn do đại dịch gây ra, phụ nữ lại là người phải đảm bảo cân bằng giữa việc dạy trẻ học ở nhà, phải chăm sóc chúng kĩ lưỡng hơn rất nhiều. Phụ nữ cũng là nhân lực chính tại các bệnh viện, cơ sở y tế, nhà dưỡng lão... tại thời điểm mà những công việc này phải đối mặt với những thách thức đặc biệt.
Còn trong một báo cáo gần đây của Liên minh châu Âu (EU) về bình đẳng giới, đại dịch Covid-19 “đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống”. Báo cáo cho rằng, có thể phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để vượt qua những bước thụt lùi trong bình đẳng giới do đại dịch Covid-19 gây ra.
Với Việt Nam, mỗi năm chúng ta có hai ngày tôn vinh phụ nữ. Đó là Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và ngày 20/10, ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Ngày Quốc tế phụ nữ năm nay đến với Việt Nam ta cũng không ngoại lệ với thế giới trước đại dịch Covid-19. Và thật tự hào, trong suốt hơn một năm ròng rã chống dịch, phụ nữ Việt Nam lại thêm một lần chứng tỏ vị trí, vai trò hết sức to lớn. Trong các bệnh viện, các cơ sở y tế, phụ nữ chiếm đa số. Các chị nắm giữ nhiều khâu quan trọng, từ quản lý, điều hành cho đến chuyên môn sâu, y tá, điều dưỡng. Những ngày căng thẳng chống dịch, có nữ bác sĩ hoãn cưới đến 3 lần. Đó là bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh). Cả 3 lần chị đều xung phong vào khu cách ly điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Còn với trường hợp bác sĩ Tô Trinh Nương (Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng), người làm việc không quản ngày đêm khi mà huyện có tới 7/13 xã biên giới… Họ là những nữ anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng, chiến đấu với “giặc Covid” để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, phụ nữ Việt Nam hôm nay có vai trò xứng đáng trong xã hội, trong công cuộc dựng xây đất nước. Ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề đều có các mẹ, các chị, các em. Nơi nào khó khăn vất vả nhất thì cũng đều có những “bóng hồng”. Gánh trên vai việc nhà việc nước, họ là những người thật đáng trân trọng.
Nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ năm nay, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng cùng Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, khởi động chiến dịch “Vì nụ cười phụ nữ”. Chương trình nhằm hưởng ứng chủ đề Ngày Quốc tế phụ nữ năm 2021: “Hành trình phụ nữ trong lãnh đạo: Xây dựng tương lai bình đẳng mới trong thế giới Covid-19”. “Vì nụ cười phụ nữ” cũng nhằm mục đích khích lệ phụ nữ chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đó là hoạt động rất nhiều ý nghĩa. Nhưng, chúng ta mong muốn rằng, hằng năm nước ta không chỉ có hai ngày tôn vinh phụ nữ (ngày 8/3 và 20/10), mà mỗi ngày lại thêm nhận thức sâu sắc về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Từ tấm gương vằng vặc của Bà Trưng, Bà Triệu lẫm liệt cho đến hàng trăm ngàn bà Mẹ Việt Nam anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng đã lặng thầm hiến dâng những người thân yêu nhất vì sự trường tồn của dân tộc. Và hôm nay trong tất cả các ngành nghề, trên tất cả các lĩnh vực đều có đóng góp to lớn của người phụ nữ Việt Nam.
“Vì nụ cười phụ nữ”, hãy làm tất cả những gì có thể để phần nào đáp lại công ơn mà mẹ ta, chị ta, em ta đã bình dị đóng góp. Hãy để phụ nữ Việt Nam, như những bông hoa mãi rạng rỡ và ngát hương.