Lẽ nào chỉ xin lỗi?
Ngày 24/3 tới, cơ quan tố tụng của TP Hồ Chí Minh sẽ tiến hành xin lỗi công khai anh Bùi Minh Lý tại huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), vì đã khởi tố, bắt giam và kết án oan.
Song, dư luận cho rằng, việc xin lỗi công khai anh Lý là chuyện đương nhiên phải làm, nhưng quan trọng hơn là phải truy cứu trách nhiệm các cá nhân gây oan sai.
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, khi các cơ quan quản lý, tố tụng gây oan sai cho công dân thì phải xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần tương xứng. Số tiền bồi thường tạm ứng từ ngân sách nhà nước, sau đó các cá nhân gây thiệt hại sẽ phải tùy theo trách nhiệm liên đới mà bồi thường tương ứng.
Song, lâu nay các cá nhân tại các cơ quan tố tụng từ Trung ương đến địa phương liên quan đến việc gây oan sai cho công dân hầu hết chưa có trách nhiệm bồi thường để hoàn vào số tiền ngân sách tạm ứng. Chỉ có một số người bị khởi tố điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự, còn lại an nhiên vô sự như họ chẳng có trách nhiệm gì.
Điều đó đã được chứng minh từ khá nhiều vụ oan sai gây bức xúc dư luận trong những năm qua. Có những người ngồi tù oan hàng chục năm, thậm chí hai chục năm nhưng cuối cùng cũng chỉ là lời xin lỗi và tiền bồi thường từ ngân sách nhà nước, còn những cá nhân tại các cơ quan tố tụng gây oan sai không phải chịu trách nhiệm gì.
Đó là lý do mà không ít cá nhân tại các cơ quan tố tụng tại các địa phương thiếu trách nhiệm, nếu không muốn nói là cố tình làm sai lệch hồ sơ, kết tội oan công dân, chỉ để khép lại vụ án. Họ hiểu, kể cả khi có phát hiện oan sai cũng đã có ngân sách nhà nước bồi thường hộ sai lầm, có mất gì đâu mà phải lo sợ, mà phải làm đúng.
Tư duy trên là hết sức nguy hiểm cho những nghi can hình sự. Bởi lẽ, khi mà người thực hiện tố tụng có làm sai hay cố tình làm sai cũng không bị làm sao cả, thì đương nhiên họ sẽ không có sự kiêng dè. Khi đó, hoặc là họ thiếu trách nhiệm, hoặc là họ sẽ “nhấm nháy” làm sai lệch hồ sơ, “chạy án” gây oan sai cho người vô tội.
Đáng tiếc, hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước lại cho phép ngân sách ứng tiền ra bồi thường oan sai cho các nạn nhân, nhưng chế tài lại chưa đủ mạnh để bắt các cá nhân liên quan hoàn trả lại số tiền đó cho ngân sách. Hầu hết các vụ án oan sai đều lấy tiền ngân sách ra đền bù, nhưng việc thu lại từ cá nhân vi phạm lại rất khó.
Không những Nhà nước không thể thu hồi tiền ngân sách đã bỏ ra bồi thường cho vi phạm của các cá nhân trong các cơ quan tố tụng, mà hầu như người ta “lờ lớ lơ” câu chuyện vì sao lại xảy ra oan sai nên những người tham gia tố tụng không hề bị truy cứu trách nhiệm. Hầu hết đều “hạ cánh an toàn”, họ coi việc oan sai là... chuyện bình thường.
Trong hàng loạt vụ án rúng động dư luận như vụ 3 cụ già ở Vĩnh Phúc ngồi tù oan gần 40 năm trời với tội danh giết người, hay như vụ ông Hàn Đức Long bị các cơ quan tố tụng 4 lần kết án tử hình rồi cuối cùng hóa ra là... oan. Hay như vụ án bà Đặng Thị Nga và con bị các cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên khép tội giết chồng, giết cha...
Còn nữa, ông Nguyễn Thanh Chấn ở huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) bị ngồi tù oan tới 10 năm chỉ vì sự cẩu thả, vô trách nhiệm của các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán chủ tọa các phiên tòa xét xử. Rất nhiều vụ án đau lòng như vậy, nhưng hầu hết các cá nhân tại CQĐT, VKS, TA đều bình yên vô sự, không bị “sờ gáy”.
Khi mà các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có thể “vô tư” làm sai, để rồi đến tiền bồi thường còn chẳng mất, thì làm sao khiến họ phải kiêng dè? Trình độ non yếu hoặc cố tình làm sai lệch hồ sơ vì háo danh, bệnh thành tích, thậm chí vì nhấm nháy, cầm tiền chạy án mà không bị trả giá, thì có lý do gì họ phải sợ mà không dám phạm pháp?
Vậy nên, trong câu chuyện người thanh niên bí thư đoàn Bùi Minh Lý bị hàm oan ngồi tù hơn 2 năm trời, các cơ quan chức năng cần xem xét tới trách nhiệm của các cá nhân có liên quan đến quá trình tố tụng. Không chỉ đơn giản là bồi hoàn lại tiền bồi thường của ngân sách nhà nước, mà còn là trách nhiệm hình sự do gây oan sai.
Khi mà các hành vi vi phạm pháp luật phải bị trả giá, khi đó người ta mới biết sợ mà không dám tái phạm. Khi mà có sự xử phạt ngiêm minh đối những người vi phạm, nhất là vi phạm tố tụng, gây oan sai, khi đó mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa không để mỗi cá nhân tham gia tố tụng dám làm bừa, làm ẩu, gây hại cho một người hiền lương. Vậy nên, trong các vụ án oan sai, không thể chỉ xin lỗi là xong.