Đấu giá đất ở Yên Dũng (Bắc Giang): Cò thổi giá, dân khóc ròng!
Những lô đất ở xã Nội Hoàng (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) qua tay "cò đất" được "thổi" lên với giá cao ngất, trong khi nhiều người dân có nhu cầu nhà ở thật, chỉ biết khóc ròng.
Trung tâm phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp thuộc huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) vừa kết thúc phiên đấu giá đất đầu tiên của năm 2021, với kết quả chênh lệch 67 tỉ đồng so với giá khởi điểm.
Chênh 67 tỷ đồng giá khởi điểm
Theo đó, ngày 23/1, UBND huyện Yên Dũng cùng cơ quan chuyên môn tổ chức một phiên đấu giá đất tại khu đất ở và kinh doanh dịch vụ thuộc xã Nội Hoàng với diện tích gần 3.560 m2.
Đây là phiên đấu giá đất đầu tiên của hơn 20 phiên đấu giá đất khác, trong năm 2021. Khu đấu giá đất này có 45 lô với tổng giá khởi điểm là 91 tỷ đồng, với diện tích lô thấp nhất 72 m2, cao nhất 100 m2.
Kết quả phiên đấu giá thể hiện, toàn bộ 45 lô đều có khách hàng đấu trúng với tổng giá trị 158 tỉ đồng, chênh lệch 67 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Lô thấp nhất trúng với giá 3,2 tỷ đồng, cao nhất là 5,4 tỷ đồng.
Được biết, thời điểm này, cơ quan chuyên môn của huyện Yên Dũng đang tập trung thu tiền sử dụng đất sau đấu giá. Theo kế hoạch từ nay đến hết năm, huyện Yên Dũng tiếp tục quy hoạch, tổ chức đấu giá đất tại một số xã, thị trấn, phấn đấu thu hơn 1.480 tỉ đồng tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước, tăng hơn 650 tỉ đồng so với năm trước.
“Thổi” giá
Từ kết quả của phiên đấu giá, theo tìm hiểu của chúng tôi, gần như toàn bộ khách hàng trúng đấu giá đều là người địa phương khác và đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hay còn gọi bằng tên dân dã, thường ngày là “cò đất”.
Sự xuất hiện của “cò” trong phiên đấu giá đất tại khu đất ở và kinh doanh dịch vụ thuộc xã Nội Hoàng, khiến giá đất tăng chóng mặt, gần gấp đôi. Bằng chứng là giá khởi điểm đưa ra đấu giá lô 72 m2 là 25 triệu đồng/m2, tương đương 1,8 tỷ đồng. Kết thúc phiên đấu, lô này được chốt giá cho khách trúng là 3,2 tỷ đồng.
Ít ngày sau phiên đấu giá, chúng tôi có mặt tại khu đất ở và kinh doanh dịch vụ thuộc xã Nội Hoàng. Ghi nhận thực tế, khu đất trên nằm cách khá xa khu dân cư, phải đi hơn 1 km mới ra tới đường liên huyện, nhưng lại có sự xuất hiện của rất nhiều những chiếc xe ô tô thời thượng, cùng những gian nhỏ nhỏ bằng tôn, dựng làm văn phòng giao dịch bất động sảnt. Thấy sự xuất hiện của người lạ, vài tốp nam nữ ăn diện thời trang đang đứng bên những chiếc xe ô tô tiền tỉ, cạnh lô đất đấu giá hôm 23/1, bỗng tiến nhanh lại phía chúng tôi.
Đoán chắc chúng tôi tìm tới đây mua đất, nên không do dự, chỉ sau mấy câu chào hỏi xã giao, mấy “cò đất” liền “thổi” giá 3,8 tỷ đồng cho lô đất 72 m2 (thời điểm trúng đấu giá hôm 23/1 là 3,2 tỷ đồng) và “thổi” lô góc hai mặt tiền 128 m2 với giá 6,3 tỷ đồng (giá trúng đấu giá là 5,4 tỷ đồng)…
Từng chứng kiến phiên đấu giá đất và hoạt động của đội “cò đất” từ nhiều ngày qua, bác Nguyễn Văn Thuận, một người dân sinh sống tại xã Nội Hoàng cho hay: không chỉ gia đình bác, mà nhiều hộ dân khác trong xã cũng có ý định dùng tiền dạnh dụm được để mua thêm một lô đất cho các con cái ra ở riêng. Tới khi kết quả công bố, giá mà các hộ dân trong xã bỏ đấu giá, thấp hơn rất nhiều so với giá của những đội “cò đất”.
