Thực phẩm chức năng: Vàng thau lẫn lộn - Bài 2: Vẫn khó kiểm soát

V.Hà - D.Chung 09/03/2021 06:30

Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đã bùng nổ với hàng chục nghìn sản phẩm, hàng nghìn doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất.

Thế nhưng, bên cạnh những sản phẩm uy tín, vẫn không ít TPCN giả trà trộn bán trên thị trường. Vậy công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng được thực hiện ra sao?

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ lô thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ..

Thực phẩm chức năng biến thành thần dược

Ra hàng thuốc người quen giới thiệu, tôi nói mình bị tiền đình, uống thuốc một thời gian giờ bệnh lại tái diễn. Cô bán hàng phẩy tay: “Chị cứ dùng TPCN đi, đảm bảo uống đều một thời gian sẽ đỡ hẳn”. Rồi cô hỏi tôi thích uống của nội hay ngoại? Ngoại thì hàm lượng cao hơn và giá cũng cao hơn.

Cô giới thiệu, các loại TPCN này đều làm từ dược liệu thiên nhiên, sản xuất bằng công nghệ hiện đại, được kiểm tra nghiêm ngặt nên tính hiệu quả và an toàn của sản phẩm cao…Khi thấy tôi hỏi có hàng nhập không? Cô lập tức đưa ra cả loạt như Aloha của Mỹ giá 800 ngàn đồng, Ginkgo Biloba của Úc 300 ngàn đồng, Ginkgo của Đức cũng 300 ngàn đồng…

“Chị cứ yên tâm, hàng nhập có giấy tờ đàng hoàng, chiết xuất chủ yếu từ bạch quả… chuyên dùng cho người bị suy giảm trí nhớ, đau đầu chóng mặt, mất thăng bằng, suy nhược thần kinh, người lao động trí óc căng thẳng mệt mỏi”- Cô bán hàng quảng cáo. Thế nhưng, khi tôi xem kỹ thì một số hộp thuốc chỉ thấy ghi mỗi dòng quy cách: 60 viên, 100 viên, made in Australia, made in Germany ngoài ra không thấy ghi công ty, địa chỉ…

Theo thống kê, hiện có tới hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN. Cứ hỏi đến bệnh nào là có loại TPCN tương ứng. Ví như bổ gan, bổ máu, bổ sung canxi, tuần hoàn não, vitamin E…Nhiều chủ hàng thuốc thừa nhận, lợi nhuận từ bán thực phẩm chức năng cao hơn bán thuốc tây rất nhiều.

Vì lợi nhuận, sẵn sàng lừa người tiêu dùng

Chính sự phát triển thần tốc này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN cũng khá khó khăn. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ sản phẩm TPCN thời gian qua cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Nếu không có nghiệp vụ thì khó phát hiện đâu là thuốc giả.

Vào một hàng thuốc ở chợ thuốc Ngọc Khánh, chỉ hộp vitamin E đỏ với những hàng chữ Nga hỏi giá, chủ hàng bảo 45.000 ngàn đồng. Tôi ngạc nhiên, thuốc nhập sao rẻ vậy? Chủ hàng bảo, đó là thuốc nội nhưng vì cái dòng vitamin E đỏ của Nga được nhiều người chuộng dùng nên công ty cứ in vậy để hút khách.

Thấy tôi chần chừ, chủ hàng trấn an, yên tâm đi, trong tất cả các hộp thuốc đều ghi rõ thành phần, công ty sản xuất, giấy phép đăng ký. Với lại, người bên Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đi kiểm tra liên tục. Họ đến và nhặt bất kỳ sản phẩm nào trên quầy về kiểm nghiệm, nếu không đúng thành phần, tiêu chuẩn, giấy phép đăng ký…thì lập tức sản phẩm ấy bị “tuýt còi” ngay.

