Nhà văn Thuỳ Dương: Cú sốc dịch bệnh là cơ hội tự vấn chính mình
Nhà văn Thuỳ Dương - Tổng biên tập Tạp chí Thương gia, tâm sự với Tinh hoa Việt cảm xúc về những ngày tháng trải nghiệm đầy đặc biệt khi cả thế giới bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Trong một tâm hồn văn chương thẳm sâu và tinh tế, chị cho rằng đại dịch dường như là số phận mà loài người phải đối diện để điều chỉnh mình. Cũng như trong sự khốn khó đau buồn này, nhân loại sẽ học được bài học để cần nhau hơn…
PV:Chúng ta vừa một trải qua một cái Tết nhiều cảm xúc đan xen. Tâm trạng của riêng nhà văn thì như thế nào?
Nhà văn Thuỳ Dương: Một cái tết khác biệt khiến tôi có dịp nhìn mọi thứ dưới một ánh sáng khác, một góc nhìn khác một góc nhìn khác cẩn thận, bình tĩnh và sâu lắng hơn. Tôi không về được hai quê - Hải Dương và Quy Nhơn như mọi năm. Thường thì trước tết và ngày mồng hai cả nhà tôi sẽ về Hải Dương đoàn tụ với đại gia đình – hơn 30 người. Chúng tôi luôn có một cái tết vui đầm ấm và đúng nghĩa Tết như ngày ông bà nội tôi còn sống. Sẽ có màn đến từng nhà cô chú chúc Tết, ăn Tết ở một nhà “được chọn” rồi chụp ảnh đại gia đình trước căn nhà của ông bà nội mà giờ bố và chú ruột tôi ở. Bức ảnh luôn lưu lại ở các gia đình từng năm!
Ra giêng lại bay vào Quy Nhơn sum họp cùng gia đình bên nội của các con với nắng và gió biển tưng bừng…
Vậy mà Tết này – đơn giản nhất một cách có thể - trừ việc mua hoa, đào và quất bởi với tôi có đào có quất là thấy Tết. Tôi luôn cho rằng phải giữ không khí xuân một cách trọn vẹn – ngay từ trong tâm mình. Dịp Tết không chỉ là đi mua hoa mà là đi thưởng hoa, chơi chợ, ngắm mọi người trong những giờ phút háo hức đón Tết. Còn trong mấy ngày Tết đáng nhớ vừa qua đành chỉ biết nhờ công nghệ giúp tôi kết nối với cha mẹ, cô chú, họ hàng và bạn bè…
Tôi nhận ra và thấm thía một điều rằng cuộc sống thay đổi không ngừng và chúng ta phải thay đổi theo nó. Không ai ngờ rằng hơn một năm nay nhân loại sống trong sự cảnh giác, phập phồng và lo sợ và đón năm mới trong âu lo như thế! Vậy mà điều đó đã xảy ra. Con người sống trong thời đại này phải chuẩn bị nhiều thứ, lo lắng nhiều hơn, thích ứng nhanh hơn… Ở trong nhà những ngày Tết trong này càng khiến tôi nhớ những năm tháng êm đềm khi xưa. 30 Tết dường như năm nào cũng nắng to cho mọi người dọn nhà, giặt giũ, phơi phóng. Ông nội tôi bắc bếp đun nồi bánh chưng từ đêm trước, trong đó luôn có những chiếc bánh chưng be bé dành cho chị em tôi. Bố đang mổ gà, mẹ nấu xôi chè chuẩn bị cúng giao thừa, bà tôi dù đi lại khó khăn vẫn cố dọn dẹp trong nhà, nụ cười thật hiền. Tôi và cô út lo là quần áo cho cả nhà diện Tết mà chốc chốc không đừng được chạy ra sân, xuống bếp sốt ruột chờ vớt bánh, xem chú và cậu em buộc bánh pháo trên cành xoan trên hè phố… Cái không khí ấm áp rạo rực, tưng bừng từ trong nhà ra sân ra khắp phố xá. Tết nào ông nội tôi cũng có nồi cá kho thật nhừ, có mắm rươi ăn với thịt luộc ba chỉ ngoài các món truyền thống giò, chả, măng miến, bóng bì… Ngày thường dù khó khăn thiếu thốn nhưng ba ngày Tết phải cỗ bàn đủ đầy. Rồi cả nhà sực nức mùi hương của nồi lá mùi già đến nỗi tận bây giờ tôi năm nào cũng chọn mua kỳ được nắm mùi già chi chit quả, đun sực nức khắp nhà để nhớ lại hương vị Tết xưa.
Đấy, mọi thứ có thể thay đổi, có thể bắt ta phải lựa chọn những ký ức mãi là của ta mà ta có quyền gìn giữ, truyền lại cho thế hệ sau. Và chính ký ức làm nên mỗi người khác biệt và cũng đầy nhân văn.
