Giao dịch với đối tác nước ngoài: Coi chừng ‘tiền mất tật mang’
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam dính bẫy của đối tác nước ngoài do không tìm hiểu kỹ thông tin, ham lợi nhuận cũng như nghiệp vụ ngoại thương hạn chế, … dẫn đến cảnh “tiền mất tật mang”.
Nhiều chiêu trò lừa đảo
Dịch Covid-19 làm gián đoạn các giao dịch thương mại toàn cầu, song tình trạng doanh nghiệp (DN) Việt bị đối tác nước ngoài lừa đảo vẫn xảy ra khá phổ biến. Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), trong năm 2020, Thương vụ liên tục tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp DN Việt Nam nhận được lời mời chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận từ một số DNcó trụ sở tại UAE.
Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại UAE cho rằng, do tâm lý chủ quan, lợi nhuận cao, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế, cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến đi lại, gặp gỡ làm việc trực tiếp hoặc kiểm tra hàng hóa… bị gián đoạn.
Việc chuyển hướng sang hình thức giao thương online, nên vẫn có nhiều DN Việt Nam bị lừa, thiệt hại nặng nề trong giao dịch. Tình trạng này gây tâm lý e ngại và lo lắng cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn kinh doanh với thị trường này.
Theo cảnh báo của Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại UAE, một số hình thức gian lận thương mại phổ biến như giao hàng không trả tiền. Làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu. Sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên DN đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phàn. Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì hack hòm thư email (hoặc tạo 1 tài khoản email có địa chỉ gần giống tuyệt đối với email của bên bán) để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.
Hay lợi dụng sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp của các DN trong nước như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về DN đối tác, không có người của phía Việt Nam sang để làm việc… để chuyển hàng không giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ hoặc đòi bồi thường…
Trước đó, nhiều sự vụ tương tự cũng đã xảy ra ở các thị trường nước ngoài mà các Thương vụ cũng đã nhiều lần cảnh báo. Đơn cử, hồi tháng 4/2020, Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Gambia, Mali, Niger và Senegal cho biết, cũng đã nhận được thư của một số DN Việt Nam trao đổi về những khó khăn trong khâu thanh toán xuất, nhập khẩu với đối tác châu Phi.
Tranh chấp trong hợp đồng xuất, nhập khẩu thường xảy ra khi các nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở thư tín dụng L/C do chi phí cao. Trả chậm là phương thức thanh toán không an toàn gây bất lợi cho DN Việt Nam.
Ngoài ra, còn xuất hiện một số vấn đề khác trong khâu thanh toán như đối tác lừa đảo để lấy bộ chứng từ không qua ngân hàng. Sau khi nhận được bộ chứng từ, khách làm thủ tục lấy hàng từ cảng mà không thanh toán qua ngân hàng. Một số vụ việc đã có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng với khách hàng để không thanh toán.
Thận trọng khi giao dịch trực tuyến
Trước thực trạng này, Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Algeria và UAE khuyến cáo, các DN Việt Nam khi giao dịch với bạn hàng nước ngoài qua hình thức trực tuyến cần phải rất thận trọng. Trong trường hợp việc đàm phán giá cả, hợp đồng diễn ra dễ dàng, nhanh chóng, ít đàm phán mặc cả, chấp nhận giá cao…
Hay bắt đặt cọc để nhận khoản tiền đầu tư hoặc làm các thủ tục giấy tờ tại UAE; không cung cấp hoặc các giấy tờ cung cấp của nhiều pháp nhân khác nhau; mở L/C tại ngân hàng không uy tín của nước thứ 3; giấy phép kinh doanh tại UAE sắp hết hạn… Tất cả các trường hợp này đều có dấu hiệu lừa đảo.
Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại UAE cũng khuyến nghị, DN Việt cần lưu ý trong quá trình giao dịch với các công ty như: Abdul Aziz Abdul Gaffar Foodstuff Trading LLC, Green Light Foodstuff Trading LLC, Climax General Trading LLC.
Ngoài ra, để tránh bị lừa đảo, các DN trong nước cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật của nguồn nhân lực làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường của doanh nghiệp mình.
Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại các nước khuyến cáo, khi giao dịch với đối tác nước ngoài, để đảm bảo tính an tòan và tránh rủi ro trong giao dịch, về thanh toán, các DN nên đề nghị đối tác sử dụng L/C (thư tín dụng) không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế. Đồng thời, hạn chế cho khách hàng trả chậm. Khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thức của L/C trước khi giao chứng từ. Đối với thanh toán D/P (giao tiền thì giao chứng từ), DN Việt Nam cần đưa ra các mức % đặt cọc để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng (tốt nhất là 50% trở lên).