Ô nhiễm tiếng ồn karaoke ở khu dân cư
Ngày 9/3, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp tìm giải pháp xử lý vi phạm tiếng ồn do karaoke trong khu dân cư.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho rằng, tiếng ồn phát sinh từ nhiều nguồn. Nguồn thứ nhất, từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như vũ trường, quán bar, beer club… Nhóm 2 là quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn, cường độ âm thanh lớn. Nhóm 3 là hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, chiếu phim; hộ gia đình thuê dàn nhạc để ca hát hoặc các sinh hoạt văn hóa gia đình như tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật và các dạng sinh hoạt đám mừng, liên hoan khác…. Cuối cùng là các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát quảng cáo (siêu thị, chợ, tiệm photocopy, các điểm quảng cáo…), địa điểm sinh hoạt công cộng (công viên, nhà thờ, chùa…).
Sở TNMT cho biết, trong giai đoạn 2019-2020, thành phố xử phạt 141 trường hợp vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn tại 17 quận/huyện. Số tiền xử phạt là hơn 818 triệu đồng. Trong số này, có 20 trường hợp là vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt tại khu dân cư.
Liên quan đến xử phạt tiếng ồn, đại diện quận Bình Thạnh cho hay, quận có kế hoạch phân công lực lượng kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, khi lực lượng kiểm tra các địa điểm ăn uống gây tiếng ồn có phần e dè hơn. Nhưng khi lực lượng rút đi thì lại tái phạm.
“Hiện nay quy định xử phạt từ 100.000 – 300.000 đồng là quá ít, không đủ sức răn đe. Ngoài ra, chúng ta có thể nhắc nhở các địa điểm kinh doanh, còn những loa lưu động thì chịu”, Chủ tịch UBND quận 12 nêu quan điểm và cho rằng đơn vị nào không xử lý được bằng quy định có thể ta dùng đoàn thể, cơ sở nhắc nhở. “Nhắc nhở chắc người ta ngưng nhưng quan trọng là có chịu đi nhắc nhở hay không, có trách nhiệm hay không”.
Trên thực tế, ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề đã tồn tại khá lâu và đặc biệt nóng vào thời gian gần đây. Dường như có sự ganh đua trong giới thiệu mặt hàng, sản phẩm nên các hàng quán, cửa hiệu đua nhau mở loa, gây ô nhiễm.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn đã có cơ sở nhưng các cơ quan chức năng còn chưa hiểu hết các quy định. Cách xử lý cũng như trách nhiệm của các cơ quan phối hợp chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan còn cho đây là chuyện thường ngày, không phải việc của mình.
“Không chấp nhận một đô thị lớn mà từ khu dân cư đến quán ăn, cửa hàng, cửa hiệu đều ra rả mở loa công suất cao ảnh hưởng đến người dân. Trong buổi họp này, thành phố sẽ cùng nhau rút kinh nghiệm, triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp và quyết liệt với tệ nạn này”, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Lãnh đạo UBND TP HCM cũng cho biết, thành phố thống nhất mở đợt cao điểm tập trung xử lý tiến ồn từ nay đến cuối năm. Giai đoạn, từ nay đến cuối tháng 5 sẽ tập trung công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở. Giai đoạn này chưa xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn. Giai đoạn 2, từ tháng 6 đến cuối năm sẽ tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.