Lãi suất ngân hàng không giảm: Doanh nghiệp gặp khó
Lãi suất huy động thấp nhưng lãi suất cho vay – phần lãi suất mà doanh nghiệp tiếp cận được không thấp như các ngân hàng công bố. Điều này khiến cho doanh nghiệp đau đầu chuyện vốn.
Lãi suất tiền gửi thấp
Lãi suất tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân trong tháng 3 không có nhiều biến động so với tháng trước. Hầu hết các ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất cho kỳ hạn 13 tháng với mức chi trả phổ biến từ 7,8- 8,45. Song để đạt được mức lãi suất này điều kiện đi kèm là số tiền gửi từ vài trăm tỷ đồng trở lên.
Trong khi đó với các khoản tiền gửi từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, lãi suất niêm yết chỉ loanh quanh mốc 5,5 % đến 6,8%. Trong khi đó,VietinBank, Agribank và BIDV có cùng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 5,6%/năm. Vietcombank có lãi suất thấp hơn, chỉ là 5,5%/năm.
Còn lãi suất cho vay, theo báo cáo hoạt động mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND có xu hướng giảm so với cùng thời điểm này năm 2020 và cuối năm 2019.
Hiện đối với các lĩnh vực sản xuất, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND phổ biến ở mức 3-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến 4,2-6%/năm. Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) cho biết: “NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ”.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 3, để hỗ trợ khắc phục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19, NHNN vừa ban hành văn bản số 1370/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới,..
Theo phản ánh của các DN, việc các nhà băng giảm lãi suất cho vay là có và tác động tích cực đến nguồn vốn chảy vào nền kinh tế song việc giảm lãi suất chỉ mới dành cho các lĩnh vực ưu tiên, còn những lĩnh vực không thuộc ưu tiên đang phải vay vốn kỳ 6 tháng với lãi suất ở mức 7,5%/năm, nhưng 3 tháng sau sẽ điều chỉnh, khi đó lãi cho vay tăng lên khoảng 8,5%-9%/năm. Trong khi đó sức khoẻ DN đã suy yếu vì Covid-19.
- Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, không ít DN không còn tài sản đảm bảo do đã mang ra vay nợ trong thời gian trước, nên gặp khó với các khoản vay mới.
Cùng với đó, tài sản đảm bảo của các DN còn đang bị định giá rẻ hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu như trước kia, DN vay vốn có thể được đối ứng 30-70 với ngân hàng, nghĩa là DN có tài sản đảm bảo đối ứng giá trị 30% khoản vay thì ngân hàng cho vay 70%, nhưng bây giờ khoản đối ứng đã lên 50-50, thậm chí xuống 70-30.
Lãi cho vay giảm chưa tương xứng
Theo các chuyên gia kinh tế, thanh khoản các ngân hàng đang dồi dào và lạm phát thấp, sẽ có thêm dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Qua đó, giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào giảm lãi suất cho vay, kích thích kinh tế phát triển.
Theo ông Phan Dũng Khánh, việc giảm lãi suất không chỉ hỗ trợ khách hàng, mà giúp ngân hàng hạn chế nợ xấu. Trong khi đó dự đoán về xu hướng lãi suất năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm thêm, vì tín dụng bắt đầu phục hồi, nhiều ngân hàng bắt đầu cạnh tranh huy động để cho vay.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu nói, năm nay, vẫn có thể xảy ra trường hợp tương tự như năm ngoái, khi mặt bằng lãi suất đầu vào đã giảm mạnh, nhưng đầu ra chỉ giảm nhỏ giọt. Do nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng nên họ sẽ nới biên độ lãi suất huy động và cho vay để tăng biên lãi ròng. Lợi nhuận thu về cao hơn dùng để tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Bên cạnh đó các ngân hàng đều đặt kế hoạch năm 2021 tăng trưởng hơn 2020. Năm ngoái, các ngân hàng đã lãi lớn nhờ lãi suất huy động giảm thấp nhưng lãi vay giảm không tương ứng, nên năm nay không có lý gì lại giảm mạnh lãi suất cho vay để tăng trưởng giảm so với trước và giá cổ phiếu chắc cũng không thể tăng, đây là điều giới ngân hàng không hề mong muốn.
Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, năm nay vẫn có thể xảy ra trường hợp tương tự như năm ngoái, khi mặt bằng lãi suất đầu vào đã giảm mạnh, nhưng đầu ra chỉ giảm nhỏ giọt. Do nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng nên họ sẽ nới biên độ lãi suất huy động và cho vay để tăng biên lãi ròng. Lợi nhuận thu về cao hơn dùng để tăng trích lập dự phòng rủi ro.