Hộ chiếu vaccine và một thế giới chia rẽ
Việc sử dụng “hộ chiếu vaccine” nhằm mở cửa trở lại các nền kinh tế đã "tơi tả" vì đại dịch.
Tuy nhiên, hộ chiếu đặc biệt này đang đặt ra không ít mối lo, nhất là những người nghèo, những người không thể sở hữu được nó, có thể phải đứng ngoài nhiều hoạt động của cuộc sống thường ngày. Và nhiều người còn cho rằng tấm hộ chiếu này sẽ làm thế giới bị chia rẽ.
Quan điểm trái chiều
Ý tưởng về việc sử dụng "hộ chiếu vaccine", theo đó cho phép những người đã tiêm chủng vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được tự do đi lại, đang gây chia rẽ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, một số quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Vùng Vịnh có nền kinh tế dựa vào ngành du lịch đã thúc đẩy mạnh mẽ ý tưởng sử dụng “hộ chiếu vaccine”. Vào đầu tháng 1/2021, Hy Lạp đã kêu gọi EU cho phép những người sử dụng "giấy chứng nhận đã tiêm vaccine" được tự do đi lại trong khối.
Cộng hòa Cyprus, vốn phụ thuộc nặng nề vào du khách Anh, cũng hướng đến thỏa thuận với Israel và Malta, cũng chỉ vì du lịch. Tây Ban Nha, điểm đến mùa hè nổi tiếng nhất châu Âu cũng đã xem hộ chiếu vaccine có thể là "yếu tố rất quan trọng". Bulgaria và Italy cũng cho rằng “hộ chiếu vaccine” sẽ khôi phục hoạt động thường nhật.
Ngay từ đầu năm, khi mà Covid-19 vẫn hoành hành thì Thụy Điển và Đan Mạch đã triển khai chương trình cấp giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử, cho phép người dân xuất ngoại tham dự các sự kiện thể thao, văn hóa và thậm chí tới dùng bữa tại các nhà hàng. Iceland, không phải là thành viên EU cũng đã cấp chứng chỉ tiêm chủng điện tử (từ tháng 1) để tạo điều kiện đi lại dễ dàng giữa các quốc gia.
Tuy nhiên cho tới thời điểm này Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa ủng hộ ý tưởng sử dụng “hộ chiếu vaccine”, với lý do vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa Covid-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế.
Pháp và Đức là 2 quốc gia “mạnh” nhất châu Âu những tưởng sẽ ủng hộ “hộ chiếu vaccine”, nưng trên thực tế họ lại khá thờ ơ. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nói rằng, “không phải ai cũng được tiếp cận với các vaccine. Chúng ta không biết liệu chế phẩm này có ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không".
Nhưng dẫu thế, vì lợi ích kinh tế thì nhiều hãng hàng đã lớn tiếng ủng hộ “hộ chiếu vaccine” càng sớm càng tốt. Hãng hàng không Qantas của Australia là hãng đầu tiên tuyên bố ý tưởng này là "điều thiết yếu". Hai hãng hàng không Emirates và Etihad của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cho biết sẽ sớm thử nghiệm ứng dụng "IATA Travel Pass" kỹ thuật số được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế phát triển. Hãng hàng không quốc gia New Zealand cũng đang lên kế hoạch thử nghiệm “hộ chiếu vaccine” để chuẩn bị cho việc nối lại các chuyến bay quốc tế với Australia trong thời gian tới.
Vậy thì tiêu chuẩn nào cho “hộ chiếu vaccine“?
Đổ dầu vào lửa
Trong khi câu chuyện “chủ nghĩa dân tộc vaccine” vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi, thì việc phát hành "hộ chiếu vaccine" - một dạng giấy thông hành điện tử cho phép những người đã được tiêm vaccine được tự do đi lại, không khác gì “đổ dầu vào lửa”.
Nhiều ý kiến lo ngại nếu “hộ chiếu vaccine” được phát hành thì các nước giàu sẽ chiếm ưu thế trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong khi đó, các nước nghèo vẫn đang phải “vật lộn” để có được nguồn cung vaccine do bất bình đẳng trong cơ chế phân phối và sẽ ngày càng bị tụt lại phía sau.
Tới thời điểm hiện tại, Israel, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Anh, Mỹ và EU đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng cho người dân, đặc biệt Israel có tỉ lệ 96/100 (số người được tiêm/100 người). Trong khi đó, hầu hết các quốc gia còn lại chưa tới 1% số người được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Theo Tổ chức phân tích Economist Intelligence Unit (EIU), các nước như Anh, Mỹ, Israel và các quốc gia thành viên EU sẽ đạt được “độ bao phủ tiêm ngừa diện rộng” và hoàn thành tiêm chủng cho hầu hết dân số vào cuối năm 2021 và nhóm các nước còn lại sẽ chỉ đạt mục tiêu tiêm phòng khoảng 30% dân số vào năm 2022. Thậm chí, EIU cho rằng 84 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không có đủ vaccine Covid-19 cho đến năm 2023 và vấn đề thiếu hụt vaccine sẽ kéo dài trong nửa đầu của thập niên này.
Theo bà Agathe Demarais - Trưởng bộ phận phân tích của EIU, việc tiêm chủng vaccine và đặc biệt là “hộ chiếu vaccine” sẽ “chia đôi thế giới giàu - nghèo”.
Đáng chú ý, trong “cuộc chiến vaccine”, EU lại đang nỗ lực ngăn chặn việc bán vaccine ngừa Covid-19 ra khỏi châu Âu. Cũng có nghĩa EU muốn công dân trong khối phải được an toàn, sau đó mới tính đến “phần còn lại của châu Âu”. Như thế cũng có nghĩa là không công bằng khi xét trên phạm vi toàn cầu.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/2, sáng kiến phân phối vaccine Covid-19 toàn cầu COVAX của Liên hợp quốc bắt đầu phân phối những lô vaccine đầu tiên tới các nước đang phát triển; trong đó, Ghana là quốc gia đầu tiên tiếp nhận lô 600.000 liều vaccine theo cơ chế này. Dự kiến đến cuối tháng 5, sẽ có 237 triệu liều vaccine trong chương trình COVAX được phân phối tới 142 quốc gia.
Như vậy, có thể thấy, đã có chuyện “trục trặc” trong khái niệm “hộ chiếu vaccine” cũng như việc phân phối vaccine Covid-19 giữa EU với Liên hợp quốc. Đó là chưa kể dư luận rộng rãi đang đòi hỏi nhanh chóng xóa bỏ bản quyền sản xuất vaccine ngừa Covid-19 hiện do các tập đoàn dược phẩm “cá mập” nắm giữ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, thông báo EU đang chuẩn bị cho việc áp dụng “Thẻ xanh kỹ thuật số” để nối lại các hoạt động di chuyển quốc tế vào mùa hè này. Theo đó EU sẽ ưu tiên mở cửa du lịch trong phạm vi EU trước tiên, dân châu Âu có thể đặt phòng khách sạn và khu nghỉ dưỡng trước các quốc gia khác. Trái lại, Chủ tịch Hiệp hội Tiêm chủng Tây Ban Nha (AEV), Amos Garcia, đã kiên quyết phản đối “hộ chiếu vaccine” của châu Âu, coi việc cấp đặc quyền đi lại cho những người được tiêm chủng có thể làm gia tăng “khoảng cách xã hội” giữa các nước giàu và nghèo, không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới bởi vaccine hiện đang được phân phối chủ yếu cho các nước giàu.