Covid-19, theo chị, đã thay đổi chúng ta như thế nào, trong quan niệm sống và nó cũng đã giúp bộc lộ những điều gì về tâm lý con người thời hiện đại?
- Trước Tết, khi dịch chưa bùng phát ở TP Hải Dương, tôi băn khoăn mãi với câu hỏi về hay không về? Bố mẹ tôi nhiều tuổi lại nhiều bệnh nền, ông bà tự cách ly từ rất sớm và động viên: “Bố mẹ không sao vẫn ổn đừng lo, vắng con cháu có buồn hơn nhưng như thế an toàn hơn. Ai ở đâu thì ở yên đấy – Chính phủ đã khuyến cáo rồi…”
Hóa ra chính bố mẹ đã giúp tôi quyết định cái điều khó khăn ấy khi nhắc nhở tôi về sự chấp nhận thực tế, ý thức bảo vệ mình và người khác… Đôi khi con người hay bị chi phối bởi cảm xúc, tôi cũng thế, chính đại dịch này khiến chúng ta biết điều chỉnh mình hơn; Bớt đi những ồn ào phô trương không đáng có, sống chậm lại, dành thời gian cho việc nhìn sâu vào nội tâm mình, biết cân nhắc giữa cái gì là nhất thời và cái gì bền vững mãi. Tôi có khoảng thời gian nói chuyện nhiều hơn với bố mẹ với má chồng của mình (gần như ngày nào cũng nói chuyện qua điện thoại)… Chợt nhận ra con người thực ra cũng không cần quá nhiều về vật chất nhưng vẫn luôn luôn cần những giá trị tinh thần ngay từ những điều nhỏ nhất. Dường như đôi lúc chúng ta nghĩ rằng chăm lo cho ai đó đầy đủ về cuộc sống vật chất là đã đủ giờ mới nhận ra sự thiếu thốn về tinh thần mới đáng sợ hơn…
Phải chăng lâu nay chúng ta quá đề cao nhiều giá trị vật chất, đuổi theo nó trong một cuộc chạy việt dã không cân sức và khi đã có lại muốn có nhiều hơn… Con người trở nên tham lam, lòng tham lấn át khiến cho những giá trị tinh thần không còn được quá đề cao và điều đau xót là đôi khi cái thiện cũng vì thế bị cắt giảm đi…
Thời gian với cú sốc dịch bệnh này, chúng ta có cơ hội tự soi xét mình, tự vấn chính mình. Dường như đây chính là số phận mà loài người phải đối diện để có sự thay đổi điều chỉnh mình… Chúng ta là ai - ở đâu đến – có ý nghĩa thế nào trong cái thiên hà rộng lớn này? Câu hỏi ấy một lần nữa lại vang lên bên tai Con Người - phải không?
Cho dù tất cả chúng ta đã trải qua cả một năm trời chứng kiến nỗi kinh hoàng khi đại dịch hoành hành trên toàn thế giới nhưng với riêng chị là một người con của quê hương Hải Dương, chắc chắn những ngày qua, dịch Covid-19 tác động sâu sắc hơn tới cảm xúc của chị, trong tâm thế của một nhà văn?
- Thời gian sống chậm lại khiến tôi và nhiều người nhận thấy cuộc sống của mình giản dị hơn, ít đòi hỏi hơn. Nghiêm túc nhìn nhận thì hóa ra những nhu cầu của chúng ta đâu có nhiều nhặn gì lắm. Nhà cửa, xe pháo, quần áo, đồ hiệu… Có lúc sẽ chả có ý nghĩa gì so với trang sách, mấy nhành hoa, chồi cây hay cánh bướm mỏng manh, tiếng con ong bé nhỏ rù rì ngay bên vào một buổi sáng trong vắt…Và ngoài kia nạn dịch cái con virus bé xíu không nhìn được bằng mắt thường đang làm cả cái thế giới to lớn đầy bon chen, đầy hào nhoáng mà đồ vật đang che lấp chính con người cũng phải chao đảo run rẩy! Điều ấy nói với chúng ta những gì? Đấy, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ vậy. Ngay dịp này tôi xem một bộ phim “Thu nhỏ” và thấy thật tâm đắc – có lẽ khi con người được “thu nhỏ” lại trong cả hình hài lẫn nhu cầu của nó, thế giới sẽ trở nên dễ thở và yên bình hơn chăng? Sẽ chẳng bị biến đổi khí hậu, chẳng lo tầng ô zôn bị thủng hay băng Bắc cực tan chảy! Đã đến lúc chúng ta phải xem lại chính sự tồn tại của mình, xem lại cách ngạo nghễ “làm chủ thiên nhiên” và coi mình hơn cả Thượng đế… Con người thực ra dễ tổn thương hơn chúng ta tưởng và con người hiện đại lại càng dễ tổn thương. Cuộc sống đầy đủ về vật chất lại càng khiến con người dễ đi vào bế tắc. Sự hành hạ lẫn nhau, sự tha hóa, sự hủy diệt người khác cũng như chính mình… diễn ra mỗi ngày. Có những điều bất an nào đó trong thực thể xã hội đẩy con người đến chỗ tuyệt vọng - đến mức những người trẻ khỏe lại rất dễ buông mình kết liễu cuộc sống! Sức khỏe tinh thần và nhìn nhận thấu đáo đang cần mỗi người cũng như xã hội quan tâm đặc biệt. Cũng không có gì lạ lùng khi xu hướng “sống tối giản” đã manh nha và lôi cuốn được nhiều người. Với cá nhân tôi – trong thời dịch giã này thấy đó cũng là điều thú vị - nên theo.
