Nứt toác đê tả sông Chu
Mặc dù năm nào cũng được đầu tư hàng tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng, nhưng đoạn đê tả sông Chu (Thanh Hóa) dài hơn 11 km vẫn xuống cấp, nhiều đoạn bị nứt toác há rộng đến 20 cm. Nguyên nhân chính do lưu lượng xe quá tải dày đặc chạy qua cũng như sự chắp vá trong các lần sửa chữa của đơn vị chủ quản.
Vết nứt há rộng
Có mặt trên đoạn đê tả sông Chu, đoạn từ ngã ba Hậu Hiền, xã Thiệu Tâm chạy qua các xã Thiệu Minh, Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), chúng tôi không khỏi giật mình bởi sự hư hỏng và xuống cấp khá nghiêm trọng của con đê cấp I này. Trên đoạn đê dài hơn 11 km chi chít các vết nứt kéo dài gần như suốt tuyến. Nhiều đoạn vết nứt đã há rộng đến gần 20 cm, cắm sâu vào thân đê. Phần mặt bê tông bị gãy vỡ nham nhở tạo thành những ổ trâu, ổ gà khấp khểnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.
Nguy hiểm hơn, nhiều đoạn sụt lún đã phân chia mặt đê thành 2 phần, bên cao, bên thấp, lệch nhau đến cả chục cm. Điển hình là đoạn chạy qua xã Thiệu Minh. Trên đê, thi thoảng lại có các xe tải chở cát, thùng đầy có ngọn, ì ạch chạy qua, thân đê lại rung lên bật bật.
Ông Nguyễn Đình Nam, trú tại xã Thiệu Minh cho biết, đoạn đê này đã xuống cấp nhiều năm nay, nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý triệt để. Mỗi năm lại thấy có đơn vị thi công đến làm được một đoạn như chắp vá qua loa rồi đi. Năm sau đoạn đê khác lại nứt vỡ, lại có người về vá. Nguy hiểm hơn, tại đoạn đê này trong quá khứ từng xảy ra sự cố vỡ đê, làm ngập 13 xã của huyện Thiệu Hóa, một phần các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn và TP Thanh Hóa.
“Là người dân sinh sống ngay sát chân đê, chúng tôi hiểu được nguy cơ của tuyến đê xung yếu này và rất lo lắng. Các vết nứt và sụt lún ngày càng rộng và sâu hơn trong khi công tác sửa chữa hàng năm của đơn vị chủ quản chỉ làm như cho có một. Cứ đà này, chỉ cần một đợt mưa lũ lớn, kéo dài xảy ra, đoạn đê khó mà đủ sức chịu đựng” - ông Nam nói. Đồng thời cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do một lượng xe tải chở cát trọng tải lớn, đông đúc vẫn lưu thông qua đây bất kể ngày đêm. “Các anh thấy đấy, chỉ trên một đoạn sông ngắn mà đã có tới 4 bãi tập kết cát tồn tại và hoạt động thì bảo sao con đê không bị hư hại. Họ chỉ tạm ngừng chở cát khi thấy có lực lượng chức năng. Mà lực lượng này cũng thi thoảng mới xuất hiện cho có lệ”.
Chờ vốn?!
Đem thực trạng đáng lo ngại của tuyến đê tả sông Chu nói trên đến UBND huyện Thiệu Hóa để phản ánh, chúng tôi được biết: Cơ quan quản lý cũng như quá trình duy tu bảo dưỡng không thuộc trách nhiệm của huyện mà thuộc về Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa . Địa phương chỉ cử lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát tải trọng trên đê và kiểm tra, theo dõi tình trạng đê, nếu xảy ra hư hỏng thì báo cáo lên cấp trên, chờ hướng xử lý.
Làm việc với Chi cục Thủy lợi, thuộc Sở NNPTNT Thanh Hóa sáng ngày 8/3, chúng tôi được ông Lê Minh Trường - Phó Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cho biết: Hiện tại toàn tỉnh có 315 km đê Trung ương trong tổng số 1.008km đê các cấp. Hàng năm, ngoài nguồn kinh phí để tu sửa, gia cố cũng như bảo dưỡng các tuyến của tỉnh, Thanh Hóa cũng được Trung ương cấp một khoản kinh phí không nhỏ để phục vụ cho công tác duy tu, bão dưỡng các tuyến đê cấp 1. Đơn cử như trong năm 2020, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương cấp 45 tỷ đồng để tu sửa các tuyến đê xung yếu. Tuy nhiên, vì nguồn vốn eo hẹp nên sẽ tùy vào tình trạng cụ thể của từng tuyến đê mới phân bổ kinh phí, làm theo từng giai đoạn.
Về tình trạng xuống cấp của đoạn đê tả sông Chu như đã nêu ở trên, ông Trường cũng cho biết: Sau mùa mưa lũ 2020, Chi cục đã đi khảo sát và nắm được thực trạng xuống cấp tại đây. Trước mắt, Chi cục đã yêu cầu huyện khảo sát thực tế và có đánh giá cụ thể tình hình và báo cáo tỉnh. Sau khi được Trung ương phê duyệt kinh phí của năm 2021 sẽ tiến hành gia cố lại từng phần. Tuy nhiên, đây là câu chuyện của cuối năm, tức là sau mùa mưa lũ 2021. Còn hiện tại vẫn phải… chờ!
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng đê xuống cấp, hư hỏng như hiện nay, ông Lê Minh Trường lý giải: Có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản vẫn là do khi thi công, chúng ta vẫn làm theo cách thủ công, theo thời gian gia cố bằng đất đá nên dẫn đến thân đê yếu, nước sông dễ thẩm thấu qua đê mỗi khi có lũ lớn về. Dù biết là vậy nhưng kinh phí để làm một tuyến đê hoàn chỉnh, kiên cố là rất lớn. Với một tỉnh còn khó khăn như Thanh Hóa thì đây là “nhiệm vụ bất khả thi”.
“Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng khách quan mà nói, để dẫn tới tình trạng mặt đê nhanh chóng hư hỏng sau mỗi đợt duy tu là do lực lượng xe quá tải cày xới trên đê suốt nhiều năm qua! Vì lợi nhuận, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng đã bất chấp, thường xuyên chở quá tải và qua mặt các lực lượng chức năng. Hàng năm chúng tôi vẫn làm văn bản, phản ánh về tình trạng xe quá tải tàn phá các tuyến đê, gửi các cơ quan chức năng nhưng mọi việc vẫn không có nhiều biến chuyển!”- ông Trường cho biết thêm.