Nam Bộ hứng chịu nắng nóng gay gắt
Những ngày qua, TP Hồ Chí Minh và Nam Bộ xảy ra nắng nóng trên diện rộng với mức nhiệt dao động từ 35 đến 36 độ C. Tuy nhiên theo dự báo thì đỉnh điểm của nóng sẽ còn tiếp tục xuất hiện và gay gắt hơn, chỉ số tia cực tím nằm ở ngưỡng cao. Các chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn nói gì về hiện tượng này?
Nắng nóng gay gắt nhất là từ 10h đến 12h gây khó chịu và bức bối. Người dân lưu thông trên đường đều sử dụng áo chống nắng, găng tay, khẩu trang, kính mát...Những người bán hàng rong tìm bóng cây, chỗ râm mát để nghỉ tạm trong khoảng thời gian này.
Về nguyên nhân gây nắng nóng, theo ông Lê Đình Quyết - Phó Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, thông thường các năm, khoảng từ giữa hoặc cuối tháng 2, Nam Bộ sẽ bắt đầu xuất hiện nắng nóng một số nơi tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Nguyên nhân chính gây nên nắng nóng là hoạt động của hệ thống áp cao cận nhiệt đới trên các tầng cao. Thường khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, tháng 6, vị trí của hệ thống thời tiết này sẽ hoạt động ngay trên khu vực Nam Bộ, là nguyên nhân chính gây nên nắng nóng cho khu vực.
Liệu nắng nóng tại Nam Bộ có tiếp tục gay gắt trong thời gian tới? Trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, dự báo từ giờ đến cuối tháng 3 nắng nóng ở Nam Bộ sẽ tập trung ở các tỉnh miền Đông với mức nhiệt phổ biến từ 35-36 độ và nắng nóng ở miền Nam sẽ kéo dài qua tháng 4 và nửa đầu tháng 5. Trong đó tháng 4 nắng nóng gay gắt hơn cả, phạm vi nắng nóng không chỉ xảy ra ở miền Đông mà còn mở rộng sang cả miền Tây nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 36-38 độ, với các tỉnh miền Tây nhiệt độ thấp hơn một chút ở mức từ 35-37 độ.
“Từ nửa cuối tháng 5 khi mùa mưa Nam Bộ có khả năng bắt đầu thì lúc đó nắng nóng sẽ suy giảm dần” - ông Hưởng nói.
Cần lưu ý là trong 3 ngày tới (11-14/3), chỉ số tia cực tím cực đại tiềm năng ở các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam được dự báo đều nằm ở ngưỡng rất cao. Riêng tại TPHCM, chỉ số UV cực đại tiềm năng ngày 10/3 ở mức 10 đơn vị. Đây là ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao.
Theo thang bảng đo chỉ số tia cực tím, từ 3-5 là trung bình, từ 6-7 là cao, từ 8-10 là rất cao, trên 10-5 là đặc biệt cao, có thể xuyên qua mây và các loại cửa kính, nếu da tiếp xúc trực tiếp trong thời gian 25 phút có thể gây bỏng và từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, gây bỏng mắt nếu tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.
Vì vậy, các chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo người dân nên áp dụng các cách phòng tránh như mặc quần áo bảo hộ, dùng mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai, đeo kính râm để bảo vệ mắt, sử dụng kem chống nắng đều đặn, đặc biệt chú ý cẩn thận hơn trong khung giờ bức xạ tia cực tím gây hại cao nhất.
Cùng với nắng nóng thì xâm nhập mặn cũng đã bắt đầu gia tăng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Hưởng cho biết, xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020. Từ đầu năm đến nay đã xuất hiện 4 đợt xâm nhập mặn tăng cao, ranh mặn 4g/l xâm nhập vào các cửa sông ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2020 từ 5-35km.
Dự báo, từ nay đến cuối tháng 4 là thời kỳ cao điểm của xâm nhập mặn ở ĐBSCL và có thêm 4 đợt xâm nhập mặn tăng cao, sau tháng 4 xâm nhập mặn có xu thế giảm dần. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với các diễn biến nguồn nước và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Còn tại Bắc Bộ, cơ quan Khí tượng thủy văn nhận định, từ nay đến tháng 5/2021, Hà Nội vẫn chịu ảnh hưởng của 4-6 đợt không khí lạnh nhưng ít có khả năng gây ra các đợt rét đậm, rét hại.
Nắng nóng có khả năng xuất hiện từ cuối tháng 5 đến tháng 8/2021. Mùa hè năm nay, Hà Nội có khả năng xuất hiện 7-9 đợt nắng nóng trên diện rộng nhưng không kéo dài như năm 2020. Sang tháng 6-7/2021 bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông. Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2021.
Đặc biệt, chuyên gia khí tượng thủy văn cũng lưu ý, trong các tháng chuyển mùa (tháng 4-6/2021) khả năng cao sẽ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc. Nhiệt độ trung bình trong tháng 3/2021 trên cả nước phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng xuất hiện tương đương so với TBNN nhưng không gay gắt và kéo dài như năm 2020.