Mạng xã hội, thưa chị, mỗi khi xã hội có sự cố, thì nó giúp hàn gắn hay chia rẽ chúng ta?
- Cái gì cũng có hai mặt trở lên và mạng xã hội cũng vậy. Nó vừa chia rẽ và hàn gắn chúng ta. Tôi thấy điều đó là bình thường. Cái bất bình thường là chúng ta trở nên quá khích. Không có cái gì tuyệt đối tốt hay tuyệt đối xấu. Điều quan trọng là chúng ta lấy được ở chính những điều tốt - xấu đó bài học gì và dùng nó để thay đổi mình, thay đổi cuộc sống ra sao. Chẳng bao giờ bạn đòi hỏi được sự nhất quán tuyệt đối trong một sự việc nào. Đó là điều không tưởng giống như chúng ta phải chấp nhận cuộc sống với tất cả những vui buồn may mắn cũng như rủi ro… “Cuộc sống là thế - biết làm sao được!” Tất cả những điều này tôi đã nhận ra từ khi còn là một cô bé và nhiều lần thốt ra như một bà cụ non kia.
Nhưng tôi vẫn tin rằng, dù vừa chia rẽ và hàn gắn, thì cuộc sống cuối cùng vẫn làm tròn phận sự của nó - khiến chúng ta trở nên nhạy cảm hơn, ý thức hơn và biết học hỏi để trưởng thành hơn. Dù đôi khi sự trưởng thành đó phải trả giá đắt và mất quá nhiều thời gian!
Nhà văn Thuỳ Dương đã xuất bản 7 tập truyện ngắn và 5 cuốn tiểu thuyết.
Giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2004 cho tiểu thuyết “Ngụ cư”.
Giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2009 cho tiểu thuyết “Thức giấc”.
Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2010 cho tiểu thuyết “Nhân gian”.
Giải thưởng truyện ngắn báo Văn nghệ, báo Phụ nữ TPHCM, báo Thiếu niên Tiền phong...
Giữa tất cả những chộn rộn của đời sống này, đọc những gì chị viết, vẫn thấy một giọng văn và tâm hồn trong trẻo, ngay cả nhan sắc, ở tuổi của chị cũng hiếm người giữ được sự trẻ trung đến thế. Đâu là bí quyết, thưa nhà văn?
- Cảm ơn bạn vì nhận xét ưu ái đó. Tôi thuộc tuýp người lạc quan và luôn tin vào con người, tin vào những câu chuyện cổ tích có hậu. Nếu không tin thế cuộc sống sao còn ý nghĩa? Nếu không tin thế làm sao có đủ sức để đi trên con đường đời gồm cả hoa hồng và cả những chông gai? Con người nếu không có đức tin thì khó sống lắm phải không! Tôi cũng không ít lần bị cảm giác đánh lừa và gặp sai lầm vì chính sự cả tin của mình. Nhưng điều đó chưa bao giờ khiến tôi mất lòng tin vào con người bởi xung quanh tôi có rất nhiều người tốt. Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống học hành, được dạy dỗ và yêu thương, tôi có một gia đình nhỏ đầm ấm và hạnh phúc, tôi có nhiều bạn bè tử tế, chân thành, có công việc mình yêu thích… Chính điều đó khiến tâm hồn và những trang viết của tôi luôn ấm áp đầy yêu thương. Tôi vẫn luôn cho rằng đó là sự may mắn mà ơn trên đã ban tặng!
Chúng ta vẫn biết văn chương cần độ lùi, nhưng trong tư cách một bạn đọc, tôi thấy hơi sốt ruột khi thời điểm này văn chương nước nhà ít tác phẩm đình đám, trong khi sự ngổn ngang của đời sống thì tràn ngập mỗi ngày. Điều mong chờ này chúng ta từng chứng kiến sau Đổi mới với sự nở rộ của văn chương thời kỳ ấy với nhiều tác phẩm và tác giả được bạn đọc đón nhận đầy hân hoan. Chị có thể chia sẻ gì về điều này không?
