Tiếng Việt của chúng mình
Một nhóm trí thức trẻ được tập hợp qua mạng xã hội Facebook đã có sáng kiến tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt lần đầu tiên vào ngày 21/2/2021.
G. thân mến!
Hôm nay tôi ngồi viết lá thư này cho G bằng tiếng Việt. Còn vừa hôm qua là ngày 21/2, ngày mà UNESCO chọn là ngày tôn vinh tiếng mẹ đẻ của các nước. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của chúng mình. Và rất vui G ạ, khi năm nay, dù ở quy mô rất bé, nhưng một nhóm trí thức trẻ được tập hợp qua mạng xã hội Facebook đã có sáng kiến tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt lần đầu tiên vào ngày 21/2/2021.
Nhóm trí thức trẻ này là các thành viên của trang Tiếng Việt giàu đẹp từ nhiều năm nay. Vào năm 2012 khi mới chỉ đang học lớp 11, Lê Trọng Nghĩa - một trí thức trẻ đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, đã có sáng kiến lập trang Tiếng Việt giàu đẹp. Rồi Nghĩa vì bận học đã bỏ bê trang trong nhiều năm, chỉ sau khi tốt nghiệp và ở lại Nhật Bản làm việc, Nghĩa mới quay lại chăm chút cho Tiếng Việt giàu đẹp từ năm 2019. Tuy nhiên, cho đến nay, lượng truy cập và tham gia Tiếng Việt giàu đẹp đã không ngừng tăng lên với khoảng 35.000 lượt yêu thích và hơn 3000 thành viên.
Là người say mê đọc một tờ tạp chí về kiến thức từ bé trong đó chuyên mục say mê nhất là của học giả An Chi với rất nhiều kiến thức hay về ngôn ngữ tiếng Việt, Lê Trọng Nghĩa tâm sự, anh đã hình thành mong muốn được làm theo học giả An Chi để chia sẻ những kiến thức về tiếng Việt từ rất sớm, khi đó còn chưa có một trang nào trên Internet giải thích chia sẻ về tiếng Việt. Trong khi đó, với nhu cầu rất cao của việc học ngoại ngữ nên trên Internet có rất nhiều trang về tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật… với nhiều phân tích rất hay. Nghĩa bảo, chính thực tế đó đã “thôi thúc tôi phải xây dựng trang Tiếng Việt giàu đẹp để mọi người cùng thấy tiếng Việt của chúng ta cũng rất hay, rất đáng nghiên cứu”. Ban đầu cũng chỉ là mò mẫm rồi chia sẻ những bài của học giả An Chi. Nhưng sau đó, Nghĩa đã tra cứu tận gốc các tài liệu để đưa lên trang những kiến thức phong phú hơn. Ngày càng có những bài chuyên nghiệp hơn, có sự thu hút với cộng đồng.
G. ạ! Hàng ngày chúng ta vẫn thường xuyên nghe thấy rất nhiều người nói tiếng Việt nhưng được chèn các từ tiếng Anh trong giao tiếp. Như một thứ thời thượng và thậm chí đôi khi được cho là như thế mới văn minh. Thậm chí tôi quen một vài bạn trẻ, dù đang sống ở Việt Nam, nhưng khá lúng túng trong khi diễn đạt tiếng Việt. Vì lâu nay cách nói chèn tiếng Anh đã khiến các bạn ấy lười biếng trong việc tư duy tiếng Việt. Cho nên, tôi cực kỳ thú vị khi biết một bạn trẻ đã học tập và đang làm việc ở nước ngoài như Lê Trọng Nghĩa lại cho rằng, việc người Việt nói chèn các từ tiếng Anh trong giao tiếp rất đáng phải bàn. Theo Nghĩa, giao thoa văn hoá dẫn đến một điều trong công việc là mọi người sẽ dùng nhiều từ nước ngoài. Ví dụ ở lĩnh vực chuyên ngành của Nghĩa là công nghệ thông tin, thì có khá nhiều thuật ngữ phải dùng tiếng Anh. Nhiều từ rất khó dịch ra tiếng Việt hoặc dịch được thì cũng không tự nhiên. Và việc dùng thuật ngữ tiếng Anh có thể tiện trong công việc nhưng sẽ dẫn đến nguy cơ đưa tiếng Anh ra ngoài đời thực. Nghĩa bảo rằng, từ “ý tưởng” thì tiếng Anh là “idea” và sẽ là không tốt nếu nói từ này bằng tiếng Anh trong các giao tiếp thông thường. Tiếng Anh từ trong công việc đang thâm nhập vào cuộc sống của người Việt rất nhanh và đặc biệt ảnh hưởng tới các thế hệ sau này đặc biệt là với các em được học tiếng Anh từ nhỏ. Nghĩa cho rằng cũng không thể trách các bạn trẻ được vì trên mạng Internet đang rất thiếu thông tin về tiếng Việt và không nên nghĩ rằng đã có hàng trăm tờ báo tiếng Việt lên mạng là đủ.
