Mảnh đất màu mỡ của hàng nhái
Những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại là không hề nhỏ. Thương mại điện tử rút ngắn khoảng cách không gian, giúp người tiêu dùng tiết kiệm được thời gian, không mất công phải đến tận nơi mua hàng. Nhưng thương mại điện tử cũng là mảnh đất màu mỡ của vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.
Các sàn thương mại điện tử xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam như Sen đỏ, Shopee, Lazada... tạo cơ hội cho người tiêu dùng mua sắm được thuận lợi và nhanh gọn hơn. Song thông tin mới đây được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đưa ra trong báo cáo “Danh sách những nơi diễn ra hoạt động mua bán các sản phẩm giả mạo và trái phép năm 2020” có sự xuất hiện cái tên “Shopee” thực sự khiến người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy bất an.
Trong số các sàn thương mại điện tử hoạt động mạnh mẽ nhất hiện nay tại Việt Nam, có thể nói đến cái tên Shopee khi số đông người tiêu dùng Việt trên cả nước đều biết đến số người tham gia mua sắm trên sàn thương mại này không hề nhỏ.
Với lợi thế hàng hóa đa dạng, phong phú, giá lại rất rẻ, thường xuyên chạy các chương trình khuyến mại với hàng loạt các voucher ưu đãi lớn, Shopee ngày càng được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Đáng chú ý, Shopee cùng với các sàn thương mại điện tử khác như Lazada.vn, Tiki.vn, Sendo.vn đã từng cam kết với nhà quản lý về việc “nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” khiến cho người tiêu dùng càng trở nên an tâm hơn.
Tuy nhiên, thông tin mà USTR vừa công bố và Shopee cùng một số sàn thương mại điện tử khác nằm trong danh sách đen thực sự khiến người tiêu dùng cảm thấy hoang mang. Đại diện Cơ quan quản lý thị trường thừa nhận, dù các sàn thương mại điện tử đã có cam kết nói trên, tuy nhiên vi phạm diễn ra vẫn phổ biến. Điều này thực sự đang làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng đối với sàn thương mại điện tử, đặc biệt là những kênh mua sắm lớn, đã có thương hiệu như Shopee.
Thực trạng này tiếp tục đặt ra vấn đề rằng, lỗ hổng trong quản lý sàn thương mại điện tử vẫn rất lớn, để cho hàng giả hàng nhái dễ dàng thâm nhập một cách mạnh mẽ và ngày càng có chiều hướng phức tạp hơn. Đã đến lúc cơ quan quản lý cần siết chặt hơn việc kiểm soát sàn thương mại điện tử.
Bởi, thực tế cho thấy, mặc dù chúng ta đang có Nghị định 52/2013/NĐ-CP quản lý sàn thương mại điện tử, song Nghị định đang bộc lộ nhiều điểm lỗi thời khi thương mại điện tử ngày càng thay đổi theo thời gian. Chính bởi vậy, việc bổ sung sửa đổi Nghị định nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm kiểm soát một cách chặt chẽ hơn thị trường này là vô cùng cần thiết nhằm hạn chế vấn nạn hàng giả, hàng nhái, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.