- Thật khó mà không sốt ruột nhưng văn chương không giống như báo chí, sẽ có độ lùi cần thiết, sẽ có những nhà văn đang thai nghén ấp ủ hoặc đang trong cơn “lên đồng”... Tôi vẫn hy vọng và chờ đợi những tác phẩm của chính thời kỳ này. Như một trái núi - phải có lúc lùi xa mới nhận thấy đầy đủ tầm vóc của nó. Mà biết đâu đấy đã có những tác phẩm xứng tầm rồi mà chúng ta chưa nhận thấy thì sao? Văn chương là chuyện đường dài, là ngọn lửa được nhóm lên trong lò để lên men và chưng cất để rồi một ngày nào đó, chúng ta hoặc những người sau thưởng thức thứ rượu nồng say chẳng giống trước cũng chẳng giống sau? Cái gì cũng có thời của nó - cái gì cũng phải xuất hiện đúng lúc như nó cần phải thế. Như một cuộc chạy tiếp sức - mỗi người một chặng đường, một khám phá và thẩm thấu thời đại của mình để trao cho người sau….
Cá nhân chị có dự định gì trong sáng tác ở thời điểm này không?
- Tôi đang viết dở cuốn tiểu thuyết mà những nhân vật của tôi - cuộc đời hiện lên rõ ràng sắc nét qua những ngày cách ly vì đại dịch. Thực ra, dịch bệnh cũng chỉ là cái cớ để họ bộc lộ tất cả con người mình: tình yêu, sự phản trắc, sự cô đơn… Tôi cứ nghĩ sẽ viết nhanh mà rồi công việc làm báo khiến mình phân tâm mà báo chí thì đang trong giai đoạn khó khăn thế. Tôi dự định viết nốt cuốn tiểu thiết thứ bảy này rồi quay về viết cho thiếu nhi - cơ duyên đầu tiên kéo tôi đến với văn chương. Những trang viết cho con trẻ luôn ấm áp, trong trẻo đầy yêu thương và mang đến cho trái tim mình sự êm dịu nhất.
Công việc Tổng biên tập một tờ tạp chí đã chi phối và bổ sung cho việc viết văn như thế nào?
- Làm báo mà lại là báo kinh tế cũng có nhiều cái để nói, nhất là được tiếp xúc với tầng lớp đã trở thành “nhân vật trung tâm” của thời đại thì trải nghiệm ấy thật đáng quý. Thêm nữa làm báo bây giờ khác trước kia, khác nhau từng ngày từng tháng… May là bên tôi có nhiều người trẻ. Thời này là thời của họ, của công nghệ, của số hóa… May mắn làm việc với những người trẻ trung năng động để tôi được học hỏi, được thấy mình “trẻ lại” phần nào. Thời gian tất nhiên bị “chia” cho báo nhiều nhưng nó khiến tôi thấy được “đẫm” mình vào cuộc sống sôi động, thấy mình còn cần thiết và tự thấy phải nỗ lực vươn lên mỗi ngày.
Cuối cùng, chị có thể chia sẻ gì thêm suy nghĩ của chị về mạng xã hội, về công việc làm báo và những đan xen cảm xúc trong những ngày tháng này không?
- Có thể nói ngắn gọn thế này thôi - vượt lên tất cả những tháng ngày khắc nghiệt đặc biệt này là tình yêu thương. Mọi người lúc bình thường cứ tưởng như “ai biết phận nấy” giờ đây quan tâm, chia sẻ và lo lắng cho nhau nhiều hơn. Trên mạng xã hội hay trên đường phố, ai ai cũng hướng về Hải Dương quê tôi. Sáng nay một chị lớn tuổi ở cơ quan tôi đến tòa soạn với một bọc lỉnh kỉnh rau chia cho mọi người. Chị ấy nói mà không cầm được nước mắt khi vừa đi qua một điểm bán rau ủng hộ bà con nông dân Hải Dương “Rất nhiều người cùng đến mua. Dân mình thương nhau thật…”. Đại dịch rồi sẽ qua đi, khó khăn vất vả cũng sẽ vơi bớt, nhưng chắc chắn cái còn lại vĩnh viễn đó là tình yêu thương mà con người đã có và đã chia sẻ với nhau, với cuộc đời và với thế gian này. Điều ấy sẽ vượt lên trên tất cả. Và nói như Hemingway – trong sự khốn khó đau buồn này, nhân loại sẽ học được bài học để cần nhau hơn, ràng buộc và trở thành không thể thiếu nhau, không thể tách rời: “Mặc dù yếu ớt nhưng trái tim của cả nhân loại đang bắt đầu đập như một chính thể!”
Xin cảm ơn chị!