Đó là lý do để Nghĩa tâm niệm “phải làm thế nào để Tiếng Việt giàu đẹp trở thành địa chỉ tin cậy cho mọi người để thấy hết cái hay, cái đẹp của tiếng Việt”. Lê Trọng Nghĩa đã nói như thế này: “Chúng tôi khẳng định, tiếng Việt của chúng ta cũng rất hay và cũng rất thuận tiện trong công việc. Ít nhất, chúng ta phải cho cộng đồng thấy được điều đó và khi đó, chính người Việt sẽ yêu quý ngôn ngữ của đất nước mình. Con cái cần phải có hiếu với cha mẹ vì cha mẹ cũng rất vất vả vì con cái. Đó là cội nguồn mà mọi người đều phải nhớ cho tiếng mẹ đẻ của mình.”
Trở lại với sự kiện chào mừng ngày Tôn vinh tiếng Việt lần đầu tiên năm nay của nhóm các bạn trẻ, Tiếng Việt giàu đẹp đã tổ chức 2 cuộc thi viết ca ngợi tiếng Việt và tiếng Việt qua tranh vẽ.
Nhưng mà G có đồng ý với tôi đó dù sao cũng chỉ là một hoạt động rất nhỏ, trong khi tiếng Việt xứng đáng được tôn vinh nhiều hơn thế. Gần đây tôi được biết cũng đã có ý kiến của nhiều nhà khoa học về vấn đề này. Như TS ngôn ngữ Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam trong khi hoan nghênh sự năng động và sáng tạo của các nhân tố trí thức trẻ cho sự kiện này năm nay, cũng đã cho rằng theo ông, khi UNESCO đã lựa chọn ngày 21/2 hàng năm cho tiếng mẹ đẻ các nước thì Việt Nam cũng có thể chọn ngày này để tôn vinh tiếng Việt.
Mà thật hay là tháng 2 này cũng là dịp kỷ niệm 55 năm cuộc vận động “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” được phát động vào tháng 2/1966 bởi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Theo các GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) và TS Nguyễn Thế Dương (Trường “Yêu Tiếng Việt” – Australia) trong một bài viết mới nhất được viết chung của 2 ông, thì đã đến lúc cần phải có “Ngày tiếng Việt”. “Đây sẽ là một dịp để nhắc nhở mọi người mang trong mình dòng máu Việt, dù ở Việt Nam hay nước ngoài, về việc gìn giữ và phát huy giá trị của tiếng Việt trong thời đại hội nhập. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta tổ chức những hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị thế của tiếng Việt với tư cách là một ngôn ngữ quốc gia. Đây cũng là ngày để mọi người dân Việt Nam vui sướng và tự hào tưởng nhớ và vinh danh những giá trị của tiếng Việt, của chữ Quốc ngữ trong quá khứ và hiện tại. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận và phác thảo ra những định hướng phát triển cho tiếng Việt trong tương lai, khắc phục những điểm bất cập để tiếng Việt mãi là một viên ngọc lung linh tỏa sáng cùng dân tộc.” – tôi trích hơi dài ý kiến của 2 nhà nghiên cứu có tiếng này.
Có một vấn đề được các nhà nghiên cứu đưa ra là chọn ngày nào để tôn vinh tiếng Việt: Có thể là ngày 3/1, ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du – người đã viết những câu thơ bằng tiếng Việt hay bậc nhất. Có thể đó là ngày 25/5, ngày thành lập của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ (1938). Cũng có thể lựa chọn ngày 8/9, ngày Nha Bình dân học vụ được thành lập năm 1945) để giải quyết được giặc dốt - một trong các vấn đề cấp bách nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào những ngày đầu thành lập. Nhưng có lẽ theo một khảo sát thì nhiều người ủng hộ ngày 21/2 hơn cả, ngày mà UNESCO chọn là ngày vinh danh tiếng mẹ đẻ.
G. yêu quí!
Tôi đang viết cho G. một lá thư bằng tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Thứ tiếng mà học giả Phạm Quỳnh từng nói: “Tiếng ta còn, nước ta còn”.
Thứ tiếng mà nhạc sĩ Phạm Duy từng ngợi ca tha thiết: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi, tiếng ru muôn đời/ Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/ Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi/ Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/ Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi”.
Tôi nhớ những câu thơ Lưu Quang Vũ: “Như muối mặn gừng cay lòng khế xót/ Ta như chim trong tiếng Việt như rừng”.
G. ơi!
Tiếng Việt giàu đẹp, tiếng Việt yêu thương! Nhưng tiếng Việt cũng đang biến đổi nhanh quá, vừa như là xu hướng tất yếu của thời hiện đại vừa làm tiếng Việt xấu đi. Cần một ngày để tôn vinh tiếng Việt và cần một chính sách đủ mạnh để bảo vệ tiếng Việt, phải không G.?
Chào G. nhé!
Hẹn gặp ở thư sau!