Ngoài bác Thuận, còn có chú Tùng, chú Thắng, cô Tuyết, chị Thắm, đều là những người con dân xã Nội Hoàng tham gia phiên đấu giá đất vừa diễn ra. Mục đích của họ tham gia phiên đấu giá, là muốn mua thêm lô đất để dựng vợ, gả chồng cho con, cho cháu.
“Đất mãi trong đồi, trong núi, vùng xa là thế. Trước hôm đấu giá, dân chúng tôi cũng chỉ nghĩ bà con trong làng đấu với nhau, xa lắm là đội có máu mặt ở xã bên sang. Nhưng tới hôm đấu, ai cũng ngỡ ngàng vì toàn người lạ mặt ở đâu đâu, đi xe mắt tiền, giàu có… Chúng tôi cũng biết, từ giờ đến cuối năm, huyện còn nhiều phiên đấu giá đất ở khác. Nhưng cứ với cái đà này thì còn lâu mới tới lượt chúng tôi trúng đấu giá đất”.
30 ngày biến ảo
“Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như chẳng có người dân địa phương nào trúng đấu giá đất ở và kinh doanh dịch vụ thuộc xã Nội Hoàng. Toàn là dân kinh doanh bất động sản thôi. Họ coi đây là một nghề, đấu giá cao và cùng bắt tay nhau thổi giá lên cao ngất ngưởng. Và tới khi dân bất động sản này rút ra, bán lại cho người khác, thì giá đất sẽ tụt thê thảm”, ông Nguyễn Văn Thuần – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp Yên Dũng, nói với chúng tôi trong buổi làm việc mới đây.
Vẫn theo ông Thuần, ngày 14/3 tới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp Yên Dũng tiếp tục tổ chức đợt đấu giá đất ở, kinh doanh đợt 2: Chắc chắn đợt đấu giá lần này giá đất cũng sẽ được “thổi” lên rất cao so với thực tế. Và ông Thuần cũng dự đoán sẽ có rất nhiều đội “cò đất” tham gia phiên đấu giá lần thứ 2 này.
Nói về thực trạng “cò đất” thổi giá mạnh ngay sau phiên đấu giá, ông Thuần chia sẻ: theo đúng quy định của pháp luật: 2 – 3 ngày trước phiên đấu giá, mỗi bộ hồ sơ tham gia đấu phải nộp cọc số tiền tương đương 10% trên giá tổng khởi điểm mỗi lô đất. Sau 30 ngày công bố kết quả trúng đấu giá, khách hàng phải nộp đủ tiền.
“Tuy nhiên, 30 ngày nhiều khi là quá ngắn, nhiều “cò đất” không tìm được khách để bán lại lô đất mà mình đã trúng đấu giá, nên đành chấp nhận mất trắng tiền cọc. Thời gian qua, mình ghi nhận có tới 6 trường hợp “cò đất” chấp nhận bỏ cọc do không đẩy được giá bán cao hơn so với giá trong buổi đấu giá đất”.
Và đây là nguyên nhân lý giải cho việc “cò đất” tụ về khu đất đấu giá rất đông, hoạt động rầm rộ, tập trung “thổi” giá đất lên cao nhất có thể. Theo ông Thuần, nhiều đội cò diễn việc mua bán đất như thật. Dân thường không tinh ý, tưởng đất đắt và nhiều người mua, nên đổ xô mua theo để đầu cơ. Nhưng dân mình đâu biết, đất đấu giá qua tay cò, tới được người có nhu cầu thật thì “cò đất” đã lời vài giá, lãi hàng trăm triệu… Đúng thời điểm này là “cò đất” thoát thân, bong bóng giá đất vỡ.