Các vụ việc bạo lực học đường được đưa lên mạng: Tác động đến tâm lý học sinh ?
Những hình ảnh bạo lực học đường tràn lan trên mạng xã hội như Facebook, Youtube… mà đôi khi, người ta lợi dụng những hình ảnh, video bạo lực đó để “câu like, câu view”. Và chính những hình ảnh này đã vô tình "tác động" đến tâm lý của giới trẻ, đặc biệt là học sinh.
Bạo lực học đường vẫn tồn tại trong nhiều năm qua
Những năm vừa qua, dư luận, báo chí không khỏi lùm xùm dấy lên những vụ nữ sinh đánh nhau, cởi đồ; giáo viên mầm non ngược đãi trẻ;… Người ta gọi chung nó là bạo lực học đường - việc sử dụng những hành vi hung tính, ngang ngược, sai trái gây tổn hại đến người khác. Bạo lực học đường xảy ra giữa các học sinh; sinh viên giữa giáo viên và học sinh trong môi trường học tập.
Bạo lực học đường bao gồm bạo lực về tinh thần và bạo lực về thể chất được diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: đánh đập, lăng mạ, xúc phạm, cố ý gây thương tích, chế giễu,…
Đây là một vấn đề không mới nhưng luôn được dư luận quan tâm. Bởi những cuộc xích mích, đánh đập hay những hành vi sai trái trong thế giới học đường vẫn đang xảy ra.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Giáo dục và đào tạo thì trong một năm học, trên toàn quốc có đến hơn 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, trung bình là 5 vụ/ngày và cứ trên 5.200 học sinh lại có một em đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, nạn bạo lực học đường xảy ra chủ yếu ở nữ giới và độ tuổi chủ yếu là từ 15-18 tuổi. Cũng theo như tiến trình điều tra, xét hỏi, các vụ bạo lực đa số phát sinh chỉ từ những xích mích nhỏ như: kiêu, điệu, ngứa mắt hay đôi co tình cảm…
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), khi nhận thức người dân, nhận thức xã hội tăng lên thì những vụ việc tố cáo nhiều hơn, dẫn đến việc những thông tin, hình ảnh về bạo lực học đường rất nhiều trên các trang mạng xã hội.
Gần đây nhất là vào sáng 6/3, trên các diễn đàn lan truyền một đoạn video ghi lại cảnh 2 học sinh lớp 7 túm tóc, đấm đá túi bụi vào người một học sinh nữ. Học sinh nữ bị đánh không dám phản kháng và ngồi thụp xuống đất lấy cặp che đầu chịu đựng.
Tương tự các vụ việc khác, những hình ảnh này được lan truyền với tốc độ chia sẻ lớn và thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Trước đó, liên tiếp những vụ việc như thầy giáo sờ soạng học sinh ở Bắc Giang, thầy giáo tán tỉnh nữ sinh ở Thái Bình, nhóm nam sinh hiếp nữ sinh ở Quảng Trị, 5 nữ sinh lột đồ, đánh đập một bạn cùng lớp ... đã xảy ra. Điều này khiến nhiều người lo ngại về môi trường giáo dục.
Khi những vụ việc đánh nhau giữa các học sinh được phát tán lên mạng xã hội, tốc độ chia sẻ, bình luận vụ việc là rất lớn. Điều này gây tác động không nhỏ đến tâm lý của giới trẻ, nhất là học sinh. Trong nhiều trường hợp, học sinh sẽ "vô tình" học theo những "thói xấu" đó, kéo theo nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy.
Không chỉ dừng ở đó, nhiều trang mạng xã hội cũng dùng những hình ảnh này như một cách "câu like, câu view" mà quên đi mất rằng, những hình ảnh đó có thể là "con dao hai lưỡi". Một phần như lời răn đe, cảnh tính đến giới trẻ nhưng một phần có thể "kích động" tâm lý "hiếu thắng, hiếu chiến, xử lý bằng nắm đấm" của học sinh.
Làm thế nào để ngăn chặn bạo lực học đường ?
Chúng ta không thể ngăn chặn những hình ảnh đó đăng tải trên không gian mạng nhưng chúng ta cần nắm được về nguyên nhân, gốc rễ của vấn nạn bạo lực học đường để đưa ra lời khuyên, định hướng giúp con em mình hiểu được vấn đề, tránh xa được vấn nạn này.
Muốn chữa được bệnh thì trước hết phải bắt được bệnh. Về mặt chủ quan, nạn bạo lực học đường xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi mới lớn. Lúc này tâm sinh thay đổi, có những diễn biến phức tạp, thường thích thể hiện, thích ra oai với bạn bè. Ở lứa tuổi này, khả năng suy nghĩ chín chắn, hành động cẩn thận, tỉ mỉ còn rất hạn chế, cái tôi cá nhân thường lớn và thường mang tính chất áp đặt, khiên cưỡng.
Về mặt khách quan có thể kể đến các nhân tố tác động đến như gia đình; trường lớp; xã hội... Từ nhiều nguyên nhân trên, con đường dẫn đến bạo lực học đường là vô cùng gần. Chỉ một chút xích mích, chỉ vì cái nhìn, chỉ vì câu nói cũng có thể châm ngòi cho chiến tranh.
Vấn nạn bạo lực học đường nên được đẩy mạnh giải quyết triệt để và nhanh chóng. Đối với bản thân mỗi cá nhân, mỗi học sinh đầu tiên chúng ta phải xác định đúng đắn mục tiêu và phương pháp học tập, đến trường đến lớp là để trau dồi tri thức và rèn luyện đạo đức, là lễ phép với thầy cô, chan hòa với bạn bè.
Chúng ta hãy luôn giữ vững quan điểm, lập trường đúng đắn; để tránh bị kẻ xấu kích động, lôi kéo dụ dỗ, hạn chế chuyện tình cảm mà tập trung chính cho công việc tích lũy kiến thức.
Bên cạnh đó, mỗi bậc cha mẹ; thầy cô nên chú ý quan tâm sát sao đến tâm sinh lý của các em; nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh. Nhà trường cũng kết hợp với hội phụ huynh, với các tổ chức chuyên ngành để thiết lập các buổi vui chơi, hội thảo, chia sẻ củng cố kĩ năng sống, đạo đức, nhân cách và lối sống tốt đẹp cho các em học sinh.
Để đẩy lùi bạo lực học đường, có lẽ giải pháp tốt nhất là kết hợp vai trò giữa gia đình, nhà trường và xã hội.