Với lý do như vừa nêu, chủ hàng cũng tư vấn cho tôi nên chọn mua những loại TPCN nội có địa chỉ xuất xứ rõ ràng. Còn nếu muốn mua hàng nhập thì phải tìm cơ sở thực sự đáng tin cậy. Bởi trên thị trường có rất nhiều TPCN gắn mác ngoại nhưng thực chất là được sản xuất trong nước hoặc là hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, được “phù phép” thành hàng nhập khẩu “xịn” và bán với giá cũng rất “xịn”, đặc biệt là với các loại TPCN có tiếng.

Như sản phẩm thuốc giảm cân MANGO 1200 đã được các đối tượng làm giả một cách rất tinh vi, bao bì, nhãn mác giống hệt hàng thật, nhìn vào rất khó phân biệt. Chỉ khi người của công ty phân tích chi tiết bao bì, nhãn mác, thông tin sản phẩm MANGO 1200 do Công ty VIHECO sản xuất với sản phẩm “rởm” thì mới thấy có một số điểm khác. “Tinh vi đến vậy thì người tiêu dùng làm sao phát hiện được”- chủ hàng thuốc nói.

Tại Trung tâm Phân phối Dược phẩm và Trang thiết bị y tế Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Nhân Chính, Thanh Xuân, TP Hà Nội), cũng có cơ man nào là TPCN. Khi phóng viên đặt vấn đề mua một số sản phẩm tốt, một chủ hàng cũng cho biết, hàng đã bầy bán ở đây thì hoàn toàn yên tâm về chất lượng, giá cả và không lo hàng giả trà trộn. Thế nhưng khi tôi đưa ra dẫn chứng việc cơ quan chức năng đã phát hiện TPCN chữa tiểu đường TĐCARE được làm giả vô cùng tinh vi và bày bán tại một số cửa hàng ở Trung tâm thì vị chủ hàng này nói: “Đó là chỉ là một vài trường hợp con sâu làm rầu nồi canh thôi”.

Mức phạt chưa đủ sức răn đe

Thời gian qua cùng với việc Bộ Y tế liên tục duy trì việc kiểm soát, thanh tra chặt chẽ hoạt động này thì lực lượng quản lý thị trường cũng vào cuộc mạnh mẽ. Năm 2020, Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 66 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 352 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán ước tính hơn 136 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 392 tỷ đồng. Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối với 157 vụ; đã xử lý 26 vụ; đang xem xét 81; 50 vụ được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính… Còn 10 tháng đầu năm 2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 45 công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm, với số tiền phạt hơn 2,6 tỷ đồng.

Theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì ngoài phạt tiền, các lực lượng chức năng còn được áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm; công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, nhìn vào con số 66 nghìn vụ vi phạm, trị giá hàng hóa tịch thu chưa bán ước tính 136 tỷ đồng trong năm 2020 cho thấy những hình phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu nhà quản lý không mạnh tay hơn nữa, chắc chắn thị trường thực phẩm chức năng vẫn chưa thể được “dẹp yên”. Và người tiêu dùng chắc chắn vẫn “tiền mất tật mang”.

Tuyệt đối không mua sản phẩm không rõ ràng

Về vấn đề này, chiều ngày 8/3, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn kết, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, những sai phạm phổ biến trong sản xuất, kinh doanh TPCN thì ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí để giới thiệu và bán TPCN ở khu vực vùng sâu, vùng xa gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo quy định, từ ngày 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP) tức là điều kiện sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải khác với những sản phẩm thực phẩm thông thường như sản xuất bánh kẹo, bún, phở… tương đương điều kiện sản xuất thuốc.

Tuy đã có những quy định quản lý như vậy, nhưng thực tế vẫn có nhiều cơ sở, nhiều cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cố tình gian dối trong sản xuất, tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người.

Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng không mua những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không ghi rõ thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên nhãn mác, bao bì; không có dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh”; những sản phẩm mà phần công dụng ghi là chữa bệnh, điều trị, hoặc chữa khỏi dứt điểm, hoặc sản phẩm tốt nhất… đều là những sản phẩm vi phạm quy định.

(Còn nữa)

V.Hà - D.Chung