Vì sao nên làm căn cước công dân gắn chip trước 1/7?
Người dân làm thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong các trường hợp đổi mới, cấp mới, lệ phí đều chỉ một nửa trước ngày 1/7/2021.
Thực hiện đề án của Bộ Công an, hiện nay các tỉnh thành đang gấp rút làm thẻ CCCD gắn chip cho người dân.
Việc cấp CCCD gắn chip được thực hiện từ ngày 1/1/2021 và Bộ Công an dự tính đến ngày 1/7/2021 sẽ cấp cho khoảng 50 triệu công dân, từ đủ 14 tuổi trở lên.
Với những lý do dưới đây, người dân nên nhanh chóng đi làm CCCD gắn chip, chậm nhất là ngày 1/7/2021.
Lệ phí cấp đổi, cấp lại giảm còn một nửa
Thông tư 112/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 29/12/2020 đã giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ứng phó dịch Covid-19.
Một trong số đó có lệ phí cấp CCCD. Theo Điều 1 Thông tư 112, từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021, Bộ Tài chính giảm lệ phí cấp Căn cước công dân (CCCD) bằng 50% mức thu lệ phí nêu tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC.
Ưu việt của CCCD gắn chíp điện tử
So với CCCD sử dụng mã vạch, Chứng minh nhân dân 9 số và 12 số, CCCD gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.
Đáng chú ý, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch.
Ngoài ra, việc tích hợp chíp trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an. Dữ liệu trên chíp có thể được truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.
Chíp sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam đồng thời không có chức năng định vị, theo dõi xác định vị trí của công dân.
Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.
Khi đề xuất sử dụng CCCD có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp; phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.
Với những lý do trên đây, người dân nên nhanh chóng đi làm CCCD để tiết kiệm chi phí, an toàn, tiện lợi.
Tuy vậy, với những người chưa có điều kiện, thời gian đi làm CCCD gắn chip, thẻ Chứng minh nhân dân, thẻ CCCD mã vạch đã cấp trước đây vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.
* Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ Căn cước công dân (khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014). Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi (Điều 21).
* Người dân có thể đến Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú để thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chip.
* Quy trình cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử:
Mang CMND/CCCD mã vạch đến (không cần mang thêm giấy tờ gì).
Kiểm tra lại thông tin đã được thu thập.
Nếu thông tin sai thì công dân chỉnh sửa để cán bộ Công an bổ sung vào phần mềm.
Lấy vân tay 10 ngón.
Chụp ảnh chân dung.
Kiểm tra lại tờ khai thông tin cá nhân.
Nhận giấy hẹn.