Gỡ điểm nghẽn phân luồng: Không để người học ‘đói’ thông tin

Lam Nhi 11/03/2021 07:00

Ở Việt Nam, phân luồng học sinh (HS) sau THCS là chủ trương đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước từ lâu nhưng đến nay vẫn là “điểm nghẽn”, thu hút sự quan tâm của xã hội.

Ảnh minh họa.

“Đói” thông tin

Đây là một trong những hạn chế còn tồn tại được các chuyên gia chỉ ra trong việc phân luồng HS sau THCS hiện nay. Cụ thể, HS sau tốt nghiệp THCS thường được định hướng vào các con đường chính là: Học tiếp lên THPT công lập hoặc ngoài công lập; Học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên, trực tiếp tham gia lao động sản xuất và du học.

Trong đó, các nhà trường chủ yếu phân công giáo viên chủ nhiệm phụ trách giảng dạy giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cho HS. Ngoài ra, một số giáo viên dạy chưa đủ số tiết quy định hoặc giáo viên dạy các môn kĩ thuật... được phân công nhiệm vụ này trong khi đa số không được đào tạo bài bản về hướng nghiệp hay tư vấn nghề nghiệp. Công việc chuyên môn nhiều, hồ sơ sổ sách cũng mất nhiều thời gian nên ít giáo viên đầu tư tâm huyết thực sự cho công tác hướng nghiệp. Bản thân các nhà trường cũng thiếu các phương tiện cần thiết như tài liệu tham khảo cập nhật, phòng tham vấn, trang bị lưu trữ hồ sơ, công cụ chẩn đoán nên không thể tạo lập được hồ sơ tư vấn phân luồng hướng nghiệp cho HS…

Một hạn chế nữa là công tác tư vấn hướng nghiệp dù nhận được quan tâm của ngành giáo dục song khi thực hiện chủ yếu theo nhóm rất lớn (toàn trường hoặc một khối lớp). Điều này làm giảm sự tương tác thực sự với HS. Một số em mạnh dạn có thể tìm sự tham vấn từ phía giáo viên chủ nhiệm hoặc các thầy cô bộ môn song hầu hết các em đều tự tìm hiểu, trao đổi cùng nhau hoặc với gia đình thay vì chia sẻ suy nghĩ về hướng đi và định hướng nghề nghiệp với chuyên gia hướng nghiệp. Như vậy, những thắc mắc của HS chưa chắc đã tìm được lời giải đáp thỏa đáng và đúng đắn, khiến các em có thể “lầm đường lạc lối” trong lựa chọn của mình.

Thông tin liên quan tới trường học, ngành học và nghề nghiệp sau này cũng là nội dung được nhiều HS và gia đình quan tâm. Song hiện nay các tài liệu giáo dục hướng nghiệp chỉ đề cập đến một số ít nghề phổ biến, chưa có sự đa dạng nghề như trong thực tế. “Đói thông tin” làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự chọn lọc, phân ban và định hướng công việc sau này cho HS, nhất là mới qua bậc THCS các em vẫn chưa trưởng thành như HS khối THPT.

Giải tỏa điểm nghẽn

PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan - Chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia “Giải pháp phân luồng HS sau THCS” nhìn nhận, phân luồng HS là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi con người và sự phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Ở Việt Nam, phân luồng HS sau THCS là chủ trương đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước từ lâu nhưng đến nay vẫn là “điểm nghẽn”, thu hút sự quan tâm của xã hội. Nhiều giải pháp đã được thực hiện để tạo thu hút HS sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp, nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Qua điều tra, khảo sát trên 5 đối tượng, gồm: cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ Bộ/ngành, đoàn thể, học sinh, cha mẹ HS, tại các trường THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở 6 tỉnh thành đại diện cho các vùng miền của Việt Nam (gồm: Lai Châu, Vĩnh Phúc, Đăk Lăk, Kiên Giang, Hà Nội, TP HCM) bắt đầu từ tháng 5/2017, tới nay nhóm nghiên cứu đã hoàn thành bước đầu của đề tài. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phân luồng HS sau THCS, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Một số giải pháp như: Truyền thông nâng cao nhận thức; thu hút và khuyến khích HS tham gia học nghề; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả phân luồng HS.

Đề tài đồng thời đề xuất công cụ quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Một số công cụ như: bộ tiêu chí đánh giá thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới; khung năng lực giáo dục hướng nghiệp của giáo viên làm công tác hướng nghiệp trong THCS; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục hướng nghiệp đáp ứng chương trình GDPT mới.

Chia sẻ thêm, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cho rằng bài toán phân luồng học sinh sau THCS được đặt trong bối cảnh học tập suốt đời theo khung tiếp cận các kỹ năng hướng tới việc làm và năng suất nhằm phân luồng hiệu quả. Đây là cách tiếp cận tổng thể theo quan điểm học tập suốt đời, có sự chuẩn bị tốt về các kỹ năng cần thiết trước phân luồng và sau phân luồng, nhằm tạo cơ hội, động lực để người lao động nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi ngành nghề theo yêu cầu công việc, điều kiện cụ thể của cá nhân.

Đánh giá cao điểm mới này cũng như những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ đề tài đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện tiếp một số nội dung. Trong đó, tập trung rà soát, hoàn chỉnh lại cơ sở lý luận của việc phân luồng học sinh sau THCS đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và yêu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp.

“Quan trọng nhất là phần giải pháp. Cần bổ sung những đề xuất chính sách phân cấp phù hợp, giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan thực hiện việc phân luồng này nhằm tạo cơ hội để học sinh sau THCS có sự phân luồng có chất lượng” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Lam Nhi