Thành tựu đến từ nền kinh tế mở
Với 61,7 điểm, Việt Nam lần đầu tiên lọt Nhóm nền kinh tế có “chỉ số tự do kinh tế ở mức trung bình”, trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90/178 nền kinh tế trong bảng xếp hạng năm 2021. Đó là thông tin từ Quỹ Di sản (Heritage Foundation, Mỹ) khi công bố Bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2021, cho thấy lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào Nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” tăng 2,9 điểm và tăng 15 bậc so với năm 2020.

Theo Heritage Foundation, nền kinh tế Việt Nam thăng hạng là do tình hình tài chính trong nước được cải thiện. Cụ thể hơn, Việt Nam đứng thứ 17 trong số 40 nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.
Được biết, “Chỉ số tự do kinh tế” đo lường chính sách tự do kinh doanh ở các nền kinh tế trên thế giới. Chỉ số này đánh giá 10 yếu tố cơ bản của mỗi nền kinh tế, được nhật báo The Wall Street Journal và Quỹ Di sản công bố thường niên.
Đây là nhận định khách quan, cho thấy nền kinh tế Việt Nam ngày càng có độ mở lớn, hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu. Ngay trong năm 2020, khi thế giới chìm sâu vào suy thoái do đại dịch Covid-19 với mức âm 4% thì GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng với mức 2,91%. Cũng trong năm này, bất chấp muôn vàn khó khăn thì Việt Nam vẫn ký những hiệp định thương mại tự do (FTA) với độ mở lớn, trong đó đặc biệt đáng chú ý là FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Cùng đó là FTA RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 14.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, các FTA được ký kết và thực thi trong năm 2020 đã mang lại những tín hiệu tích cực. Việc cắt giảm thuế quan sâu rộng liên tục từ các FTA với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu. Còn theo Bộ Công thương, 5 tháng sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ trong bối cảnh rất khó khăn của đại dịch Covid-19.
Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) ký kết tối 29/12/2020, Bộ Công thương cho hay, Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu, với khoảng 400 dự án đang triển khai được đầu tư hơn 3,6 tỉ USD tính đến tháng 8/2020.
Theo Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, người đã hai lần được Tổng thống Pháp phong tước Hiệp sĩ (năm 1990 và năm 2006) thì năm 2020 trôi qua cùng với những biến động vô cùng lớn tác động đến kinh tế của bất cứ quốc gia nào, nhưng vượt lên khủng hoảng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng.
GS Trường cũng cho rằng, năm 2008, thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính và Việt Nam cũng đã chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng lịch sử đó như một năm đầy biến động. Lúc đó, Việt Nam đã phải vượt qua một cách rất khó khăn. Nhưng nay, khủng hoảng nặng nề hơn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định cho dù việc tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu đối với các doanh nghiệp là khó khăn.
Cũng cần nhắc lại rằng, trong năm 2020, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,82%, sụt gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019, là mức thấp nhất của quý I trong hơn 10 năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn 0,5%, mức tăng thấp kỷ lục, trong khi nhập khẩu âm gần 2%.
Tính chung cả 6 tháng năm 2020, tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,81%, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020. Các chỉ số về tiêu dùng, xuất khẩu đều giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%...
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2020, bằng rất nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, chúng ta đã có được những thành tựu ngoạn mục. Tính cả năm, GDP dương 2.91% và xuất siêu hơn 19 tỷ USD thì đó là một thành công.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công đó chính là độ mở của nền kinh tế, mức độ hội nhập sâu, chủ động hội nhập với kinh tế toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam. Đã xa lắm cái thời như một “ốc đảo”, lúc đó cho dù là người giàu trí tưởng tượng thì cũng không thể nghĩ rằng có lúc gạo Việt Nam xuất khẩu hàng đầu thế giới; hàng hóa của Việt Nam có chỗ đứng vững chắc ở thị trường Âu-Mỹ, Nhật Bản.
Để kết lại, xin được đưa ra dẫn chứng về thành công của kinh tế Việt Nam (trong đó có phần rất quan trọng đến từ độ mở của nền kinh tế): Báo cáo xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cho biết năm 2016 Việt Nam mới chỉ xếp hạng 59. Năm 2017, xếp vị trí 47. Năm 2020, trong tổng số 129 nền kinh tế được đánh giá, “Việt Nam nổi lên là một quốc gia đặc biệt” vì liên tục thăng hạng, lên vị trí 42.
Thông tin từ Báo cáo Thương hiệu quốc gia 2020 được thực hiện bởi Hãng định giá thương hiệu nước Anh - Brand Finance: Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới (tăng 9 bậc), xếp thứ 33 trên tổng số 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất toàn cầu.