Trách nhiệm của người giới thiệu
Hiện các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị đang lấy ý kiến cử tri để giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết về vấn đề này.
Về các hướng dẫn và quy định của lần bầu cử này, theo ông Bùi Văn Xuyền, về cơ bản vẫn kế thừa, từ trình tự, thủ tục để giới thiệu, hiệp thương người ứng cử, rồi quy trình bầu cử vẫn theo nguyên tắc như trước đây. Song theo Luật Tổ chức Quốc hội mới sửa đổi đã có một vài điểm mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND.
Theo đó Luật quy định nâng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách, còn giảm ĐBQH ở các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới địa phương và tăng ĐBQH làm việc ở các cơ quan tổ chức bên ngoài xã hội, đại diện cho các tầng lớp dân cư, đại diện cho các vùng miền để tham gia vào Quốc hội và HĐND. Đó là những quy định mới để nâng cao chất lượng ĐBQH và đại biểu HĐND.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn, tiêu chí lần này cũng đặt ra cao hơn. Ví như ĐBQH hoạt động chuyên trách phải tuân theo hướng dẫn rất chặt chẽ của Ban Tổ chức Trung ương. Thứ nhất phải qua quy hoạch. Thứ hai, các tiêu chuẩn tiêu chí cũng phải đạt yêu cầu đặt ra như: Người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách thì ở cấp tỉnh phải là Giám đốc Sở, hoặc tương đương Giám đốc Sở trở lên.
Còn nếu ở cấp Trung ương thì phải là Vụ trưởng và có quy hoạch Thứ trưởng. Đó là tiêu chí mà lần này khác so với các lần trước, chặt chẽ hơn. Nếu như người đó không đạt các tiêu chí trên thì phải có xem xét, cân nhắc và có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho phép ứng cử. Nói vậy để thấy lần này tiêu chuẩn, tiêu chí được nâng lên rất cao, quy trình rất chặt chẽ, tất cả người ứng cử phải nằm trong quy hoạch mới được giới thiệu.
Vẫn theo ông Xuyền, điều quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan đơn vị tổ chức được phân bổ đại biểu phải lựa chọn, giới thiệu được các ứng cử viên đều có năng lực trình độ giỏi, tránh việc chọn người cao, người thấp để làm “quân xanh, quân đỏ”.
Trong lựa chọn làm sao dân chủ, khách quan, lựa chọn được người xứng đáng, không vì “cái nọ cái kia”. Làm công tác tổ chức phải thực sự khách quan, công tâm và dân chủ, lựa chọn đúng người, không chỉ vì cơ cấu.
Trường hợp cơ cấu nhưng không tìm được người đủ tiêu chuẩn thì có thể thay thế, không để chỉ vì cơ cấu mà lựa chọn người không đủ tiêu chí, điều kiện. Như thế sẽ làm giảm chất lượng đại biểu. Phải khẳng định rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và MTTQ rất sát sao, chặt chẽ, dân chủ. Từ đó mới lựa chọn được người tốt đủ điều kiện.
PV: Thưa ông, cơ cấu là cần thiết nhưng nhiều ý kiến cho rằng tiêu chuẩn phải được đặt lên hàng đầu. Ý kiến của ông?
Ông Bùi Văn Xuyền: Như tôi đã nói, tiêu chuẩn phải đặt lên hàng đầu. Song chúng ta cũng phải đảm bảo yếu tố cơ cấu. Bởi nếu không sẽ chỉ tập trung vào một số thành phần, như vậy không đảm bảo cơ cấu của Quốc hội và HĐND. Tôi nói ví dụ cơ cấu trẻ tuổi thì phải lựa chọn được những người trẻ tuổi, và chúng ta có thể giao cho Đoàn Thanh niên lựa chọn người có đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định. Còn lựa chọn ai, thì trách nhiệm thuộc về tổ chức, đơn vị đó.
Hiện để giới thiệu người của tổ chức, đơn vị ứng cử ĐBQH phải trải qua quy trình “3 bước”. Ông nghĩ với 3 bước đó đã chặt chẽ?
-Các bước đó là những bước hiệp thương ban đầu để xem uy tín, sự tín nhiệm của anh. Tức là ngay từ ban đầu, anh đã phải có sự tín nhiệm của cử tri ngay tại nơi mình công tác và nơi cư trú. Người của tổ chức, người của Đảng cử ra để bầu nhưng cử tri cũng có quyền tham vấn. Rồi quá trình hiệp thương, lựa chọn, sau đó mới chọn ra được và để lại số dư theo đúng quy định.
Có cần phải quy trách nhiệm rõ ràng đối với cơ quan, tổ chức giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Nếu người đó về sau có “vấn đề” thì người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm, thưa ông?
-Trách nhiệm chính thuộc về cơ quan, tổ chức được phân bổ chỉ tiêu giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Anh được phân bổ và lựa chọn người thì cần căn cứ vào các tiêu chuẩn, phải lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn theo quy định. Các cơ chế, trình tự thủ tục đã được quy định rồi nên nhiệm vụ của người đứng đầu là lựa chọn những người có năng lực, trình độ để tham gia làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Các tiêu chuẩn tiêu chí đã theo quy định của luật. Vấn đề là làm sao đảm bảo cơ cấu ở các vùng miền, thành phần, tổ chức chính trị - xã hội, những đơn vị trong hệ thống chính trị. Đã có cơ cấu, tiêu chuẩn, số lượng phân bổ thì căn cứ vào đó để lựa chọn. Nếu chặt chẽ sát sao, trách nhiệm sẽ chọn được người tốt. Chứ “giao khoán” muốn chọn ai thì chọn là không được. Nếu người được giới thiệu tốt, chắc chắn họ sẽ có uy tín trong cộng đồng, nhân dân.
Trân trọng cảm ơn ông!