Qua mặt ngân hàng
Khá nhiều người dân bỗng nhiên trở thành “con nợ” của ngân hàng, công ty tài chính, dù không hề vay mượn, thế chấp tài sản. Sau một hồi khiếu nại, trình bày “gãy lưỡi”, phía tổ chức tín dụng xác minh lại thì hóa ra họ là nạn nhân của một số đối tượng xấu dùng CMND của mình để thay ảnh, làm giả hồ sơ vay ngân hàng, công ty tài chính.
Trong thực tế, việc làm giả hồ sơ, tài liệu của cơ quan tổ chức, cá nhân diễn ra không ít, nhưng để “qua mặt” những nơi “soi” hồ sơ nghiêm ngặt như cơ quan công an, ngân hàng, công ty tài chính thì không phải chuyện dễ. Ấy vậy mà không hiểu bằng cách nào đó, một số đối tượng vẫn có thể dùng CMND của người khác để vay tiền.
Một công ty tài chính sau khi xác minh mới té ngửa ra rằng, phôi CMND là thật, tên của người được cấp cũng thật, chỉ có điều ảnh trên CMND lại là ảnh của kẻ khác chứ không phải chính chủ. Điều đó có nghĩa, bằng cách nào đó, kẻ xấu có được CMND của chủ nhân thực sự, rồi sau đó thay ảnh, làm giả hồ sơ vay vốn tổ chức tín dụng.
Việc nhân viên các tổ chức tín dụng dễ dàng bị qua mặt bởi một tấm CMND được thay ảnh giả đã dấy lên nỗi lo ngại không chỉ cho cá nhân một số người dân, mà còn nguy cơ của các ngân hàng, công ty tài chính. Cá nhân người mất CMND thì tự nhiên mắc nợ, còn các tổ chức tín dụng bị mất vốn do không thể đòi khổ chủ của tấm CMND.
Ở đây cũng không loại trừ khả năng không phải là chủ nhân những tấm CMND không phải bị mất, mà là cố ý mang đi cầm cố hoặc bán, tệ hơn nữa là thông đồng với các đối tượng làm giả để “rút ruột” ngân hàng, công ty tài chính. Song, dù có thế nào thì việc các tổ chức tín dụng không thể phát hiện CMND bị chỉnh sửa là khó chấp nhận được.
Tất nhiên, sau mỗi sự vụ bị phát hiện như vậy, cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra và sẽ xác định được chủ sở hữu CMND thực sự mất, hay bán, cầm cố cho đối tượng làm giả hồ sơ vay vốn ngân hàng, công ty tài chính. Song, vấn đề là nếu không kịp thời phát hiện sẽ khiến người chủ đích thực của những tấm CMND khổ sở vì các khoản nợ vô cớ.
Thực tế đã có người bỗng dưng bị công ty tài chính, ngân hàng gọi điện đòi nợ dù không hề vay vốn. Có người khi đi vay vốn mới ngã ngửa người ra rằng bản thân đang có nợ số tiền lớn, dù họ chưa từng “bén mảng” tới tổ chức tín dụng này. Thậm chí có người còn bị trát của toàn án triệu tập vì nợ vốn không chịu thanh toán...
Những trường hợp cười ra nước mắt kể trên đã và đang diễn ra trong thực tế, không khỏi khiến xã hội lo ngại. Nghe thì có vẻ tiếu lâm, như chuyện đùa, nhưng lại là thật 100% và đang khiến một số khổ chủ của những tấm CMND thất lạc điên đầu. Làm sao có thể không điên đầu, bởi nếu không chứng minh được sự trong sạch, rất có thể khổ chủ của những tấm CMND thất lạc sẽ bị tổ chức tín dụng “đè ngửa” ra để thu hồi công nợ.
Ngay cả khi không phải trả số tiền mà mình không vay, thì việc phải đi đi lại lại để giải quyết những vấn đề có liên quan với ngân hàng, công ty tài chính, thậm chí là cả cơ quan công an... cũng khiến các khổ chủ của những tấm CMND bị thất lạc vô cùng khổ sở. Thật đúng là họa vô đơn chí, đã mất CMND rồi còn bỗng dưng mắc nợ.
Một vấn đề đặt ra ở đây, nếu, chỉ là nếu thôi, phía ngân hàng, công ty tài chính không xác minh được và không thể khẳng định khổ chủ của những tấm CMND bị thất lạc không nợ vốn, thì điều gì sẽ xảy ra? Khi đó, cơ quan, tổ chức nào sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người dân, khi mà lỗi lại thuộc về phía ngân hàng, công ty tài chính?
Dư luận cho rằng, việc các ngân hàng, công ty tài chính dễ dàng bị các đối tượng xấu qua mặt, thay ảnh vào CMND của người khác để làm giả hồ sơ vay vốn là điều khó có thể chấp nhận. Bởi lẽ, một người dân bình thường muốn vay vốn hợp pháp còn rất khó bởi hàng rừng thủ tục, giấy tờ, vậy tại sao đối tượng xấu lại vay dễ thế?
Nhiều ý kiến cho rằng, cũng không loại trừ khả năng có sự tiếp tay từ chính nhân viên của các ngân hàng, công ty tài chính, các đối tượng xấu mới có thể dễ dàng làm giả CMND như vậy. Dù có sự tiếp tay của nhân viên hay chỉ là sơ xuất không phát hiện ra CMND rởm, thì lỗi cũng là của các tổ chức tín dụng, không phải của người dân.
Vì thế, đã đến lúc các ngân hàng, công ty tài chính cần siết chặt quản lý, xem xét kỹ càng hồ sơ vay vốn, tránh để tình trạng tương tự tái diễn, đừng để người dẫn bỗng mắc nợ oan du họ không vay vốn. Quan trọng hơn, các tổ chức tín dụng đừng để bị qua mặt dễ thế, vừa bị “rút ruột” dễ dàng, vừa tạo ra nguy cơ mất thanh khoản, dẫn đến nguy cơ về an ninh tiền tệ.