Triển khai chương trình lớp 2, lớp 6: Chú trọng thực nghiệm sách giáo khoa

Lam Nhi 09/03/2021 06:35

Từ kinh nghiệm triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở lớp 1, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GDĐT quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng cần chú trọng việc dạy thực nghiệm bởi khi triển khai trên thực tế mới nhìn ra được các vấn đề còn tồn tại, hạn chế để sửa đổi.

Quận Tây Hồ dự kiến sẽ triển khai dạy thực nghiệm trên diện rộng, ở tất cả các trường với giáo viên được phân công dạy lớp 2 và lớp 6 năm học sau.

Ảnh minh họa.

Mở rộng thực nghiệm

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GDĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: Khi nhận được đường link sách giáo khoa (SGK) của lớp 2 và lớp 6 hồi cuối tháng 2, Phòng đã ngay lập tức triển khai xuống các trường để giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 đọc và nghiên cứu. Hiện nay thầy và trò đã trở lại trường, các cô giáo sẽ vừa dạy học, vừa đảm bảo giãn cách, vừa triển khai tập huấn chương trình GDPT mới của lớp 2 và lớp 6. Dự kiến, khoảng 10/3, phòng GDĐT quận Tây Hồ sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng SGK mới với sự tham gia của các NXB, các tác giả biên soạn sách.

“Quan điểm của Phòng là tập huấn trong thời gian ngắn còn dành thời lượng để các trường triển khai dạy thực nghiệm vào chương trình, SGK luôn với sự góp ý của các chuyên gia”- ông Vũ nhấn mạnh.

Thay vì triển khai tại một vài trường điểm, dự kiến quận Tây Hồ sẽ triển khai dạy thử nghiệm ở tất cả các trường trên địa bàn bởi học sinh mỗi khu vực là khác nhau, SGK được chọn là để sử dụng trên toàn quận. Vì vậy, càng thực nghiệm được trên diện rộng càng có lợi cho việc phát hiện những sai sót nếu có hoặc rút kinh nghiệm khi giảng dạy trong năm học.

Tại TP Hồ Chí Minh, quá trình dạy thử nghiệm SGK cho năm học mới, cụ thể là sách lớp 2 và lớp 6 đã được triển khai từ tháng 1/2021. Trong đó, mỗi quận, huyện sẽ dạy thử một số môn. Đại diện Phòng GDĐT quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh cho biết quận Tân Phú được chọn dạy thử nghiệm 2 môn là đạo đức và tự nhiên xã hội lớp 2 thuộc bộ SGK “Chân trời sáng tạo”. Quá trình dạy thử nghiệm là sự tương tác trực tiếp giữa nhóm tác giả bộ SGK và các giáo viên. Ban giám hiệu các trường cũng như phòng GDĐT không góp ý và đưa ra tổng kết gì. Vì mỗi quận, huyện chỉ chọn một số trường và dạy một số môn trong khi quá trình thực nghiệm là dạy tất cả các môn của cùng một bộ sách nên quá trình này chỉ để giáo viên dựa theo SGK xây dựng kế hoạch giảng dạy, SGK chỉ như một công cụ tổ chức bài giảng.

Theo hiệu trưởng các trường được chọn dạy thử nghiệm, quá trình thử nghiệm không phải để đánh giá hay đưa ra kết luận gì về SGK mà mục đích để giáo viên làm quen với phương pháp dạy cũng như chủ động xây dựng kế hoạch bài giảng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ quốc gia về hỗ trợ đổi mới GDPT, cho rằng thực nghiệm SGK mới càng lâu, diện càng rộng thì càng tốt, tránh được mọi sai sót và cơ hội có được bộ sách chất lượng tốt là khả thi. Từ tháng 9/2020 đã thẩm định xong vòng 1 sách lớp 2 và lớp 6, vì vậy nên triển khai dạy thực nghiệm rộng rãi ít nhất được 8 tháng, cho tới tháng 5/2021, trước khi in và ban hành chính thức cho năm học 2021 - 2022. Với cách làm “gối vụ” như thế này thì tất cả sách trước khi ban hành dạy đại trà đều được thực nghiệm một cách có bài bản.

Về SGK, quận Tây Hồ xác định đây chỉ là một trong những tài liệu dạy học, quan trọng nhất là chương trình và phương pháp dạy học đã được tập huấn từ trước nên dù sau này, thành phố Hà Nội quyết định chọn SGK nào để giảng dạy thì giáo viên cũng đều có thể yên tâm giảng dạy. Thậm chí, giáo viên có thể tham khảo thêm các SGK khác đã được Bộ GDĐT phê duyệt để làm phong phú ngữ liệu dạy học cũng như tăng tính sinh động của tiết học.

Công khai quá trình thực nghiệm

Tính đến thời điểm này, Bộ GDĐT vẫn chưa công bố quá trình thực nghiệm các bộ SGK mới thế nào, trong khi thời gian đến năm học mới không còn nhiều. Trước đây, khi chương trình phổ thông năm 2000 triển khai, quá trình dạy thực nghiệm phải tiến hành gần 2 năm. Đối với SGK lớp 1 đã có những sai sót trong sách Tiếng Việt của hầu hết các bộ sách được phê duyệt và triển khai giảng dạy cho thấy tầm quan trọng của việc dạy thực nghiệm đối với SGK nói riêng cũng như bất cứ một công trình nghiên cứu nào.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc thực nghiệm đối với bất cứ một công trình khoa học nào trước khi đưa vào thực tế là rất quan trọng. Đầu tiên là tiến hành thực nghiệm khoa học trong phòng thí nghiệm, sau đó đến thực nghiệm ứng dụng (trên phạm vi hẹp rồi rộng hơn có ngẫu nhiên, so sánh) đến khi đủ độ an toàn mới đưa vào áp dụng đại trà. Đối với SGK, chỉ qua quá trình dạy thực tế mới phát hiện ra những sai sót, chính giáo viên sẽ đóng góp ý kiến về chương trình. Nhà xuất bản sẽ ghi nhận những ý kiến đó, chỉnh sửa lần cuối trước khi áp dụng vào việc dạy.

“Các bản mẫu SGK lớp 1 vừa qua được quy định dạy thử nghiệm 10% số tiết học của mỗi môn học, sau khi được Hội đồng Thẩm định thông qua là áp dụng đại trà. Như vậy đã bỏ qua giai đoạn thực nghiệm ứng dụng, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh vấn đề bất cập và khó chỉnh sửa khi đã ứng dụng trên diện rộng”- GS Nguyễn Lân Hiếu nêu.

Thời gian không còn nhiều nhưng theo các chuyên gia, quá trình thực nghiệm SGK lớp 2 và lớp 6 không thể vì thế mà gấp gáp, vội vàng. Đây phải là quá trình khoa học và công khai cho dư luận được biết. Việc dạy thử nghiệm cũng phải tiến hành ở các quận, huyện; các trường có điều kiện khác nhau mới có thể đánh giá khách quan, công tâm.

Lam Nhi